Soi lợi nhuận của BIDV
Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận BIDV tăng mạnh không đến từ mở rộng tệp khách hàng mà chủ yếu do chênh lệch lãi suất...
Ngân hàng thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mã chứng khoán BID, vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 và nửa đầu năm 2021 với mức lợi nhuận tăng đáng kể.
Tại báo cáo riêng lẻ, sau 6 tháng năm 2021, ngân hàng mẹ BIDV báo lãi trước thuế 7.582 tỷ đồng, tăng trưởng 82% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 58% chỉ tiêu kế hoạch năm.
Trong đó, hoạt động tín dụng với thu nhập lãi thuần đạt 22.671 tỷ đồng, tăng hơn 47% so với cùng kỳ, tương đương tăng 7.253 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2021, tổng tiền gửi của khách hàng tại BIDV đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trái lại, chi phí BIDV trả lãi tiền gửi lại giảm tới 22% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 6.528 tỷ đồng.
Theo trên, tính đến 30/6/2021, tổng dư nợ cho vay khách hàng của BIDV tăng 7,1% so với thời điểm hồi đầu năm, đạt 1,3 triệu tỷ đồng. Thế nhưng, khoản mục nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay khách hàng chỉ tăng nhẹ 2,9%, đạt 42.780 tỷ đồng.
Trong kỳ, ngân hàng cũng đã dùng 6.541 tỷ đồng từ nguồn dự phòng để mạnh tay xử lý nợ xấu, tăng hoàn nhập và cải thiện lợi nhuận.
Ở khía cạnh khác, hoạt động phi tín dụng cũng mang lại nhiều kết quả tích cực cho BIDV, đẩy lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng tăng tới 58% so với cùng kỳ 2020.
Như vậy, nhìn tổng thể toàn bộ báo cáo của BIDV, trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu do ngân hàng tận dụng được nguồn vốn huy động rẻ, tăng thu từ dịch vụ và mạnh tay xử lý nợ xấu. Trong khi, việc tăng tổng tài sản, tăng dư nợ tín dụng của BIDV vẫn chưa hiệu quả và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nợ xấu vẫn còn tương đối lớn, đặc biệt là các khoản nợ tiềm ẩn nằm ngoài bảng cân đối kế toán lên tới 301.152 tỷ đồng, tăng 44.920 tỷ đồng, tương đương tăng 17,5% so với cùng kỳ.
Các khoản nợ này được phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng... Dù nằm ở ngoại bảng và chưa được coi là nợ xấu, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp khó khăn sẽ có thể trở thành các khoản nợ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Được biết, trên thị trường đang xuất hiện một số ý kiến cho rằng ngân hàng này đang cố báo lãi cao trong khi thanh khoản không còn được dồi dào. Dẫn chứng về điều này là việc BIDV đã giảm bớt đáng kể lượng trái phiếu Chính phủ đang nắm giữ, từ 9.274 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 2.490 tỷ đồng vào cuối tháng 6, chưa kể giảm cả tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khác.
Ngoài ra, trong nửa đầu năm 2020, BIDV không phát hành thêm trái phiếu, nhưng ngân hàng này đã tích cực huy động vốn qua việc phát hành các chứng chỉ tiền gửi lên tới hơn 57.346 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với thời điểm cuối năm 2020, chủ yếu tăng vốn ngắn và trung hạn. Trong khi lãi suất chứng chỉ tiền gửi thường cao hơn so với lãi suất huy động thông thường.
“Có thể ngân hàng không thể nâng lãi suất huy động bởi một lý do bất khả kháng nên buộc phải tăng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn ngắn và bán bớt tài sản có tính thanh khoản cao như trái phiếu chính phủ”, ý kiến trên nêu quan điểm.