16:18 30/12/2024

Sau bê bối đánh cắp và cướp của, ngành ngân hàng Nhật Bản đối mặt khủng hoảng niềm tin

Ngọc Trang

Gần đây, niềm tin của công chúng Nhật vào các tổ chức tài chính lớn nhất nước này chịu cú sốc khi một số nhân viên mảng bán lẻ của các tổ chức này bị cáo buộc phạm tội nghiêm trọng gây nguy hiểm cho tài sản và thậm chí mạng sống của khách hàng...

 MUFG Bank và Nomura Securities đang đối mặt khủng hoảng sau các vụ việc phạm pháp của nhân viên - Ảnh: Nikkei Asia
MUFG Bank và Nomura Securities đang đối mặt khủng hoảng sau các vụ việc phạm pháp của nhân viên - Ảnh: Nikkei Asia

Theo tờ Nikkei Asia, ngày 16/12, MUFG Bank, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản và trực thuộc tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFJ), lên tiếng xin lỗi sau khi một cựu nhân viên của nhà băng này bị cáo buộc đánh cắp tiền và tài sản trị giá hàng tỷ yên từ hộp ký gửi an toàn của nhiều khách hàng.

Nhân viên này đã lợi dụng vị trí là giám sát hộp ký gửi an toàn và giữ chìa khóa dự phòng đề đánh cắp tiền mặt và tài sản có giá trị của khách hàng được cất giữ tại các hộp ký gửi an toàn thuộc 2 chi nhánh ở Tokyo. Người này sau đó dùng tiền và tài sản đánh cắp để đầu tư và tiêu xài cá nhân. Vụ việc xảy ra từ tháng 4/2020 và ảnh hưởng tới khoảng 60 khách hàng.

Vào đầu tháng 12, công ty Nomura Securities – thuộc ngân hàng đầu tư và môi giới hàng đầu Nhật Bản Nomura Group – cũng tổ chức họp báo xin lỗi vì một vụ việc gây sốc tương tự. Một cựu nhân viên của công ty này tháng trước bị kết tội cướp của và âm mưu sát hại một khách hàng khi đến nhà của người này ở Hiroshima vào tháng 7. Nhân viên này bị cáo buộc chuốc thuốc nữ khách hàng và đánh cắp 17,87 triệu yên (113.515 USD) tiền mặt, đồng thời phóng hỏa đốt căn nhà.

Theo bà Chisa Kobayashi, chiến lược gia về vốn cổ phần tại UBS SuMi Trust Wealth Management, các vụ việc trên cho thấy những tồn tại do sự chậm trễ trong việc chuyển đổi số, cũng như hạn chế trong quản trị của các doanh nghiệp và tổ chức tài chính Nhật Bản.  

“Những tồn tại của nền kinh tế cũ đang bắt đầu bộc lộ”, bà Kobayashi nhận xét, đề cập tới phương thức giao tiếp trực tiếp giữa các tổ chức tài chính Nhật và khách hàng, yếu tố gây cản trở tính minh bạch. “Bạn sẽ không biết được công ty nào sẽ xảy ra vụ bê bối tiếp theo”.

Cả MUFG Bank và Nomura Securities đều phản ứng chậm chạp sau khi xảy ra vụ việc. Họp báo của MUFG Bank được tổ chức vào ngày 16/12, hơn ba tuần sau khi ngân hàng này phát hiện các vụ đánh cắp xảy ra vào ngày 22/11.

“Với thị trường cổ phiếu, điều quan trọng là công ty phải nhanh chóng lên tiếng về vụ việc và về phương án xử lý, thay vì che giấu cho tới khi vụ việc bị tiết lộ với công chúng”, bà Kobayashi phát biểu.

Sau vụ việc trên, hành động đầu tiên của MUFG Bank siết chặt quy trình cất giữ chìa khóa dự phòng hộp ký gửi an toàn của khách hàng và tập trung hoạt động lưu trữ tại trụ sở. Ngân hàng này cho biết sẽ tăng cương quản lý hoạt động của nhân viên, đồng thời triển khai giám sát từ trụ sở của ngân hàng.

“Vụ việc làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của khách hàng và làm lung lay hoạt động kinh doanh ngân hàng của chúng tôi", Chủ tịch kiêm CEO Ngân hàng MUFG, Junichi Hanzawa, phát biểu tại họp báo.

