08:57 12/07/2025

Kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước 8.344 tỷ đồng

Phan Nam

Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước 8.344 tỷ đồng, kiến nghị khác 9.288 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công…

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Ngày 11/7, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức Hội nghị giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã hoàn thành toàn diện và chất lượng các nhiệm vụ công tác theo đúng kế hoạch với nhiều kết quả nổi bật.

TẬP TRUNG KIỂM TOÁN CÁC LĨNH VỰC DỄ PHÁT SINH THAM NHŨNG

Ngay từ đầu năm, phương án tổ chức kiểm toán đã được bố trí lồng ghép hợp lý, góp phần hạn chế tần suất kiểm toán tại các địa phương, đồng thời cân đối nhân sự các đoàn kiểm toán.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đã có văn bản chỉ đạo tập trung kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm (quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; quản lý, sử dụng đất đai, môi trường, tài nguyên, khoáng sản). Trong quá trình kiểm toán, cần lưu ý các dự án sử dụng vốn không hiệu quả hoặc lãng phí, chậm tiến độ, chậm đưa vào sử dụng, chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc…

"Kiểm toán nhà nước đã tổ chức thí điểm áp dụng AI và phân tích dữ liệu trong hoạt động kiểm toán. Kết quả ban đầu, AI đã chỉ ra các nội dung liên quan đến vượt tiêu chuẩn định mức; chỉ ra thời gian thực hiện không hợp lý với khối lượng thực hiện và một số lưu ý khác", báo cáo cho biết.

Trong quá trình kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã linh hoạt điều chỉnh không kiểm toán đối với những đầu mối, đơn vị đã được Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thanh tra, kiểm tra nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp; giảm thiểu sự phiền hà cho các đơn vị được kiểm toán.

Đặc biệt, trong điều kiện các Bộ, ngành, địa phương thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sáp nhập, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành điều chỉnh Kế hoạch kiểm toán, phương án tổ chức kiểm toán để vừa đảm bảo hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2025, vừa tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy.

 CHUYỂN CÁC VỤ VIỆC CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM SANG CƠ QUAN ĐIỀU TRA

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đối với 43 dự thảo báo cáo kiểm toán, 16 báo cáo kiểm toán đã phát hành thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2025, Kiểm toán nhà nước kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước 8.344 tỷ đồng (tăng thu 2.410 tỷ đồng, giảm chi 5.934 tỷ đồng) và kiến nghị khác 9.288 tỷ đồng.

Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.

Đề cập đến kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2024 (cho niên độ ngân sách năm 2023), Kiểm toán nhà nước cho biết tính đến ngày 15/6/2025, tổng số kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác đã thực hiện là 3.533/31.538 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,2%.

Tính đến hết tháng 6/2025, Kiểm toán nhà nước đã chuyển 02 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ; đang làm các thủ tục để chuyển 01 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra.

Ngoài ra, các công tác xây dựng văn bản pháp luật và văn bản quản lý; công tác hợp tác quốc tế; công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo; công tác công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học, báo chí tuyên truyền… cũng đã được triển khai hiệu quả, tích cực.