Du lịch phục hồi giúp tăng sức hút đầu tư vào khách sạn
Du lịch toàn cầu tiếp tục phục hồi khi nhu cầu đi lại của người dân trên khắp thế giới ngày càng gia tăng. Sự phục hồi của du lịch đang thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực khách sạn...

Báo cáo Savills Impđộacts cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch tạo ra những tác động đáng kể đối với lĩnh vực bất động sản. Trong các phân khúc bất động sản vận hành, khách sạn là loại tài sản phát triển nhất. Phân khúc khách sạn ngày càng thu hút các nhà đầu tư.
Đặc biệt giữa bối cảnh lạm phát gia tăng và chi phí vay vốn ở mức cao, doanh thu mà loại hình này mang lại được nhà đầu tư đánh giá là hấp dẫn. Nhu cầu lưu trú mạnh mẽ cũng góp phần thúc đẩy công suất phòng khách sạn và giá phòng trung bình hàng ngày tăng 2,6% và đạt 142 USD/đêm trong năm 2024. Kết quả này càng củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư.
KHÁCH SẠN LÀ LOẠI TÀI SẢN PHÁT TRIỂN NHẤT
Tại Việt Nam, ngành du lịch đồng thời ghi nhận mức phục hồi đáng chú ý nhờ cộng hưởng của nhiều yếu tố từ chính sách nới lỏng visa cho đến các chiến lược tiếp thị hiệu quả từ chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp.
Theo số liệu từ Cục Thống kê, Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 9,2 triệu lượt người, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2024. Chỉ tính riêng tháng 5/2025, lượng khách quốc tế đến nước ta đạt 1,53 triệu lượt, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét về quy mô thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường có lượng khách du lịch đến Việt Nam nhiều nhất. Trong 5 tháng đầu năm 2025, có đến 2,36 triệu lượt khách Trung Quốc đến nước ta, chiếm 25,7% tổng lượng khách quốc tế. Tiếp sau là Hàn Quốc với 1,9 triệu lượt khách, tương đương 20,7%. Danh sách 10 thị trường quốc tế có lượng khách tới Việt Nam hàng đầu còn có Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Campuchia, Ấn Độ, Australia, Malaysia và Nga.
Sự phục hồi của ngành du lịch được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025. Các dự báo sơ bộ cho thấy lượng khách du lịch quốc tế có thể tăng trưởng từ 3–5% so với cùng kỳ, cùng với nhiều khách sạn mới chuẩn bị khai trương. Về nguồn cung, Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong phân khúc khách sạn và khu nghỉ dưỡng sau Covid. Phần lớn các dự án mới tập trung tại các điểm đến ven biển, đặc biệt là Đà Nẵng - nơi nguồn cung khách sạn tại một số khu vực trên địa bàn đã vượt quá nhu cầu.
THÍCH NGHI VỚI NHỮNG THAY ĐỔI CỦA THỊ TRƯỜNG
Theo Savills Impacts 2025, nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng từ tầng lớp trung lưu, đang được mở rộng tại các thị trường mới nổi. Ngoài ra, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng chi tiêu cho trải nghiệm hơn là mua sắm vật chất.
Bà Leyre Octavio de Toledo, Giám đốc điều hành, Bộ phận kiến trúc và giải pháp không gian thuê, Savills Tây Ban Nha, cho rằng để thành công, các khách sạn cần thích nghi với những thay đổi theo nhu cầu thị trường. “Việc cải tạo về mặt thẩm mỹ là chưa đủ. Các khách sạn hiện nay cần được tái thiết kế không gian và chức năng một cách linh hoạt hơn, bền vững hơn và gắn kết với môi trường xung quanh, nhưng vẫn phải giữ được bản sắc và tinh thần vốn có”, bà Leyre nhận định.
Trong khi đó, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nhận định các chủ đầu tư và đơn vị vận hành đang chú trọng đến việc tích hợp yếu tố bản địa vào thiết kế và vận hành khách sạn, bao gồm: vật liệu địa phương, chi tiết văn hóa và phong cách kiến trúc đặc trưng, phù hợp với từng điểm đến.
Đồng thời, tinh thần hiếu khách của người Việt cũng được thể hiện rõ nét thông qua thiết kế dịch vụ chu đáo và đào tạo nhân sự bài bản, mang đến cho du khách trải nghiệm được cá nhân hóa nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa Việt.
Ông Powell cũng cho rằng ngành nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang cho thấy tiềm năng đầu tư mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi đa dạng về địa lý, từ trung tâm đô thị, bờ biển đến miền núi và các vùng văn hóa đặc thù.
Một số xu hướng mới đang hình thành, định hình mối quan tâm của nhà đầu tư. Trong đó có sự nổi lên của các khu nghỉ dưỡng vùng núi, du lịch kết hợp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, với những sản phẩm đa dạng trong các khu nghỉ dưỡng truyền thống.
Bên cạnh đó, các thương hiệu khách sạn và chủ đầu tư tiếp tục mở rộng các điểm đến mới, đặc biệt là khu vực gắn liền với phát triển hạ tầng như: sân bay, đường cao tốc. Nhà đầu tư hiện có xu hướng vượt ra khỏi các thị trường truyền thống để đón đầu nhu cầu mới và tận dụng cơ hội kết nối tương lai.
Xét về cơ hội đầu tư, Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá ngành khách sạn Việt Nam có sự khác biệt khi cùng lúc phục vụ nhiều nhóm du lịch đa dạng. Điều này mở ra cơ hội phong phú cho nhà đầu tư với chiến lược và kỳ vọng lợi nhuận khác nhau.
Tuy nhiên, ông lưu ý nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực khách sạn tại Việt Nam cần cân nhắc một số yếu tố then chốt. Trước tiên là nguồn cung tương lai và mức độ cạnh tranh tại từng phân khúc thị trường, bởi đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó là tiến độ phát triển hạ tầng hàng không và giao thông đường bộ, đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối dòng khách du lịch và cần được theo dõi sát sao.
Ngoài ra, minh bạch pháp lý, đặc biệt mô hình sở hữu và phát triển bất động sản hàng hiệu cũng là yếu tố quan trọng trong bối cảnh phân khúc này đang dần mở rộng. Đồng thời, việc lựa chọn đối tác vận hành chuyên nghiệp sẽ góp phần đảm bảo giá trị tài sản lâu dài.
“Thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng, mang lại cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư tại các điểm đến mới với nhiều loại hình sản phẩm sáng tạo. Triển vọng dài hạn của ngành được củng cố bởi nhu cầu ngày càng tăng, sự khác biệt hóa đến từ thương hiệu và kỳ vọng ngày càng cao của du khách hiện đại”, ông Powell kết luận.