Rắc rối quanh vụ sáp nhập 15 tỷ USD giữa Nippon Steel và US Steel
Sự phản đối từ phía các chính trị gia và tổ chức công đoàn đang khiến cho tương lai của thỏa thuận này trở nên ngày càng mờ mịt...
Những người ủng hộ kế hoạch sáp nhập giữa Nippon Steel của Nhật Bản và US Steel của Mỹ cho rằng việc hai hãng sản xuất thép khổng lồ này về chung một nhà sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả hai quốc gia. Tuy nhiên, sự phản đối từ phía các chính trị gia và tổ chức công đoàn đang khiến cho tương lai của thỏa thuận này trở nên ngày càng mờ mịt.
Khi US Steel rao bán công ty vào năm 2023, các nhà điều hành của Nippon Steel ở Tokyo đã nhận thấy một cơ hội: nếu họ mua được hãng thép Mỹ này, họ sẽ bù đắp được tình trạng ảm đạm của nhu cầu thép trong nước và cải thiện được vị thế trên thị trường thép toàn cầu vốn đang nằm dưới sự thống trị của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Ngày 18/12/2023, hai công ty ra thông báo rằng Nippon Steel đã nhất trí mua lại US Steel với giá 14,9 tỷ USD, cao hơn 40% so với giá cổ phiếu US Steel tại thời điểm đó. Giới phân tích đã ca ngợi Nippon Steel như một “đấng cứu thế tiềm năng” đối với US Steel, xuất hiện vào đúng thời điểm mà công ty từng có thời là xương sống của nền kinh tế Mỹ này đang tụt lại phía sau các đối thủ.
KHI NGHIỆP ĐOÀN CẢM THẤY BỊ QUA MẶT
Nhưng gần như ngay lập tức, vụ sáp nhập đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ở Mỹ và cho tới nay vẫn chưa thể hoàn tất. Các chính trị gia Mỹ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đồng loạt lên tiếng chỉ trích việc một “đế chế” công nghiệp 123 năm tuổi của Mỹ có thể bị thâu tóm bởi một công ty nước ngoài.
Đặc biệt, thời điểm của thương vụ cũng hoàn toàn không thuận lợi vì gần với kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. United Steelworkers - tổ chức công đoàn công nhân thép phản đối thỏa thuận này mạnh mẽ nhất - đặt trụ sở ở Pennsylvania, mà bang này lại là bang “chiến địa” có thể quyết định ai là người sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024.
Theo tờ báo New York Times, phần lớn nỗi giận dữ của Nghiệp đoàn công nhân thép đối với thỏa thuận trên có thể xuất phát từ việc Nippon Steel không tham vấn các thủ lĩnh Công đoàn khi bắt đầu đàm phán với US Steel. Chưa kể, Nippon Steel lúc đầu cũng đánh giá thấp những thách thức mà sự phản đối của United Steelworkers đặt ra đối với thỏa thuận, nhất là trong một năm có bầu cử ở Mỹ.
Đã 8 tháng trôi qua kể từ ngày thỏa thuận được công bố, Nippon Steel vẫn trong thế đối đầu với một tổ chức công đoàn đại diện cho những cử tri có sức mạnh chính trị vào hàng lớn nhất ở Mỹ. Số phận của thương vụ nhiều khả năng sẽ được quyết định bởi tổng thống tiếp theo của Mỹ và sẽ có ảnh hưởng không chỉ đối với cấu trúc của ngành công nghiệp thép toàn cầu, mà còn đối với cả mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Nhật Bản.
Nippon Steel đã thuê các nhà vận động hành lang để khuếch đại lập luận rằng vụ sáp nhập sẽ tốt cho cả hai công ty và người lao động của họ, cũng như cho cả Mỹ và Nhật Bản. Trong khi đó, United Steelworkers đã có những động thái dựa vào hợp đồng lao động để phản đối vụ sáp nhập - những bước đi mà giới chuyên gia cho là một nỗ lực để giành được những nhượng bộ có lợi cho công nhân.
“Rất khó để hình dung ra được thương vụ này lại có tính chính trị tới mức như thế này”, luật sư Nick Wall, chuyên về mua bán và sáp nhập (M&A) tại Công ty luật A&O Shearman, nhận định. Ông Wall cho rằng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới “sẽ được quyết định tại một số tiểu bang giữ vai trò trung tâm trong thương vụ Nippon Steel - US Steel”.
Giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế của United Steelworkers, ông David McCall, kể lại rằng vào đúng ngày mà thỏa thuận được công bố, ông nhận được một cuộc gọi lúc 6h sáng từ CEO của US Steel, ông David Burritt. Trong cuộc gọi này, ông Burritt hào hứng thông báo với ông McCall về các chi tiết của kế hoạch sáp nhập, nhưng ông McCall không hề thấy vui. Mới mấy tháng trước đó, một công ty khác - hãng thép Mỹ Cleveland-Cliffs - đã chào mua US Steel. Khi đó, công ty này đã trao đổi về kế hoạch của họ với các thủ lĩnh công đoàn và đề nghị được hỗ trợ.
Lần này, ông McCall hay tin lần đầu tiên có một công ty Nhật Bản muốn mua lại US Steel. “Tôi chẳng biết gì về Nippon hay kế hoạch của họ cả”, ông McCall chia sẻ. Ngay lập tức, United Steelworkers đã phản đối vụ sáp nhập vì cho rằng thương vụ này vi phạm một thỏa thuận giữa Nghiệp đoàn với US Steel quy định công ty phải thông báo trước với Nghiệp đoàn về bất kỳ thay đổi nào về quyền kiểm soát công ty. United Steelworkers cho rằng việc một công ty nước ngoài mua lại một công ty thép Mỹ sẽ đặt ra nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ và Nghiệp đoàn đã phát hiện có những lỗ hổng trong cam kết mà Nippon Steel đưa ra với US Steel.
