SCIC gỡ điểm nghẽn để doanh nghiệp nhà nước đón dòng vốn xanh
Với vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn, giúp doanh nghiệp nhà nước đón nhận dòng vốn xanh cho tăng trưởng. Đồng thời, SCIC từng bước khẳng định vai trò nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ...
Từ khi chính thức đi vào hoạt động (tháng 8/2006) đến nay, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 1.079 doanh nghiệp. Tổng giá trị vốn Nhà nước (theo vốn điều lệ) 30.798 tỷ đồng. Tổng số vốn do SCIC làm chủ sở hữu chiếm khoảng gần 2% tổng số vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Đến ngày 30/9/2022, danh mục đầu tư của SCIC gồm 126 doanh nghiệp, với tổng số vốn theo giá trị sổ sách là 47.344 tỷ đồng, trên tổng vốn điều lệ là 158.111 tỷ đồng.
ĐẨY MẠNH TÁI CƠ CẤU DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
SCIC nắm giữ trên 50% vốn tại nhiều Tập đoàn và Tổng công ty như Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Điện tử tin học Việt Nam (Viettronics), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)...
Chia sẻ tại Hội nghị quốc tế “Tăng cường hợp tác với các Quỹ Đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước”, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nhìn nhận, trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục là lực lượng tiên phong trong đối thoại, thương thảo với đối tác quốc tế.
Từ đó có thể đưa về nhiều hơn nguồn vốn tiềm năng, có chất lượng của các quỹ đầu tư cũng như nguồn tài chính xanh cho nền kinh tế Việt Nam; từng bước tạo ra động lực, sức lan tỏa cho các thành phần kinh tế khác tham gia vào tiến trình thúc đẩy tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Lãnh đạo SCIC khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình sắp xếp, phân loại doanh nghiệp nhà nước và đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. Trên cơ sở đó đảm bảo thu hồi vốn hiệu quả cho nhà nước.
Năm 2022, SCIC thoái vốn thành công tại 21 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn thu về đạt 1.130 tỷ đồng và thặng dư vốn đat 888 tỷ đồng. SCIC là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong tái cơ cấu, thoái vốn doanh nghiệp.
Còn theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nguồn tài chính gián tiếp từ các quỹ đầu tư nhằm phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, trọng tâm là cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tận dụng các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.
SCIC CẦN THỂ HIỆN RÕ NÉT VAI TRÒ NHÀ ĐẦU TƯ CHÍNH PHỦ
Sau quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thời gian tới, SCIC đang được định hướng trở thành Quỹ đầu tư thực hiện nhiệm vụ nhà đầu tư của Chính phủ.
“Tôi mong muốn hội nghị có những đánh giá, khuyến nghị cụ thể về cơ hội, đồng thời phân tích những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp để nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia tái cơ cấu, mua lại cổ phần của DNNN thuộc diện cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng quỹ đầu tư và tổ chức tài chính sẽ chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp trong quá trình xây dựng, tổ chức và vận hành quỹ đầu tư thực hiện chức năng là nhà đầu tư của Chính phủ”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu này, SCIC sẽ chú trọng phối hợp với định chế tài chính, quỹ đầu tư trong nước và ngoài nước, các tập đoàn, tổng công ty thuộc hệ sinh thái Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để thu hút vốn đầu tư, thông qua công cụ như thành lập quỹ đầu tư chung, công ty đầu tư như bảo lãnh, phát hành trái phiếu xanh.
Thành lập các quỹ đầu tư để đầu tư vào ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm của nền kinh tế Việt Nam; Huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế; Thu hút quỹ các đầu tư quốc gia mua cổ phần tại doanh nghiệp trong danh mục của SCIC. Từ đó tập trung vào doanh nghiệp phát triển hiệu quả về kinh tế và giải pháp bền vững môi trường.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, trong suốt quá trình 17 năm hoạt động của SCIC, vốn nhà nước đã được bảo toàn và phát triển. SCIC đã giải ngân hơn 37.000 tỷ đồng vốn đầu tư; bán vốn tại doanh nghiệp với giá trị hơn 12.400 tỷ đồng, thu về trên 51.000 tỷ đồng; doanh thu tăng gấp 49 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 77 lần, tổng tài sản tăng 11 lần... SCIC hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh và chủ động tham gia vào tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tối ưu vốn nhà nước.
“Trước yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, để đẩy nhanh tiến trình đổi mới, thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, tôi đề nghị SCIC sớm hoàn thiện báo cáo Thủ tướng chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 để đẩy mạnh đầu tư vốn. SCIC cần đẩy mạnh hơn chức năng đầu tư kinh doanh vốn, thể hiện rõ nét hơn vai trò nhà đầu tư của Chính phủ”, ông Hùng nhấn mạnh.