15:04 08/11/2007

Sắp qua thời cửa hàng mặt tiền

Đức Thọ - Hiền Mai

Sự phát triển của các siêu thị lớn đang báo hiệu thời hoàng kim của các cửa hàng mặt tiền tại các đô thị sắp qua đi

Sự khan hiếm mặt bằng là một nguyên nhân khiến Việt Nam khó phát triển những trung tâm thương mại tiêu chuẩn - Ảnh: Việt Tuấn
Sự khan hiếm mặt bằng là một nguyên nhân khiến Việt Nam khó phát triển những trung tâm thương mại tiêu chuẩn - Ảnh: Việt Tuấn
Sự phát đạt của các cửa hàng mặt tiền, các chợ truyền thống đang dần chuyển sang các trung tâm thương mại, siêu thị; người tiêu dùng đã dần ghét mặc cả bán mua tại các cửa hàng nhỏ lẻ mà chuyển sang phong cách tiêu dùng mới tại hệ thống siêu thị.

Đó là một xu hướng đã được dự báo từ khá lâu và hiện nay đang có những biểu hiện rõ nét nhất, báo hiệu thời hoàng kim của các cửa hàng mặt tiền tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Tp.HCM sắp qua đi.

Thay đổi phong cách tiêu dùng

Khác hẳn trước đây, ngày nay đa số người dân thành thị đã không còn thích thú cảnh chen chúc, cò kè bớt một thêm hai tại các cửa hàng bán lẻ. Sự tiện lợi khi mua bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại là rõ ràng. Trong đó một số yếu tố góp phần quan trọng tạo lòng tin cho người tiêu dùng chính là tránh được tình trạng mập mờ đánh lận con đen về giá cả, chất lượng và ngay cả phong cách phục vụ của nhân viên bán hàng.

Theo phân tích của một số chuyên gia, yếu tố nhân khẩu học là một trong những tác động mạnh mẽ nhất lên phong cách tiêu dùng của người dân đô thị. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy Việt Nam hiện đang có khoảng 70% dân số trong độ tuổi dưới 35 và Việt Nam có một số lượng lớn những công dân thành thị trẻ tuổi có thu nhập tăng đều và thị hiếu ngày càng được “làm phẳng” với phong cách tiêu dùng của giới trẻ các quốc gia phát triển.

Tại khu vực thành thị, số hộ gia đình có thu nhập hàng tháng nằm trong khoảng từ 600 USD đến 1.000 USD/tháng đang tăng lên nhanh chóng, cao hơn các thành phần dân số khác; tiếp sau đó là những hộ gia đình có thu nhập trên 1.000 USD/tháng.

Thu nhập tăng và văn hóa tiêu dùng đang dần dần xuất hiện đã thúc đẩy sức tiêu dùng gia tăng, chi tiêu cho các loại hàng tiêu dùng tăng 20% mỗi năm. Thống kê của ngành thương mại cho biết, nếu như năm 2000 mức chi tiêu cho bán lẻ tại Việt Nam chỉ đạt 15 tỉ USD thì năm 2006 đã đạt mức 36 tỉ USD và đến năm 2010 dự kiến con số này sẽ vượt mức 50 tỉ USD.

Sức hút của sự… khởi đầu

Sự chuyển biến mạnh mẽ của phong cách tiêu dùng chính là biểu hiện của một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng và mới đang ở giai đoạn khởi đầu. Cộng với những bước tăng trưởng tốt của nền kinh tế vĩ mô, Việt Nam càng nổi rõ là một thị trường bán lẻ đầy hấp lực đối với các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới.

Chiều 8/11, Công ty CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE), đã đưa ra một bản thông cáo trong đó nêu lên mấy con số chứng minh cho sức hút của thị trường bán lẻ của Việt Nam. Đó là hiện nay Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển nhanh chóng đứng thứ hai tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 8,2% trong năm 2006, dự đoán trong năm 2007 con số này sẽ là 8,4% và mới đây Chính phủ đã công bố chỉ tiêu của năm 2008 là 8,7%.

