06:00 26/05/2023

Sẽ có "hiệu quả ngược" nếu tăng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội ?

Nhật Dương

Các doanh nghiệp lo ngại việc điều chỉnh tăng căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội khiến gia tăng chi phí lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh và có thể gây “hiệu quả ngược” đối với các mục tiêu thu hút đầu tư FDI…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định, từ năm 2018, đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

Tuy nhiên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện vẫn còn khoảng cách nhất định so với tiền lương thực tế của người lao động.

Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già. Lý do mức hưởng được tính trên mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Do vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra xin ý kiến nội dung quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định với 2 phương án.

Phương án 1: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đã tổng hợp ý kiến của trên 30 Hiệp hội và đại diện doanh nghiệp các ngành, qua đó thấy rằng căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là nội dung có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở bài toán an sinh cho xã hội, người lao động, mà còn là bài toán năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá điều kiện thực tiễn, có cân nhắc kinh nghiệm quốc tế, khu vực một cách toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay để lựa chọn phương án khả thi, hợp lý.

Doanh nghiệp lo ngại tăng mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm tăng chi phí lao động. Ảnh - Mạnh Dũng.
Doanh nghiệp lo ngại tăng mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm tăng chi phí lao động. Ảnh - Mạnh Dũng.

Theo Ban IV, trong trường hợp dự thảo Luật giữ nguyên quy định như phương án 1, doanh nghiệp và người lao động sẽ không phải chịu áp lực về chi phí “gia tăng đột biến”. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước phải tìm được phương án, giải pháp nhằm giải quyết bài toán chậm đóng, trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội…của một số nhóm doanh nghiệp và người lao động.

Trường hợp nếu áp dụng theo phương án 2, căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng lên. Từ đó sẽ có hai vấn đề có thể xảy ra trong thực tế. Đó là, việc điều chỉnh tăng căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội có thể khiến tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội càng trở nên trầm trọng hơn.

Hai là việc điều chỉnh tăng căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội khiến gia tăng chi phí lao động của doanh nghiệp, trong bối cảnh chi phí này đã được cho là “cao nhất trong khối ASEAN”.

Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, và có thể gây “hiệu quả ngược” đối với các mục tiêu thu hút đầu tư FDI, đầu tư tư nhân đang được đẩy mạnh.

Việc điều chỉnh căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội như phương án 2 sẽ làm gia tăng chi phí của người sử dụng lao động, người lao động mà chưa thực sự giải quyết triệt để các nguyên nhân trực diện của tình trạng chậm đóng, trốn đóng… như chính cơ quan quản lý Nhà nước đã đánh giá.

Ban IV cho rằng, trong bối cảnh người lao động đang hết sức khó khăn, quy định này có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp và người lao động càng tìm cách trốn đóng bảo hiểm xã hội, khiến chính sách khó đạt được mục tiêu kỳ vọng và ảnh hưởng đến độ bao phủ của bảo hiểm xã hội nói riêng và chính sách bảo hiểm xã hội nói chung.

Từ những căn cứ trên, Ban IV cùng các hiệp hội, doanh nghiệp đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành về căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội (phương án 1), kết hợp với xác lập các biện pháp quản lý hiệu quả khác nhằm bảo đảm các mục tiêu toàn diện của chính sách bảo hiểm xã hội cũng như chính sách phát triển kinh tế và doanh nghiệp.

Ban soạn thảo dự Luật cũng cần nghiên cứu, thể hiện rõ ràng các quy định liên quan tới các khoản phụ cấp, bổ sung phải tính đóng bảo hiểm xã hội để tránh tình trạng sau này dự Luật đi vào đời sống, cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động có những cách hiểu khác nhau khiến việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội bị ảnh hưởng tiêu cực.

Các chuyên gia quốc tế về lao động cũng khuyến cáo, Ban soạn thảo dự Luật nên cân nhắc đề xuất gia tăng các hình thức thanh kiểm tra, quản trị dựa trên dữ liệu, liên kết dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu thuế, bảo hiểm xã hội; kết hợp chế tài nghiêm minh… thì sẽ khắc phục được tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội mà vẫn tạo được thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động. 

 

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại 3 loại thu nhập, bao gồm: Thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; thu nhập để doanh nghiệp thực hiện quyết toán, và thu nhập thực tế chi trả cho người lao động.

Thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội luôn ở mức thấp nhất, bằng mức lương tối thiểu vùng, cộng 7% đối với lao động đã qua đào tạo nghề và cộng thêm 5% hoặc 7% đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.