20:40 30/05/2009

Quản lý nợ công và thẩm quyền của Quốc hội

Nguyên Hà

Đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự án luật quản lý nợ công

Đại biểu Quốc hội còn có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các dự án luật -  Ảnh minh họa
Đại biểu Quốc hội còn có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các dự án luật - Ảnh minh họa
Thẩm quyền của Quốc hội là một trong số các nội dung của dự án Luật Quản lý nợ công, được Quốc hội tập trung thảo luận tại hội trường, chiều 29/5.

Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã cho ý kiến lần thứ nhất về dự thảo luật này. Sau đó dự luật đã tiếp tục được lấy ý kiến và chỉnh sửa.

Về thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ, dự thảo luật quy định Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt chiến lược nợ dài hạn, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay trả nợ hàng năm .Quốc hội có nhiệm vụ phê duyệt tổng mức vay, trả nợ hàng năm.

Theo báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định những định hướng quan trọng, trong khi đó Quốc hội lại phê duyệt kế hoạch hàng năm nằm trong định hướng mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định là chưa hợp lý, không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ luật định đối với từng cơ quan.

Tiếp thu ý kiến này, dự luật được chỉnh sửa lại theo hướng: Quốc hội có thẩm quyền quyết định những vấn đề cốt lõi mang tính định hướng trong quản lý nợ công; bao gồm quyết định các mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công trong từng giai đoạn 5 năm; quyết định các chỉ tiêu an toàn về nợ, tổng mức, cơ cấu vay và trả nợ hàng năm.

Còn Chính phủ với chức năng điều hành nền kinh tế, có nhiệm vụ, quyền hạn quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính, trong đó có nguồn vốn vay theo đúng mục đích, định hướng đã được Quốc hội quyết.

Chỉnh sửa này đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận.

Đại biểu Trần Đình Long (Đắc Lắc) góp ý thêm: “Tôi nghĩ một chỉ tiêu an toàn đối với nợ nước ngoài và chỉ tiêu trả nợ so với kim ngạch xuất khẩu là rất quan trọng mà Quốc hội phải quyết định trong luật này”.

Cũng liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị trong dự án luật thể hiện rõ nếu vượt chỉ tiêu an toàn nợ, vượt hạn mức nợ đã được Quốc hội phê duyệt thì cũng là một hành vi bị cấm trong quản lý Nhà nước về nợ công.

Nợ của doanh nghiệp Nhà nước, tính sao?

Nợ của khối doanh nghiệp nhà nước có thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hay không là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu quy định mọi khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của luật thì đồng nghĩa với việc khẳng định trách nhiệm pháp lý của Nhà nước đối với cả những khoản nợ doanh nghiệp nhà nước tự vay, tự trả. Điều này sẽ tạo hệ quả pháp lý bất lợi, dẫn đến nguy cơ phát sinh nghĩa vụ trả nợ của Nhà nước trong trường hợp các doanh nghiệp này mất khả năng thanh toán.

“Trong cơ chế thị trường, việc vay, trả nợ của doanh nghiệp Nhà nước sẽ do doanh nghiệp tự quản lý, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.

Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) đề nghị cần giải trình rõ hơn, vì dự án luật quy định doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương đều là đối tượng được vay lại từ nguồn vay nợ của Chính phủ. Cũng có nghĩa là cả hai cùng vay một nguồn tiền của Nhà nước, Nhưng khoản nợ này đối với chính quyền địa phương gọi là "nợ công" và được điều chỉnh bởi luật này, còn đối với doanh nghiệp thì lại cho rằng không phải.

Ông Dũng cho “đây là vấn đề sơ hở” và đề nghị nếu xác định phạm vi điều chỉnh của luật không bao hàm nợ của doanh nghiệp vay lại của Nhà nước thì phải bỏ quy định là cho doanh nghiệp được vay lại. Còn  nếu xác định doanh nghiệp cũng được vay lại từ nguồn vay của Nhà nước như chính quyền địa phương thì phải bổ sung nợ vay của doanh nghiệp Nhà nước cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

“Doanh nghiệp Nhà nước mà vay vốn do Chính phủ đi vay về cho vay lại thì đó cũng là khoản nợ công”, đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) đồng tình. Nếu quy định như dự luật thì “tôi thấy chưa thông”, ông nói. Một số ý kiến khác cũng chia sẻ với đại biểu Nhượng về nội dung này.