Sự quan tâm chú ý của các nhà đầu tư càng tăng mạnh sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mai Thế giới (WTO) vào cuối năm 2006 với cam kết từng bước mở cửa thị trường bán lẻ để các nhà đầu tư nước ngoài được trực tiếp tham gia vào thị trường.

Theo lộ trình cam kết gia nhập WTO, từ tháng 1/2007, các nhà đầu tư nước ngoài đã được phép thành lập các công ty liên doanh phân phối hàng hóa, trong đó phía nước ngoài được phép chiếm giữ 49% số vốn. Đến năm 2009, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường cho các công ty kinh doanh bán lẻ 100% vốn nước ngoài. Đây cũng có thể coi là một con đường đã được trải ra mời gọi các tập đoàn kinh doanh bán lẻ quốc tế đang sẵn sàng tham gia vào thị trường gồm có ba “đại gia” là Tesco, Wal-Mart và Carrefour.

Chính “nguy cơ” bị phân chia thị trường bởi các tập đoàn bán lẻ quốc tế đã “thức tỉnh” các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng bắt lấy những cơ hội ngay tại sân nhà của mình. Biểu hiện là sự đầu tư và phát triển của một số “tên tuổi trong nhà” như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng Công ty Thương mại Sài gòn (Satra), Phú Thái group…

Tuy nhiên, các nhà kinh doanh bán lẻ trong và ngoài nước hiện cũng đang phải đối mặt với những hạn chế vì thị trường kinh doanh bán lẻ dù đang phát triển nhanh chóng nhưng phần lớn vẫn chỉ tập trung ở khu vực thành thị.

Gặp khó vì tăng trưởng nóng

Đó rõ ràng là những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bán lẻ cũng đang gây khó cho chính họ, trong đó điển hình là những khó khăn về mặt bằng.

Nếu như trước đây loại hình chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ lẻ chiếm ưu thế khi bám vào mặt tiền của các con phố thì nay chính nó lại đang gây khó cho thị trường. Yếu tố “mặt tiền” đang dần không còn lợi thế khi phong cách tiêu dùng thay đổi và nó cũng đang xé lẻ diện tích xây dựng khiến cho việc mọc lên các trung tâm thương mại, siêu thị tại khu vực nội đô hay kể cả với khu vực ngoại vi.

Theo thống kê, tại Tp.HCM đang có 13 trung tâm thương mại cung cấp cho thị trường 140.000m2 mặt bằng kinh doanh bán lẻ, tỉ lệ thuê mặt bằng tại những trung tâm này hiện ở mức 99%; Hà Nội có khoảng 100.000m2 mặt bằng kinh doanh bán lẻ tại 6 trung tâm thương mại với tỉ lệ thuê mặt bằng cũng vào khoảng 99%. Dự kiến sẽ có khoảng 350.000m2 mặt bằng sẽ tham gia vào thị trường kinh doanh bán lẻ tại Tp.HCM vào cuối năm 2011 và 380.000m2 đang được đầu tư phát triển tại Hà Nội.

Sự thiếu hụt về mặt bằng cũng đang và sẽ còn kéo theo một khó khăn khác là giá thuê mặt bằng tăng nóng. Theo số liệu điều tra của CBRE, giá thuê trung bình tại Tp.HCM và Hà Nội đã tăng nhanh chóng kể từ năm 2002 và đạt mức 40USD/m2/tháng vào cuối quý 3/2007. Giá thuê của những mặt bằng tại những vị trí đẹp, hoặc tại khu trung tâm kinh doanh thương mại và tầng trệt lên đến 200USD/m2/tháng.

Trong khi làn sóng các dự án đang được đầu tư phát triển sẽ làm giảm nhẹ phần nào nhu cầu đang ngày một tăng, nhu cầu đối với các mặt bằng kinh doanh bán lẻ lớn trong khoảng thời gian chờ đợi đến thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ vào năm 2009 được dự đoán là sẽ còn tăng liên tục do các nhà kinh doanh bán lẻ Việt Nam và nước ngoài đang tranh nhau tìm kiếm mặt bằng có chất lượng.