CUỘC “THÁCH ĐẤU” GIỮA HÃNG THÉP NHẬT VÀ NGHIỆP ĐOÀN MỸ
Nhiều chính trị gia ở Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về thỏa thuận. Tháng 1/2024, chỉ một tháng sau khi thương vụ được công bố, cựu Tổng thống Donald Trump - ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 - tuyên bố ông sẽ chặn đứng thỏa thuận này nếu ông tái đắc cử.
Tháng 3/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden - người tự miêu tả bản thân là “vị tổng thống thân ái với công đoàn nhất trong lịch sử” - phát tín hiệu phản đối việc nước ngoài giành quyền sở hữu US Steel. Khoảng 1 tuần sau, United Steelworkers ủng hộ ông Biden tái tranh cử.
Hiện tại, ông Biden đã từ bỏ nỗ lực giành thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa và Phó Tổng thống Kamala Harris đã chính thức trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ. Bà Harris tiếp nối quan điểm của ông Biden, phản đối thương vụ Nippon Steel - US Steel. Đầu tuần trước, bà nói US Steel nên thuộc quyền sở hữu của người Mỹ và công ty này “giữ vai trò sống còn đối với nước Mỹ trong việc duy trì những hãng thép Mỹ hùng mạnh”.
Một ủy ban liên ngành nhiều quyền lực là Ủy ban Đầu tư nước ngoài vào Mỹ đã bắt đầu rà soát ảnh hưởng an ninh quốc gia đối với kế hoạch của Nippon Steel. Ngay từ đầu, ý định của Nippon Steel muốn mua lại US Steel đã gặp khó vì Cleveland-Cliffs chào mua US Steel và thỏa thuận này đã được Nghiệp đoàn ủng hộ nhưng lại bị chính US Steel từ chối.
Nguồn tin gần gũi với Nippon Steel đề nghị không tiết lộ danh tính nói rằng Nippon Steel đã được báo trước rằng với mối quan hệ gần gũi giữa United Steelworkers và Cleveland-Cliffs, thông tin về việc công ty Nhật chào mua US Steel kiểu gì cũng sẽ lọt vào tay Cleveland-Cliffs nếu Nghiệp đoàn biết trước về kế hoạch của Nippon Steel. Việc rò rỉ thông tin như vậy sẽ phá hỏng thương vụ, theo luật sư Wall của Công ty A&O Shearman.
Vì không muốn bị lộ thông tin, Nippon Steel đã không báo trước với Nghiệp đoàn về kế hoạch mua lại US Steel. Nhưng cũng chính vì điều này, Nippon Steel đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Nghiệp đoàn.
Trong nỗ lực cứu vãn thương vụ, tháng 3/2024, Nippon Steel tuyên bố sẽ đầu tư thêm 1,4 tỷ USD vào các nhà máy của US Steel. Công ty cử ông Takahiro Mori, người chịu trách nhiệm chính về thỏa thuận, bay sang Mỹ nhiều lần để thu hút sự ủng hộ của công nhân US Steel. Đồng thời, Nippon Steel rút khỏi một liên doanh lâu năm ở Trung Quốc để tránh vấp phải sự nghi ngờ của cơ quan chức năng Mỹ.
Bên cạnh đó, Nippon Steel còn tăng cường nỗ lực quan hệ công chúng và thuê cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo làm cố vấn. Một phần trong thông điệp của Nippon Steel là công ty ra đời sau vụ sáp nhập giữa hãng với US Steel sẽ tạo ra một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất trong lịch sử, một “thế lực” có đủ năng lực cạnh tranh với Trung Quốc - quốc gia chiếm hơn một nửa sản lượng thép của thế giới. Trong một bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal tháng 8/2024, ông Pompeo cho biết nếu Mỹ muốn xây dựng một “hình mẫu kinh tế toàn cầu” vượt trội so với mô hình của Trung Quốc, “chúng ta cần đón nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước đối tác và đồng minh”.
Hiện tại, Nippon Steel đã đưa ra đề xuất cho phía United Steelworkers, nhưng phía Nghiệp đoàn chưa chấp thuận. United Steelworkers nhấn vào một cam kết trong đó Nippon Steel nói rằng họ sẽ không sa thải công nhân hay đóng cửa một nhà máy nào của US Steel sau khi sáp nhập. Các thủ lĩnh công đoàn cho rằng cam kết này chỉ có hiệu lực trong thời hạn của hợp đồng lao động hiện có và có thể trở thành đối tượng của các trường hợp ngoại lệ.
Theo nhà sáng lập Jonathan Grady của Công ty tư vấn Canary Group, United Steelworkers đang có sức mạnh tối đa trước khi diễn ra bầu cử, nên họ ra sức giành nhiều nhượng bộ nhất có thể. Sau bầu cử, lợi thế có thể sẽ thuộc về Nippon Steel.
“Đây là một trò chơi phức tạp giữa Nippon Steel và Nghiệp đoàn công nhân thép. Chỉ trong vòng khoảng 1 năm, vụ sáp nhập giữa Nippon Steel với US Steel đã biến thành một trò thách đấu trị giá 15 tỷ USD”, ông Grady nhận định.