13:02 17/09/2010

Quyết định giám đốc thẩm có sai lầm cũng phải xem lại

Nguyên Bình

Trong thời gian qua, có một số vụ án sau khi xét xử giám đốc thẩm lại phát hiện có sai lầm nghiêm trọng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tố tụng dân sự.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tố tụng dân sự.
Trong thời gian qua, có một số vụ án sau khi xét xử giám đốc thẩm lại phát hiện có sai lầm nghiêm trọng, Ủy ban Tư pháp báo cáo khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tố tụng dân sự, sáng 17/9.

Theo Chủ nhiệm Lê Thị Thu Ba, đương sự tại các vụ án nói trên rất bức xúc vì quyền lợi của họ bị thiệt hại nhưng không được giải quyết lại. Bởi theo quy định của pháp luật hiện hành, Hội đồng thẩm phán là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm. Do đó, không ai có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm quyết định của Hội đồng thẩm phán.

“Để giải quyết vấn đề này cần một thủ tục đặc biệt để Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao được tự mình xem xét lại quyết định giám đốc thẩm có sai lầm nghiêm trọng”, bà Thu Ba nhấn mạnh.

Ủy ban này đề nghị bổ sung thêm 1 điều kiến nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, Chánh án tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kiến nghị khi phát hiện có sai lầm nghiêm trọng tại quyết định.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung quy định xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Nếu phát hiện có sai lầm nghiêm trọng thì có thể giao cho tòa án cấp dưới giải quyết lại hoặc hủy bản án và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Ngoài nội dung trên, Ủy ban Tư pháp còn đề nghị sửa đổi quy định về thời hạn yêu cầu kháng nghị và thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để bảo vệ lợi ích của các bên đương sự.

Cho rằng đây là những vấn đề lớn, đã từng được nêu nhiều lần tại diễn đàn Quốc hội, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng việc sửa đổi vẫn “lằng nhằng”, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phóng – An Ninh Lê Quang Bình thì gợi ý nên đưa ra Quốc hội bàn và biểu quyết từng vấn đề, "chứ bàn mãi ở đây cũng vẫn thế”.

Ông Bình cũng nhất trí cao là dù quyết định của Hội đồng thẩm pán Tòa án nhân dân tối cáo thì đã phát hiện sai thì phải có cơ chế sửa vì vấn đề này “để lâu rồi, bức xúc quá rồi”. “Đã sai thì nhất định phải sửa, gần đây rất nhiều cái sai phải sửa rồi”, ông Bình nhấn mạnh.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đồng tình là quyết định của cấp cao nhất có sai lầm thì vẫn phải xem lại, nhưng cũng cần hạn chế kháng nghị tràn lan, gây quá tải cho tòa án.

Tại phiên họp tháng 8 vừa qua, cho ý kiến lần đầu về dự án luật này, cơ quan thẩm tra đề nghị chỉ nên giới hạn phạm vi sửa đổi khoảng 60 điều thay vì 126 điều như dự thảo luật.

Dự luật lần này chỉ còn sửa đổi 62 điều, đã tiếp thu nhiều góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên là dự luật khó, phức tạp, cần tích cực chỉnh lý, hoàn thiện,  Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết thúc phần thảo luận