15:00 13/06/2023

Quản trị vốn nhà nước đứng trước bối cảnh mới

Hoàng Ly

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước, việc phát huy các nguồn lực, trong đó có vốn nhà nước đóng vai trò quan trọng để đưa đất nước vượt lên mọi thách thức, trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao...

Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã thể hiện tốt vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.
Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã thể hiện tốt vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.

Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 khóa XIII đang diễn ra, Chính phủ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tập trung chỉ đạo xử lý các dự án tồn đọng kéo dài (trong đó có các dự án yếu kém ngành công thương), đồng thời phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành các Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết tình hình thực hiện Thông báo số 40-TB/TW ngày 14/9/2017; trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 06/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc, thực sự trở thành “lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”.

PHÁT HUY VAI TRÒ VỐN NHÀ NƯỚC

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã thể hiện tốt vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Báo cáo tài chính năm 2022 của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho thấy, doanh thu trong năm của SCIC đạt 10.698 tỷ đồng, bằng 148% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 136% kế hoạch năm 2022. Trong đó, doanh thu cổ tức đạt 8.216 tỷ đồng, bằng 142% kế hoạch 2022 và bằng 185% cùng kỳ năm 2021; doanh thu bán vốn đạt 1.360 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.865 tỷ đồng, bằng 191% kế hoạch năm 2022.

Hoạt động của nhiều doanh nghiệp có vốn của SCIC đạt hiệu quả tích cực trong bối cảnh môi trường đầu tư kinh doanh cả nước có nhiều khó khăn. Đơn cử, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong có doanh thu, lợi nhuận vượt 8% và 15% so với kế hoạch đề ra. CTCP Traphaco đạt tăng trưởng kép 11% cả về doanh thu và lợi nhuận. FPT Telecom tăng 16% và 18% về doanh thu và lợi nhuận. Tập đoàn Dệt may Việt Nam vượt 8% kế hoạch doanh thu, 24% kế hoạch lợi nhuận; Tổng công ty Sông Đà vượt 36% kế hoạch doanh thu; 421% kế hoạch lợi nhuận. TCT Bảo Minh tăng 1.000 tỷ đồng doanh thu so với cùng kỳ, ROE vượt kế hoạch 23%.

Kết quả trên đến từ sự sáng tạo, đổi mới trong quản trị điều hành doanh nghiệp, nhạy bén với thị trường, tìm được “cơ trong nguy” để duy trì đà tăng trưởng của doanh nghiệp.

 

Ở châu Âu, nhiều quốc gia đang có tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp nhà nước lớn hơn 20% GDP, như Ba Lan, Estonia, Bỉ, Slovenia, Phần Lan… Tỷ lệ này ở Pháp, Italy là khoảng 10% GDP và nhỏ hơn 10% GDP tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, CHLB Đức, Đan Mạch, Áo, Anh…

Là một cổ đông lớn của các doanh nghiệp, SCIC đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối với các cổ đông lớn khác tại doanh nghiệp để cùng thảo luận, thống nhất với ban điều hành xây dựng chiến lược, thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới.

Bên cạnh thúc đẩy các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng phát huy thế mạnh của mình để gia tăng hiệu quả, củng cố năng lực cạnh tranh, SCIC đã tích cực phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phối hợp với Tổng Công ty Thép Việt Nam xử lý các tồn đọng tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên - Tisco 2. Đây được coi là một trong những dự án khó xử lý nhất trong số 12 dự án, doanh nghiệp, bước đầu công tác xử lý các tồn tại, vướng mắc của Dự án có nhiều tiến triển.

Thực tế hoạt động của SCIC và các doanh nghiệp trong danh mục quản lý vốn của Tổng công ty đã cho thấy nỗ lực vượt khó, vươn lên trong bối cảnh khó khăn, góp phần thực hiện chủ trương Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Nghị quyết đã khẳng định: cùng với nhiều vai trò khác, doanh nghiệp nhà nước là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

THÚC ĐẨY TÁI CƠ CẤU DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương của Đảng và Chính phủ tiếp tục đặt ra yêu cầu cần sự nhận thức và hành động rõ nét về quản trị vốn nhà nước một cách chuyên nghiệp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả vốn nhà nước.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản theo báo cáo tài chính riêng của SCIC đạt 62.502 tỷ đồng. SCIC đang quản lý danh mục có giá trị vốn nhà nước là 47.136 tỷ đồng, giá trị thị trường ước đạt khoảng 8,6 tỷ USD.

Năm 2023, theo kế hoạch, SCIC sẽ nhận chuyển giao 21,7 nghìn tỷ đồng vốn nhà nước. Tại cuộc họp tháng 4/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã nhấn mạnh vai trò của SCIC với tư cách nhà đầu tư của Chính phủ. Phó Thủ tướng đánh giá cao hiệu quả hoạt động, đầu tư của SCIC và cho rằng cần thúc đẩy việc chuyển giao vốn cho SCIC quản trị và đầu tư.

Dự thảo Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, định hướng phát triển SCIC tiếp tục thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; đẩy mạnh tiến độ tái cơ cấu và bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ; tập trung nguồn lực để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả hoặc Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ; trở thành tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp…

Định hướng đến năm 2035, SCIC từng bước hoạt động theo mô hình Quỹ đầu tư để thực hiện vai trò đầu tư của Chính phủ.

Khi đầu tư vào các doanh nghiệp, dự án, SCIC sẽ đóng vai trò là nhà đầu tư tài chính, kết hợp sức mạnh tài chính với kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực quản lý, vận hành các dự án đầu tư của đối tác.

Ở thời điểm vốn đầu tư tư nhân đang có nhiều khó khăn do tác động sau đại dịch Covid-19 và những biến động địa chính trị trên thế giới, hoạt động đầu tư của SCIC với tư cách là nhà đầu tư của Chính phủ được kỳ vọng sẽ là trợ lực, tạo tác động lan tỏa trong nền kinh tế, giữ vững và phát huy nguồn lực đầu tư nhà nước.