Sản xuất và tiêu thụ thép giảm do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu
Trong quý 2/2022, sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm giảm lần lượt là 3,3% và 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Về nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, than mỡ, thép phế liệu, cuộn cán nóng (HCR) cũng ghi nhận mức giảm mạnh…
Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) vừa công bố báo cáo về tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 6 và 6 tháng năm 2022.
Theo đó, trong tháng 6/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,4 triệu tấn, giảm 12,85% so với tháng 5/2022 và giảm 12,3% so với cùng kỳ 2021; tiêu thụ thép các loại đạt 2,25 triệu tấn, giảm 4,83% so với tháng trước và giảm nhẹ 0,5% so với cùng kỳ.
Tính chung quý 2/2022 so với cùng kỳ năm 2021, sản xuất thép thành phẩm đạt 8,1 triệu tấn, giảm 3,3%; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 7 triệu tấn, giảm 3,7%.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 16,576 triệu tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tiêu thụ thép thành phẩm đạt 15,131 triệu tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Về tình hình xuất khẩu, báo cáo cập nhật đến tháng 5/2022 cho thấy, xuất khẩu thép thành phầm của Việt Nam đạt 742,77 nghìn tấn, giảm 23,57% so với tháng trước và giảm 24,2% so với cùng kì năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 808 triệu USD, giảm 20,4% so với tháng 4/2022 và giảm 2,96% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 3,98 triệu tấn thép giảm 18,47% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 4,11 tỷ USD tăng 13,89% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là: khu vực ASEAN (39,75%), Khu vực EU (19,43%), Hoa Kỳ (7,88%), Hàn Quốc (7,06%) và Hồng Kong (Trung Quốc) (4,6%).
Từ chiều ngược lại, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam trong tháng 5/2022 đạt 1,28 triệu tấn với kim ngạch đạt 1,4 tỷ USD tăng 34,47% về lượng và tăng 54,36% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 5,25 triệu tấn với trị giá hơn 5,589 tỷ USD, giảm 12,05% về lượng nhưng tăng 20,38% về giá trị.
Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm: Trung Quốc (41,36%), Nhật Bản (16,57%), Hàn Quốc (10,69%), Đài Loan (9,43%) và Ấn Độ (8,61%).
Đối với tình hình thị trường nguyên liệu sản xuất thép, báo cáo của VSA cho thấy, giá quặng sắt ngày 11/7/2022 giao dịch ở mức 113 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 33,75 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 6/2022. Mức giá này giảm khoảng 100 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (~ 210 – 212 USD/tấn).
Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia ngày 7/6/2022 giao dịch ở mức khoảng 320 USD/tấn FOB, giảm mạnh so với mức khoảng 520 USD/tấn hồi tháng 4/2022.
Trong tháng 6/2022, giá thép phế nội địa giảm mạnh từ 1.000 VNĐ/kg - 1.400 VNĐ/kg, giữ mức 8.500 VNĐ/kg đến 9.400 VNĐ/kg.
Giá thép phế nhập khẩu giảm 130 USD/tấn giữ mức 370 USD/tấn CFR vào cuối tháng 06/2022. Giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 395USD/tấn CFR Đông Á ngày 11/7/2022 giảm 100USD/tấn so với hồi đầu tháng 6/2022.
Giá cuộn cán nóng (HRC) ngày 11/7/2022 ở mức 634USD/Tấn, CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 115 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 6/2022.
Nhìn chung, thị trường HRC thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép,…) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.
Theo VSA, ngành thép đang ở tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu, thông thường, xu hướng giảm giá thép và nguyên liệu trong những tháng gần đây sẽ được người tiêu dùng hoan nghênh. Tuy nhiên, thực tế sự sụt giảm nhu cầu thép đó là kết quả xu hướng lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhu cầu thép giảm đã tác động trực tiếp đến giá nguyên liệu đầu vào.