08:20 10/03/2009

Quản lý nợ công: Không bao gồm nợ của doanh nghiệp Nhà nước?

Minh Thúy

Vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại khi nợ của doanh nghiệp Nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý nợ công

Xung quanh những quy định về thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định, phê duyệt các công cụ quản lý nợ công, một số ý kiến băn khoăn, như vậy Quốc hội chỉ quyết “những cái chung chung”, không biết vay bao nhiêu, trả thế nào, trong khi nợ là ngân sách, mà ngân sách là do Quốc hội quyết định - Ảnh minh họa: Việt Tuấn.
Xung quanh những quy định về thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định, phê duyệt các công cụ quản lý nợ công, một số ý kiến băn khoăn, như vậy Quốc hội chỉ quyết “những cái chung chung”, không biết vay bao nhiêu, trả thế nào, trong khi nợ là ngân sách, mà ngân sách là do Quốc hội quyết định - Ảnh minh họa: Việt Tuấn.
Từ ngày 9-12/3, các ủy ban của Quốc hội đã thảo luận các dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sắp tới.

Quản lý nợ công là dự án luật đầu tiên được thảo luận tại hội nghị này.

Doanh nghiệp "tự vay, tự trả"

Tại kỳ họp thứ tư, thảo luận về dự luật này, nhiều ý kiến cho rằng nên đưa doanh nghiệp Nhà nước vào phạm vi điều chỉnh vì hiện nay tình trạng vay nợ của các doanh nghiệp này là khó kiểm soát, cần thiết phải có sự quản lý bằng những quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm việc sử dụng vốn vay có hiệu quả để tránh lãng phí tài sản và khắc phục được việc một khoản nợ không được quản lý.

Tuy nhiên, dự thảo luật lần này (sau khi được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư) vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh.

Bởi, theo ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, luật này không điều chỉnh tất cả các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước, vì theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp Nhà nước có quyền tự vay, tự trả nợ, tự chịu trách nhiệm trước các chủ nợ. Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp nếu được Chính phủ bảo lãnh vay. Và việc bảo lãnh này đã được quy định trong dự thảo luật.

Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà cũng cho rằng “Chính phủ không quyết được thay cho doanh nghiệp nên nợ của doanh nghiệp không thể nào thuộc về trách nhiệm Chính phủ được”.

Tại dự thảo báo cáo  giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, những vấn đề liên quan đến quản lý vốn Nhà nước, trong đó có cả các khoản vay nợ của doanh nghiệp Nhà nước sẽ được điều chỉnh bởi luật "quản lý và sử dụng vốn, tài sản Nhà nước vào đầu tư kinh doanh" đã được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa 12.

Địa phương không được trực tiếp vay nợ nước ngoài

Bên cạnh phạm vi điều chỉnh, thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định, phê duyệt các công cụ quản lý nợ công… vay nợ của chính quyền địa phương cũng là nội dung được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

Theo đại diện Bộ Tài chính, nếu để chính quyền địa phương trực tiếp vay nước ngoài, thì có rủi ro hệ thống lớn và có thể Chính phủ không kiểm soát được hết nợ. Tuy nhiên các địa phương có thể chủ động tiếp cận nguồn vốn và tìm kiếm đối tác.

Để tạo điều kiện cho các địa phương có năng lực tài chính được chủ động trong việc tìm kiếm các nguồn vay (không ưu đãi), Ủy ban Tài Chính – Ngân sách đề nghị quy định UBND cấp tỉnh có thể tự tìm kiếm, xúc tiến nguồn vay nhưng sau khi tìm được nguồn vay thì phải báo cáo để Chính phủ ký kết thỏa thuận vay và thực hiện vay theo hình thức Chính phủ vay về cho vay lại.

Đề nghị này đã nhận được sự đồng tình của đa số ý kiến.

Xung quanh những quy định về thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định, phê duyệt các công cụ quản lý nợ công, một số ý kiến băn khoăn, như vậy Quốc hội chỉ quyết “những cái chung chung”, không biết vay bao nhiêu, trả thế nào, trong khi nợ là ngân sách, mà ngân sách là do Quốc hội quyết định.

Có ý kiến lo ngại, quy định  trách nhiệm chưa rõ ràng như dự thảo luật thì nếu khi xảy ra chuyện “mất an toàn”  thì Quốc hội cũng không biết phải làm gì. Vai trò của Quốc hội còn quá mờ nhạt.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, dự luật phải thể hiện được vai trò quyết định của Quốc hội trong quản lý nợ công. Phê duyệt chiến lược nợ dài hạn, chương trình quản lý nợ trung hạn và kế hoạch, vay trả nợ thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

* Theo chương trình, từ ngày 10 đến hết ngày 12/3, hội nghị sẽ tiếp tục thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước; dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và dự thảo Luật Điện ảnh.