Ông Junichi Hanzawa, Chủ tịch kiêm CEO Ngân hàng MUFG phát biểu tại họp báo ngày 16/12 - Ảnh: Nikkei Asia
Ông Junichi Hanzawa, Chủ tịch kiêm CEO Ngân hàng MUFG phát biểu tại họp báo ngày 16/12 - Ảnh: Nikkei Asia

Về phía Nomura Securities, ngày 3/12, công ty này triển khai một loạt biện pháp nhằm phát hiện và ngăn chặn các vụ việc tương tư, bao gồm giám sát chặt chẽ hơn và đánh giá cẩn thận đạo đức cũng như tính tuân thủ của nhân viên.

“Trong tương lai gần, một quản lý sẽ chịu trách nhiệm đi cùng nhân viên trong các chuyến ghé thăm nhà của khách hàng, hoặc nói chuyện với khách hàng qua điện thoại về thời điểm ghé thăm. Nomura cũng sẽ giảm sát hoạt động trong giờ làm việc của nhân viên có liên hệ trực tiếp với khách hàng thông qua dữ liệu từ điện thoại của công ty, camera tổng quan và các nguồn khác”,  Nomura cho biết.

Nhân viên của công ty cũng bị cấm liên hệ với khách hàng trong thời gian nghỉ phép. Nếu cần, quản lý sẽ liên hệ với khách hàng để kiểm tra các giao dịch và kiểm tra xem có hoạt động trái phép nào xảy ra hay không.

Nomura cũng cho biết sẽ chú trọng hơn vào vấn đề đạo đức khi lựa chọn nhân sự, đồng thời tiến hành đào tạo về tính tuân thủ và đạo đức với toàn bộ nhân viên. Bên cạnh đó, công ty cũng triển khai hệ thống phản hồi chéo để các nhân viên đánh giá nhau dưới hình thức ẩn danh.

“Chúng tôi xem đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Một vụ việc như thế này không bao giờ được phép xảy ra tại một tổ chức tài chính được giao phó nhiệm vụ trông giữ tài sản cho khách hàng”, Nomura Securities nói trong một thông cáo báo chí ngày 3/12.

Ông Kentaro Okuda, Chủ tịch Nomura Securities, tại họp báo ngày 3/12/2024 - Ảnh: Nikkei Asia
Ông Kentaro Okuda, Chủ tịch Nomura Securities, tại họp báo ngày 3/12/2024 - Ảnh: Nikkei Asia

Nomura Securities cũng cho biết 10 giám đốc cấp cao của công ty sẽ phải trả lại một phần lương do vụ việc này. Riêng Chủ tịch Kentaro Okuda sẽ bị trừ 30% lương thưởng trong vòng 3 tháng.

Các vụ bê bối trên xảy ra giữa lúc Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy người dân chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư để chuẩn bị cho cuộc sống về hưu. Tháng 1 năm nay, Tokyo triển khai chương trình tiết kiệm phiên bản mới có tên Tài khoản Tiết kiệm Cá nhân Nippon (NISA).

Người dân Nhật được khuyến khích đầu tư nhiều để thu lợi nhuận tốt hơn thay vì gửi tiền vào các tài khoản tiết kiệm lãi suất thấp. Trên thực tế, với hầu hết người cao tuổi ở Nhật, chỉ riêng lương hưu hầu như không đủ sống khi về hưu. Bên cạnh đó, môi trường lương thấp và lãi suất thấp – một phần do chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) từ năm 2016 – cũng khiến người dân không tiết kiệm được nhiều và không đủ tiền trang trải cuộc sống tương lai. Ngoài tiền lương hưu, một người ở Nhật được cho là cần có hơn 30 triệu yên cho cuộc sống về hưu.

Chương trình mới nói trên thu hút được 6 nghìn tỷ yên trong nửa đầu năm nay, gần gấp 3 so với cùng kỳ của chương trình cũ năm trước.

Các vụ việc của MUFG Bank và Numora Securities không phải bê bối duy nhất ảnh hưởng tới ngành tài chính Nhật. Nhiều nhân viên tại Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA), Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo và Ngân hàng Sumitomo Mitsui Trust cũng bị cáo buộc giao dịch nội gián. Ngoài lĩnh vực tài chính, các nhà sản xuất lớn như Toyota Motor, Mazda Motor và Yamaha Motor thừa nhận gian lận để “lách” quy định về sản xuất ô tô. Hãng dược Kobayashi Pharmaceutical cũng đối mặt nhiều bê bối khi Osis Management – cổ đông của công ty – đâm đơn kiện các nhà lãnh đạo công ty.