09:29 05/11/2008

Quản lý nợ công: Bỏ ngỏ doanh nghiệp Nhà nước?

Minh Thúy

Đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc có nên đưa doanh nghiệp Nhà nước vào phạm vi điều chỉnh của luật quản lý nợ công

Hiện nay tình trạng vay nợ của các doanh nghiệp Nhà nước là khó kiểm soát - Ảnh: Việt Tuấn.
Hiện nay tình trạng vay nợ của các doanh nghiệp Nhà nước là khó kiểm soát - Ảnh: Việt Tuấn.
Thảo luận về dự thảo Luật Quản lý nợ công chiều 4/11, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc có nên đưa doanh nghiệp Nhà nước vào phạm vi điều chỉnh.

Vào hay ra?

“Theo tôi, nên đưa doanh nghiệp Nhà nước vào phạm vi điều chỉnh, bởi nếu bỏ ngỏ doanh nghiệp Nhà nước trong phạm vi này sẽ dẫn đến hệ quả khó lường”, đại biểu Rcom sa Duyên (Gia Lai) phát biểu mở đầu phiên thảo luận.
 
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) cho rằng: hiện nay tình trạng vay nợ của các doanh nghiệp Nhà nước là khó kiểm soát, nhiều doanh nghiệp Nhà nước vay nợ lớn, và vì vậy cần thiết phải có sự quản lý bằng những quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm việc sử dụng vốn vay có hiệu quả để tránh lãng phí tài sản và khắc phục được việc một khoản nợ không được quản lý.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu khác lại chưa nhất trí với đề nghị trên.

Đại biểu Trần Du lịch (Tp.HCM) kiến nghị: “Vấn đề này nên sớm chế định vào một dự án luật khác mà hiện nay nằm trong chương trình của Quốc hội, đó là Luật Quản lý vốn kinh doanh của Nhà nước”.

"Trong tương lai xa, chúng ta không còn doanh nghiệp Nhà nước nữa mà tất cả hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì có nên đưa từ "doanh nghiệp Nhà nước" vào đây nữa không?", đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Nghệ An) đặt câu hỏi.

Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cũng cho rằng nếu đưa hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ vay của doanh nghiệp Nhà nước vào đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật này sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc đã được xác lập trước đó bởi Luật Doanh nghiệp.

Thống nhất đầu mối quản lý

Theo quy định hiện hành thì Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cùng thực hiện chức năng quản lý nợ khu vực công.

Một trong những mục tiêu quan trọng của việc xây dựng Luật Quản lý nợ công là khắc phục tồn tại trong cơ chế quản lý đang bị phân tán này, thống nhất về một đầu mối.

Tuy nhiên, theo Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thì mục tiêu này chưa đạt được. Đây cũng là băn khoăn của nhiều đại biểu.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nợ công.

Đại biểu Ngô Quang Xuân (Đồng Tháp) đề nghị “nên giải quyết luôn, không nên để tạm thời thêm một thời gian nữa, bởi vì vấn đề này làm cho quản lý nợ công không ổn”.

Xung quanh vấn đề vay, sử dụng, và trả nợ, nhiều đại biểu còn băn khoăn về tính minh bạch và hiệu quả sử dụng. Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị: “Trong nội dung xây dựng kế hoạch hàng năm trình Quốc hội cần có một nội dung rất quan trọng là dự báo cân đối dòng tiền mặt quốc gia, tránh tình trạng tiền mặt của Kho bạc thì thừa nằm đó nhưng đi vay cứ đi vay”.

Theo đánh giá của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách và nhiều đại biểu, đây là đạo luật phức tạp, nhạy cảm liên quan trực tiếp đến việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn lực, đến an ninh tài chính quốc gia…Vì vậy, cần bảo đảm tính chi tiết, minh bạch, khả thi của luật.

Ngày 5/11, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước.