Sức mua thấp, Bình Dương bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Bình Dương được biết đến là tỉnh công nghiệp, cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ với tỷ trọng tương ứng là 66,94% và 21,98%. Mặc dù GDP nông nghiệp chỉ chiếm 3,1%, nhưng Bình Dương vẫn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản…
Câu chuyện lưu thông hàng hóa bị đứt gãy, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, doanh nghiệp thua lỗ... tiếp tục là chủ đề được thảo luận tại diễn đàn trực tuyến: “Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Dương năm 2021” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức mới đây.
ĐỨT GÃY KÊNH PHÂN PHỐI
Tại diễn đàn, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết tình hình dịch bệnh của tỉnh đang có chiều hướng đỡ phức tạp. Đến thời điểm này đã có hơn 90% danh nghiệp trong các khu không nghiệp trở lại hoạt động với khoảng 40% công suất.
Hiện tỉnh có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao, trên 69% tổng đàn gia cầm, 65% tổng đàn gia súc và 5.435ha trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trong có gần 600ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ.
Trong quá trình thực hiện các quy định phòng chống Covid-19, ngành sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm.
Đối với phân khúc tiêu thụ có hợp đồng ổn định (siêu thị, bếp ăn, trường học, doanh nghiệp,....): bị giảm đơn hàng hoặc hủy đơn hàng do sức tiêu thụ của các kênh này giảm, các nhà máy trường học tạm ngưng hoạt động.
Đối với phân khúc tiêu thụ truyền thống (phân khúc tiêu thụ này chiếm trên 60% lượng sản phẩm nông sản Bình Dương) bị đứt gãy kênh phân phối do đóng cửa chợ đầu mối, chợ truyền thống.
"Giai đoạn hiện nay, mặc dù các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân dần dần được phục hồi, tuy nhiên sức mua thị trường vẫn ở mức thấp, nhiều sản phẩm nông sản vẫn chưa khôi phục được chuỗi cung ứng, giá bán giảm đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất cũng như khả năng tái sản xuất”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương cho hay, thời gian qua, Tổ công tác hỗ trợ sản xuất, kết nối cung cầu và tiêu thụ nông sản của tỉnh đã triển khai bán hàng tại 20 điểm.
Lượng hàng cung ứng hàng ngày khoảng 6 tấn rau, củ, quả; 300-350kg thịt; 27.000 trứng/điểm. Đồng thời tổ chức các chuyến xe bán hàng lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố.
Bên cạnh đó, đã hỗ trợ các Hợp tác xã, trang trại triển khai kênh bán lẻ online trên facebook/zalo, giao hàng trực tiếp đến các đầu mối đặt hàng, đã hỗ trợ tiêu thụ nông sản tồn cục bộ với 150 tấn chuối; 250 tấn dưa lưới; 250 tấn bưởi; 50 tấn rau; 90 tấn nấm bào ngư.
Tại diễn đàn, đại diện của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đã nêu những thắc mắc, kiến nghị, đề xuất, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm.
Ông Bùi Vũ Thọ, Công ty Japfa băn khoăn: "Hiện nay, việc đăng ký luồng xanh có cần thiết phải áp dụng tại Bình Dương nữa không? Cũng một chiếc xe đó mà đăng ký từ Nam chí Bắc, đi đủ các vùng miền, vậy thì luồng xanh có ý nghĩa gì?".
Nhắc tới việc các chốt cứng nhắc dựa vào đăng ký “luồng xanh” để gây nhũng nhiễu cho nhà vận chuyển, ông Thọ nêu thực tế: Tài xế hết hạn giấy test Covid là xe ách lại.
Trường hợp giấy test có nhưng kế toán ở nhà quên đăng ký lại “luồng xanh” thì cũng bị ách, mà để vào được hệ thống đăng ký nhiều khi mất cả buổi, thậm chí là cả ngày.
"Thử tưởng tượng xe đó đang chở gà con giống hoặc gia súc sống mà dừng chờ trên 2 tiếng thì hỏi nhà vận chuyển, tài xế có lo bạc tóc không?”, ông Thọ nêu bức xúc.
CÁC CÔNG TY CHĂN NUÔI VÀ NÔNG DÂN ĐANG LỖ NẶNG
Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam, cho biết công ty hiện có nhà máy sản xuất cám, thuốc thú y, giống ở Bình Dương với năng lực cung cấp ra thị trường mỗi ngày trên 100.000 con gà các loại, hơn 1 triệu quả trứng và 2.000 con heo.
Theo ông Phương, dựa trên số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói về tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm cả nước một năm tương đương 20 triệu tấn, thì tổng lỗ của các công ty chăn nuôi và nông dân trong nước trong năm 2021 dự kiến cao gấp hơn 10 lần khoản lỗ của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) công bố.
Nguyên nhân dẫn đến chuyện các doanh nghiệp nông nghiệp bị lỗ hôm nay chủ yếu là do lưu thông hàng hoá bị đứt gãy, còn thị trường tiêu thụ có ít đi nhưng không đáng kể.
Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam
Bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu cho biết khoảng hơn 1 năm trước, Công ty Chánh Thu đã về làm việc với Bình Dương để nghiên cứu đưa trái bưởi xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Vùng nguyên liệu bưởi của Bình Dương khá tập trung nên có thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu được bưởi sang Mỹ trong năm nay nhưng do dịch Covid-19 nên chưa thực hiện được.
“Sau dịch, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương để liên kết tiêu thụ cho bưởi da xanh, bưởi Năm Roi do đây là những sản phẩm mà thị trường châu Âu, thị trường Mỹ rất ưa thích”, bà Ngô Tường Vy thông tin.
Với thị trường Trung Quốc, bà Vy cho rằng sản phẩm dưa lưới đang được nhiều siêu thị của họ quan tâm. Trong khi đó, tại Bình Dương có đơn vị cung cấp được 100 tấn/tháng.
“Chúng tôi mong muốn Bình Dương với diện tích và sản lượng lớn, có thể đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị công nghệ để nghiên cứu sâu về công nghệ bảo quản sau thu hoạch, không chỉ cho thị trường Trung Quốc mà còn nhiều thị trường quốc tế khác và cả phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước”, bà Ngô Tường Vy kiến nghị.
Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam cho hay, doanh nghiệp này có sản phẩm nổi bật trong nông nghiệp là nhật ký điện tử. Đây là ứng dụng có nhiều tính năng, trong đó có chức năng tạo mã QR Code, giúp người bán và người mua dễ truy xuất thông tin.
Với người quản lý, ứng dụng có chức năng thống kê, dự báo, tính toán thời điểm thu hoạch, sản lượng của nông sản, tính toán chi phí sản xuất và điều chỉnh lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đồng thời đăng ký điểm bán.
Mục tiêu của Sorimachi là tích hợp dữ liệu từ khâu sản xuất, thu hoạch, đóng gói giúp các công tác phát triển thị trường, thương mại được thông suốt. Người dân chỉ cần điện thoại, máy tính kết nối Internet là sử dụng được.
Nhắc đến việc nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ sự bất ngờ khi biết Bình Dương có tiềm năng về nhiều loại nông sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chia sẻ: “Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết hợp rất nhiều với tỉnh Bình Dương để phát triển nông nghiệp hữu cơ, chưa kể đến tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng của nhiều địa phương trong tỉnh”.
Thứ trưởng hy vọng tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai cấp mã số vùng trồng, đáp ứng được các tiêu chuẩn GAP ở những vùng nguyên liệu, phấn đấu đến năm 2025 trở thành điểm thu mua nguyên liệu tin tưởng của các doanh nghiệp bán lẻ, xuất khẩu.