18:21 08/12/2008

Rác thải cũng “mệt” vì khủng hoảng kinh tế

Kiều Oanh

Suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở Mỹ đã khiến thị trường dành cho các loại nguyên liệu tái chế cũng khốn đốn theo

Rác thải tái chế chất đống tại một nhà máy tái chế rác ở bang Massachusetts, Mỹ - Ảnh: NYT.
Rác thải tái chế chất đống tại một nhà máy tái chế rác ở bang Massachusetts, Mỹ - Ảnh: NYT.
Suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở Mỹ đã khiến thị trường dành cho các loại nguyên liệu tái chế cũng khốn đốn theo.

Kết quả, trên khắp nước Mỹ, các loại phế thải này - như bìa các tông, nhựa, giấy vụn và kim loại... - đang chất đống trong sân và nhà kho của các công ty thu gom. Những công ty này đang chẳng thể tìm được khách mua, mà cũng không sẵn lòng bán đi những khối nguyên liệu này với giá rẻ như cho.

Thông thường, những nguyên liệu tái chế này sẽ được chế biến thành những sản phẩm mới như linh kiện ô tô, bìa sách, các loại hộp đựng hàng điện tử. Nhưng nay do sự sụt giảm của thị trường, có lẽ chúng sẽ được mang tới bãi chôn lấp rác, thay vì tìm được “vòng đời” thứ hai của mình.

Sedona Recycles, một nhóm phi lợi nhuận ở bang Arizona chuyên thu gom rác tái chế ở Arizona gần đây đã ngừng gom một số loại rác như bìa các tông, hộp đựng ngũ cốc, gạo và pasta vì có gom cũng chẳng bán nổi. Sân kho của nhóm này đã đầy chật rác thải tái chế. “Dù cứ chất ở đây hay đưa tới bãi rác, chúng tôi sẽ mất khối tiền vì đống vật liệu này”, bà trưởng nhóm có tên Briana Sternberg nói.

Tại hạt Kanawha ở Tây Virginia, chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân tự giữ lấy các loại rác thải là nhựa và kim loại vì chính quyền không còn tiếp tục thu gom nữa. Ở phía Đông bang Pennsylvania, một thị trấn nhỏ có tên Frackville cũng ngừng chương trình tái chế rác, vì đem chôn lấp các loại rác thải lúc này sẽ đỡ tốn kém hơn việc tái chế. Tại Montana, một nhà máy tái chế rác hiện chỉ còn tiếp nhận bìa các tông.

Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các chương trình tái chế rác ở Mỹ bị ngưng lại, nhưng các đại diện của ngành này cho biết, sau nhiều năm tăng trưởng, ngành đang phải đối diện với sự giảm tốc đột ngột. Lúc này, nhiều nhà máy tái chế rác ở Mỹ cho hay họ đang tích tụ nhiều tấn vật liệu, một mặt do họ phải tiếp tục hợp đồng gom rác từ các thành phố lớn, một mặt do đợi giá tăng trở lại trong vòng 6-12 tháng tới.

Ông Johnny Gold, Phó chủ tịch công ty Newark sở hữu 13 nhà máy chế biến rác ở Mỹ cho biết, chưa bao giờ ngành tái chế rác ở Mỹ lại ở trong tình trạng tồi tệ thế này. Giá của các loại rác thải có thể tái chế ở Mỹ đang sụt giảm với tốc độ không kém tốc độ trượt dốc của thị trường chứng khoán nước này. hẳng hạn, tại vùng Bờ Tây, giá giấy vụn tổng hợp hiện chỉ còn 20 – 25 USD/tấn, so với mức 105 USD/tấn hồi tháng 10. Các loại chai lọ chỉ có giá 5 USD/tấn, so với mức 327 USD/tấn đầu năm nay. Chỉ có giá kính là giảm không nhiều vì nhu cầu vẫn lớn.

Theo nhiều chuyên gia, sự sụt giảm của thị trường tái chế rác ở Mỹ cũng là điều dễ hiểu. Nói chung, thị trường này vận động cùng xu hướng với điều kiện kinh tế, vì nhu cầu các loại vật liệu tái chế khá sát với nhu cầu các sản phẩm mới. Chẳng hạn, bìa các tông vẫn được dùng làm hộp đựng cho hàng điện tử, cao su dùng làm đế giày, kim loại thì dùng cho link kiện xe hơi…

Tuy nhiên, lý do cốt lõi dẫn tới sự sụt giảm này là việc nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với nguyên vật liệu tái chế của Mỹ sụt giảm mạnh do sự giảm tốc kinh tế toàn cầu. Hiện Trung Quốc là thị trường lớn nhất của rác tái chế từ Mỹ. Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của Trung Quốc tới thị trường rác tái chế của Mỹ là lớn đến nỗi, rác ở những khu vực khó được vận chuyển tới những cảng có tàu tới Trung Quốc thường có giá rẻ hơn rất nhiều.

Trước tình hình hiện nay, nhiều thành phố ở Mỹ vẫn nỗ lực duy trì chương trình tái chế rác, một mặt vì pháp luật yêu cầu, mặt khác do việc chôn lấp còn tốn kém hơn tái chế. Tại thành phố New York, mỗi tấn giấy vụn chỉ được trả 10 USD, giảm so với mức 50 USD/tấn vào tháng 10, nhưng thành phố này vẫn chưa có kế hoạch ngừng các chương trình tái chế. Tại Boston, giá giấy vụn thậm chí chỉ còn có 5 USD/tấn, và chính quyền thành phố cho rằng, sắp tới họ thậm chí còn phải mất tiền để tống khứ đống giấy đi. Tuy nhiên, nếu đem chôn lấp, chi phí cho mỗi tấn giấy sẽ lên tới 80 USD.

Trước đây, Đại học Havard vẫn chuyển rác thải tái chế bao gồm giấy báo, chai nước ngọt… của sinh viên tới một trung tâm chế biến gần đó, và nhận được 10 USD/tấn rác. Tuy nhiên, trong tháng 11, trường này nhận được hai lá thư từ trung tâm này gửi tới. Lá thư thứ nhất cho biết, thay vì được trả tiền, Harvard sẽ phải trả 10 USD/tấn rác được gửi tới. Trong lá thư thứ hai, mức giá đã được nâng lên 20 USD/tấn.

Sự lao dốc của thị trường vật liệu tái chế đang khiến hoạt động tái chế nói chung giảm tốc mạnh, gây thiệt hại lớn cho những doanh nghiệp tái chế, các doanh nghiệp buôn bán rác tái chế, và cả những đơn vị có bán rác thải.

Ông Mark Arzoumanian, Tổng  biên tập tạp chí Official Board Markets của Mỹ cho biết, trước đây, nhiều nhà máy giấy đã ký hợp đồng mua giấy vụn của báo ông, nhưng nay, họ viện đủ mọi cớ gọi là “trường hợp bất khả kháng” để từ chối mua tiếp. Các nhà máy chế biến cũng “kén cá chọn canh” hơn, chẳng hạn không chịu mua bìa các tông hay những loại rác thải mà họ cho là “nhiễm hóa  chất”…

(Theo New York Times)