19:26 14/12/2022

Rượu thủ công gây tổn thất về thuế lên tới hơn 751 triệu USD, nhưng vẫn khó xử lý

Vũ Khuê

Vẫn có tình trạng mất an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng rượu. Đặc biệt, dự báo những tháng cuối năm nhu cầu sử dụng rượu gia tăng, các đối tượng sẽ lợi dụng để sản xuất, kinh doanh rượu giả, rượu kém chất lượng...

Nguy cơ mất an toàn từ rượu nấu thủ công.
Nguy cơ mất an toàn từ rượu nấu thủ công.

Tại toạ đàm “Nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh rượu dịp cuối năm” ngày 14/12, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, hiện nay trên thị trường có khoảng trên 70% rượu do dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước.

Tổn thất về thuế đối với riêng rượu thủ công gây ra vào khoảng 751,582 triệu USD, chiếm 29% tổng tổn thất về thuế từ khu vực phi chính thức (rượu thủ công, rượu nhập lậu, rượu giả…).

LO NGẠI CHẤT LƯỢNG RƯỢU THỦ CÔNG

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chia sẻ, trong quá trình kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường thấy có hai nhóm hành vi sản xuất, kinh doanh rượu.

Một là các công ty sản xuất, kinh doanh rượu nghiêm túc, sản phẩm đảm bảo về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Hai là một số cơ sở sản xuất sử dụng sản phẩm chất phụ gia không được phép vào trong sản phẩm rượu, dẫn đến khi người tiêu dùng sử dụng bị ngộ độc, nhẹ thì có thể là dị ứng gây mẩn đỏ, nặng có thể suy hô hấp, hoặc nguy hiểm đến tính mạng.

Rượu thủ công gây tổn thất về thuế lên tới hơn 751 triệu USD, nhưng vẫn khó xử lý - Ảnh 1

Điều ông Lê lo ngại nhất đó là rượu được sản xuất thủ công. Ở đây, mặc dù quy định pháp luật là người sản xuất rượu thủ công phải cam kết, nhưng thực tế hầu như các vụ ngộ độc rượu chủ yếu là từ sử dụng sản phẩm rượu thủ công là chính.

Còn đối với các đơn vị kinh doanh buôn bán, các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh rượu giả, rượu kém chất lượng. Rượu giả có thể giả từ trong nước, có thể giả từ nước ngoài nhập khẩu bằng nhiều con đường vào Việt Nam, rồi mang giá bán trên thị trường. 

Rượu kém chất lượng từ việc các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tìm cách pha chế thêm các nguyên liệu không đảm bảo khác để bán với giá thành thấp hơn, người mua dễ tiếp cận hơn và người bán thu được lợi nhiều hơn.

BẤT CẬP CHẾ TÀI XỬ PHẠT

Tuy nhiêntheo ông Lê, việc xử lý đối với những hành vi vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh rượu đang còn có một số bất cập, mặc dù chúng ta đã có những văn bản pháp luật mới quy định một cách chặt chẽ và các hình phạt cũng đã đủ sức răn đe.

Cụ thể, ông Lê phân tích, đối với sản xuất rượu thủ công, hiện nay rất khó chứng minh người dân có nấu rượu để kinh doanh hay chỉ nấu để uống và khi uống không hết họ bán cho hàng xóm.

“Đây là một hành vi mua bán kinh doanh, nếu xảy ra sự cố thì có sự điều chỉnh pháp luật. Tuy nhiên, mức phạt nếu cao quá thì người dân lại không thực hiện được, nếu mà thấp quá thì lại không đủ sức răn đe, dẫn đến việc văn bản của pháp luật đang bị giằng xé giữa cái quyền lợi của người tiêu dùng và thực tiễn trong việc triển khai”, ông Lê nhấn mạnh.

Đứng trước tình hình thực tế, để ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh rượu kém chất lượng, ông Lê cho biết lực lượng quản lý thị trường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là xây dựng các đợt kiểm tra về an toàn thực phẩm nói chung, đặc biệt đối với sản phẩm rượu nói riêng, đồng loạt trên 63 tỉnh, thành. Đồng thời tích cực tuyên truyền đến các doanh nghiệp nhập khẩu rượu sản phẩm cần chính hãng, đạt chất lượng cao nhất về phục vụ cho người dân.

"Bởi bất cập hiện nay là kiểm tra với nguồn rượu nhập khẩu từ nước ngoài về. Vì rượu ở nước ngoài có tiêu chuẩn kỹ thuật riêng với 20 tiêu chí, nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam lại không giống nước ngoài, nên khi đem đi kiểm nghiệm, chỉ kiểm nghiệm những tiêu chí cơ bản nhất, dẫn đến việc muốn sử dụng một sản phẩm rượu nhập khẩu mà chất lượng vẫn còn gặp nhiều khó khăn", ông Lê nêu thực tế.

Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã phối hợp với các hiệp hội, nhất là Hiệp hội Bia – Rượu – nước giải khát trong việc tìm kiếm các thông tin về những phương thức, thủ đoạn, dấu hiệu của tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, hoặc kinh doanh nhập khẩu sản phẩm rượu… để kịp thời phát hiện xử lý.

Mặt khác, phối hợp với các cơ quan chức năng ở trên từng địa bàn để tuyên truyền, vận động người dân sử dụng sản phẩm rượu có ý thức và lựa chọn những sản phẩm đảm bảo về an toàn thực phẩm.

Ở góc độ doanh nghiệp ông Tống Nguyên Long - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Rượu và NGK Hà Nội cho rằng doanh nghiệp có thể cung ứng ra thị trường sản phẩm đảm bảo, an toàn nhưng ở góc độ người tiêu dùng cần có trách nhiệm, ý thức trong khâu lựa chọn rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, việc nâng cao nhận thức trong lựa chọn và sử dụng sản phẩm rượu cần phải trở thành một nét văn hóa. Mọi người dân, người tiêu dùng phải chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về việc sử dụng rượu, sản phẩm đồ uống có cồn khác…

Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ điều kiện để đảm bảo an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm trước sản phẩm, chế độ an toàn về sản phẩm do mình sản xuất ra. Đồng thời phải công bố thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm trên nhãn hàng, bao bì theo đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Đặc biệt phải chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn nếu có đối với sản phẩm của mình.