10:00 30/01/2022

Sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ kỳ tích trong gian khó

Chu Khôi

Vượt qua muôn vàn khó khăn do dại dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng vận chuyển, hoạt động sản xuất có lúc bị ngừng trệ, cước phí vận chuyển tàu biển tăng cao, nhưng ngành gỗ vẫn đạt được thành tích ngoạn mục ít ai ngờ tới khi kim ngạch xuất khẩu năm 2021 thiết lập mốc kỷ lục 14,5 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020.

Năm 2021, xuất khẩu ngành gỗ đạt con số kỷ lục 14,5 tỷ USD.
Năm 2021, xuất khẩu ngành gỗ đạt con số kỷ lục 14,5 tỷ USD.

Bình Dương được coi là “Thủ phủ” của ngành chế biến gỗ của Việt Nam khi tập trung tới 600 doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ, luôn chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước. Thế nhưng trong quý 3 vừa qua, “cơn bão” đại dịch Covid–19 tràn đến hoành hành, tưởng như đập “tan hoang” các nhà máy sản xuất đồ gỗ nơi đây.

"TAO ĐOẠN" TƯỞNG KHÔNG THỂ VƯỢT QUA

Kể về giai đoạn gian nan này, ông Phạm Văn Việt, Giám đốc Công ty VTJ cho biết, thực ra khó khăn đã đến với ngành gỗ từ sớm. Ngay từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, tình trạng thiếu container rỗng đã xảy ra, cùng với cước phí tàu biển vận tải hàng hóa tăng chóng mặt đã khiến doanh nghiệp choáng váng. Dịch Covid-19 cũng khiến doanh nghiệp không thể đi ra nước ngoài để chào hàng và thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại.

Trong hoàn cảnh đó, ông Việt đã sớm nhận ra rằng sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 đã tạo áp lực và thách thức buộc các doanh nghiệp phải đổi mới và cải tiến ở tất cả các khâu, từ thiết kế, sản xuất đến thương mại, trong đó số hóa là yếu tố then chốt. Vì vậy, Công ty VTJ đã đầu tư rất mạnh vào số hóa, thuê chuyên gia nâng cấp các phần mềm điều hành sản xuất và thương mại.

Thay vì đi nước ngoài chào hàng, Công ty đã tập trung vào thương mại điện tử, quảng bá, chào hàng trên nền tảng số. Ứng dụng công nghệ thực tế ảo, quay phim và dựng các hình ảnh về các mẫu sản phẩm bàn, ghế, giường, tủ, tủ bếp để đưa lên mạng Internet.

Khách hàng từ Mỹ và châu Âu vào trang web hay các gian hàng ảo của VTJ là có thể chiêm ngưỡng các sản phẩm trong không gian ba chiều đẹp long lanh như là đang đứng trước sản phẩm thật, được “sờ tay” vào sản phẩm thật.

Nghiên cứu thị hiếu của khách hàng, ông Việt cũng nhận ra rằng tại Mỹ, xu hướng làm việc tại nhà để phòng tránh dịch bệnh Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng các đồ gỗ nội thất gia đình tăng nhanh. VTJ đã tập trung vào thiết kế các mẫu sản phẩm tủ bếp, đồ dùng phòng khách kiêm văn phòng như bàn ghế làm việc tại nhà sao cho tiện lợi với việc vừa làm việc vừa nghỉ ngơi, tạo tâm lý thoải mái cho người sử dụng. Nhờ các gian hàng thực tế ảo đó, các đơn đặt hàng từ Mỹ và châu Âu tới tấp bay về.

Dịch bệnh Covid-19 tràn đến tỉnh Bình Dương, xâm nhập vào các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ. “Chúng tôi thực hiện phương án “ba tại chỗ” ngay từ cuối tháng 6/2021. Lúc bắt đầu vào thực hiện, chúng tôi cho test sàng lọc nhanh cả 3 phòng sản xuất, rồi sau đó test sâu PCR đều cho kết quả âm tính. Vậy mà sau gần 20 ngày, một phòng sản xuất test nhanh lần 3 ra 19 ca dương tính, trong số 196 công nhân”, ông Phạm Long Việt kể.

Công ty VTJ buộc phải ngừng sản xuất, quyết tìm ra “kẽ hở” khiến Covid-19 xâm nhập. Cuối cùng, thật bất ngờ khi tìm ra nguyên nhân là, một lần có anh bán nước trái cây đi qua ngoài đường, rao hàng vọng vào. Một công nhân đã gọi mua, nhận túi nước và chuyển tiền qua hàng rào. Vài ngày sau, người bán nước trái cây đó được công bố dương tính với Covid-19. “Đấy là bài học để mọi người rút kinh nghiệm. Nếu sản xuất “ba tại chỗ” mà vẫn để lọt kẽ hở, thì lại vô cùng nguy hiểm”, ông Việt cay đắng chia sẻ.

 

"Vào quý 3/2021, có hơn 70% số công nhân trong ngành gỗ tại Bình Dương phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương khi đó, đã có hơn 130 doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ phải tạm ngừng hoạt động".

