10:59 07/04/2008

Sẽ có đất “sạch” cho doanh nghiệp địa ốc?

Các doanh nghiệp địa ốc vừa mừng, vừa lo trước thông tin Bộ Xây dựng đề nghị cho phép chính quyền địa phương tự giải tỏa mặt bằng

Nếu Nhà nước làm công tác giải phóng mặt bằng rồi đem đi đấu giá đất để chọn chủ đầu tư, sẽ giúp cho các doanh nghiệp đỡ mất nhiều thời gian, công sức cũng như tiết kiệm được nhiều chi phí phát sinh.
Nếu Nhà nước làm công tác giải phóng mặt bằng rồi đem đi đấu giá đất để chọn chủ đầu tư, sẽ giúp cho các doanh nghiệp đỡ mất nhiều thời gian, công sức cũng như tiết kiệm được nhiều chi phí phát sinh.
Thông tin Bộ Xây dựng sẽ trình lên Chính phủ các giải pháp bình ổn thị trường bất động sản, trong đó có giải pháp cho phép chính quyền địa phương tự tổ chức giải tỏa mặt bằng (thay vì doanh nghiệp), đồng thời đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án được giới kinh doanh địa ốc đón nhận với thái độ vừa mừng, vừa lo.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp địa ốc, nếu Nhà nước làm công tác giải phóng mặt bằng rồi đem đi đấu giá đất để chọn chủ đầu tư, sẽ giúp cho các doanh nghiệp đỡ mất nhiều thời gian, công sức cũng như tiết kiệm được nhiều chi phí phát sinh.

“Đoạn trường” giải tỏa...

Trao đổi với giới báo chí, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, nếu giải pháp trên được Chính phủ đồng ý, thì đây có thể sẽ là một bước ngoặt mới trong chính sách nhà đất, giúp thị trường bất động sản đất hạ nhiệt.

Theo ông Đực, lâu nay, có lẽ do sợ người dân khiếu kiện, nên dựa vào Nghị định 84, chính quyền không can thiệp vào việc sang nhượng giữa chủ đầu tư và người dân. Hậu quả, là nhiều hộ dân lấy cớ doanh nghiệp không đền bù sát giá thị trường, tìm cách ở lại, không chịu đi, gây ảnh hưởng xấu đến tiến độ của dự án.

Ông Đực nêu lên trường hợp của Công ty Thế kỷ 21 đầu tư tại quận 2, chỉ còn vài ngàn m2 đất mà dự án không triển khai được. Thành phố yêu cầu giải tỏa, nhưng quận 2 không làm, Công ty Thế kỷ 21 buộc phải khiếu nại lên Bộ Tài nguyên Môi trường mà vẫn chưa giải quyết xong...

Đồng tình với ý kiến của ông Đực, ông Nguyễn Văn Khởi, Giám đốc Công ty Địa ốc Intresco bức xúc nói, công ty có triển khai một dự án căn hộ ở quận 7, đã đền bù dự án đến 90%, nhưng chỉ còn 2-3 hộ dân không đi mà dự án ách tắc kéo dài!

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp địa ốc, nếu Nhà nước làm công tác giải phóng mặt bằng rồi đem đi đấu giá đất để chọn chủ đầu tư, sẽ giúp cho các doanh nghiệp đỡ mất nhiều thời gian, công sức cũng như tiết kiệm được nhiều chi phí phát sinh. Đồng thời, việc dự án triển khai nhanh sẽ giúp hạ giá thành sản phẩm bất động sản, lúc đó người dân sẽ có nhiều cơ hội mua nhà với giá rẻ hơn.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng cho rằng, để công tác đền bù được suôn sẽ, điều quan trọng là giá bồi thường phải thống nhất và áp dụng cho mọi dự án (kể cả dự án công lẫn tư). Có như vậy mới tránh tình trạng người dân đổ xô nhau kiện cáo như trước đây doanh nghiệp gặp phải.

Đã có lối thoát?

Gần đây, việc công ty cổ phần Đức Khải đứng ra xin thành lập Tổng công ty Đền bù giải tỏa với vốn điều lệ lên đến 1.650 tỷ đồng được xem là một mô hình mới mang tính đột phá. Để minh chứng cho tính khả thi của mình, công ty Đức Khải đã di dời giải tỏa thành công 200 hộ dân ở chung cư 289, Trần Hưng Đạo, quận 1, Tp.HCM chỉ trong vòng 3 tháng, trong khi trước đó, thành phố đã giao cho 1 công ty công ích tiến hành, nhưng “ì ạch” mãi vẫn không xong!

Theo ông Phạm Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Đức Khải, bí quyết giúp công ty thành công trong công tác di dời là tạo cho người dân bị thu hồi đất được góp vốn với doanh nghiệp bằng hình thức mua cổ phiếu, trái phiếu. Sau đó, họ sẽ được chia lại lợi nhuận từ kết quả đầu tư.

Một thống kê gần đây cho biết, hiện có 55 tỉnh thành trên cả nước có dự án chậm giải tỏa mặt bằng với tổng số 1.273 dự án. Riêng Tp.HCM từ năm 1998 đến nay có tới 50% số dự án đang tiếp tục giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng đến hơn 100.000 hộ dân.

Về lâu dài, để tăng thêm nguồn vốn, Đức Khải đang có kế hoạch gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngòai. Theo thông tin ban đầu, hiện đã có một số quỹ đầu tư nước ngoài như VinaCapital, IndochinaCapital, Anpha Capital... đang có ý định muốn hợp tác cùng với Công ty Đức Khải nếu đề án xin thành lập công ty được Chính phủ chấp thuận.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề gây khó khăn hiện nay đối với công ty Đức Khải là lĩnh vực giải phóng mặt bằng (do công ty tư nhân) thực hiện vẫn còn quá mới mẻ tại Việt Nam. Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai tuy không cấm, nhưng chưa có điều khỏan nào quy định về vấn đề này. Cho nên muốn thành lập công ty, đòi hỏi Nhà nước, các ngành chức năng phải sớm bổ sung cơ chế và mã số ngành.

Trong văn bản trả lời mới đây của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường hồi đáp lại ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, xung quanh tính khả thi của đề án trên, cả hai Bộ đều đánh giá cao tính khả thi của đề án.

Tuy nhiên, một cán bộ thuộc Sở Xây dựng Tp.HCM cho rằng, vấn đề chính là các Bộ có quyết tâm cho ra đời mô hình công ích mới này hay không vì trước đây cũng có nhiều công ty đưa ra dự án rất hay, được đánh giá cao nhưng cuối cùng vẫn nằm trên giấy!