Ông Điền Quang Hiệp, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA).

Ông Điền Quang Hiệp, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) khoá IV (2018-2021), cho biết Bình Dương đã trở thành trung tâm chế biến gỗ của cả nước, tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ, bao gồm cả doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước và FDI với số lượng hơn 600 doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ tại Bình Dương đạt trung bình hàng năm đạt 15%. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Bình Dương chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ của Việt Nam.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho hay năm 2021 đầy những biến động, đã từng có thời điểm bức tranh của ngành gỗ chủ đạo là màu xám, nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ phải đóng cửa, người lao động không có việc làm đành rời công ty trở về quê. Trong khi đó, việc chậm trễ giao hàng cho đối tác đã khiến kim ngạch xuất khẩu lao dốc. Lúc đó, có một số dự đoán đưa ra rằng thành quả của ngành trong thập kỷ qua có thể sẽ đảo chiều, thậm chí rơi vào suy thoái.

5 ĐIỂM NHẤN ẤN TƯỢNG CỦA NGÀNH GỖ NĂM 2021

Theo ông Đỗ Xuân Lập, trong hai tháng cuối năm 2021, bức tranh của ngành gỗ đã chuyển từ màu xám sang màu sáng, xuất khẩu tăng mạnh, hiện trên 90% lao động của ngành đã quay trở lại sản xuất.

Yếu tố tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm là nhờ Chính phủ đã chuyển từ diệt dịch sang sống chung với dịch. Nhìn lại ngành gỗ năm 2021 có năm điểm nhấn rất ấn tượng.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ qua các năm.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ qua các năm.

Thứ nhất, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã lập kỷ lục 15,6 tỷ USD, trong đó nhóm gỗ và đồ gỗ đạt 14,5 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020. Xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 29,5%, gồm: sản phẩm từ mây, tre: 841 triệu USD, tăng 38,1%; sản phẩm từ quế, hồi: 265,4 triệu USD, tăng 8,1%.

Trong số 14,5 tỷ USD kim ngạch của ngành gỗ, xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ đạt 10,87 tỷ USD, tăng 14%; gỗ các loại là 3,6 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2020.

Thứ hai, giá trị xuất khẩu gỗ vào các thị trường truyền thống đều tăng trưởng cao. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã tranh thủ được cơ hội từ các hiệp định AFTA mà Việt Nam tham gia.

Cụ thể, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2021 là vào Hoa Kỳ, đạt tới 9,1 tỷ USD, tăng 21,4% so với năm 2020. Đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản đạt 1,45 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2020.

Trung Quốc đứng vị trí thứ ba trong các thị trường mua đồ gỗ của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đạt 1,5 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào EU đạt 1,1 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2020; vào thị trường Hàn Quốc với 0,95 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2020.

Thứ ba, năm 2021, số doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư vào ngành gỗ tại Việt Nam tăng cao hơn so với các năm trước, đây là điều đáng ngạc nhiên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hạn chế xuất nhập cảnh. Ngành chế biến gỗ và lâm sản có 203 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2021. Trong đó có 46 doanh nghiệp FDI, trong khi năm 2020 chỉ có 36 doanh nghiệp FDI mới đầu tư vào ngành gỗ.

Thứ tư, ngành gỗ đạt xuất siêu cao, ước khoảng 12,6 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2020.

Thứ năm, năm 2021 là năm đầu tiên xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để chiếm ngôi “đầu bảng” ở thị trường Mỹ. Suốt nhiều năm, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất tại thị trường Mỹ. Theo Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC), 10 tháng năm 2021, nhập khẩu đồ gỗ nội thất của Mỹ đạt 20,4 tỷ USD, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung cấp đồ gỗ nội thất lớn nhất cho Mỹ, đạt 7,9 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2020, Trung Quốc bị đẩy xuống vị trí thứ hai, khi kim ngạch chỉ đạt 4,3 tỷ USD.<

 
 
&Ocirc;ng Đỗ Xu&acirc;n Lập,&nbsp;Chủ tịch Hiệp hội Gỗ v&agrave; L&acirc;m sản Việt Nam
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Trong thời gian tới, với sự chuyển dịch của chuỗi cung, sức ép các thị trường nhập khẩu và nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp đòi hỏi ngành gỗ phải có những bước đột phá. Để tập trung vào đầu mối nhằm lan tỏa ngành gỗ Việt, các hiệp hội ngành gỗ đã thống nhất hình thành công ty tổ chức sự kiện chung của cả ngành, thay vì tổ chức sự kiện rời rạc như hiện nay.

Năm 2022, các doanh nghiệp trong ngành gỗ cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại nhà máy nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Các doanh nghiệp cần thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi phương thức giao hàng, đóng gói hàng khi xuất khẩu. Trong bối cảnh giá thuê container và cước phí tàu biển cao, thay vì cho cả bộ bàn ghế, giường tủ, tủ bếp vào container, thì cần chuyển sang hình thức giao hàng theo các bộ phân tách rời, nhằm tiết kiệm diện tích container, giảm chi phí vận chuyển.