23:29 27/08/2021

Bình Dương kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chi phí, vật tư y tế và phân bổ vaccine

Minh Tâm

Sau khi khảo sát thực tế, trưa 27/8, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương…

Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phấn đấu cố gắng kiểm soát dịch bệnh, chậm nhất tới 15/9 phải kiểm soát được tình hình. Ảnh VGP.
Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phấn đấu cố gắng kiểm soát dịch bệnh, chậm nhất tới 15/9 phải kiểm soát được tình hình. Ảnh VGP.

Làm việc với tỉnh Bình Dương về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn toàn Tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm việc triển khai tăng cường giãn cách xã hội tại 15 phường “vùng đỏ” theo phương châm “lấy xã, phường, cơ sở là pháo đài phòng chống dịch”, nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Bình Dương khi tiến hành lấy mẫu trong cộng đồng thì cần đưa những người có test nhanh dương tính Covid-19 điều trị ngay mà không cần chờ kết quả PCR. 

Bình Dương phải thành lập các trạm y tế lưu động có bác sĩ, điều dưỡng, oxy và thiết bị y tế để điều trị sớm cho các ca F0, tránh để bệnh nhân chuyển biến nặng gây quá tải cho các tuyến trên. 

CẦN NỖ LỰC ĐỂ KIỂM SOÁT DỊCH TRƯỚC 15/9

Đánh giá công tác phòng chống dịch tại địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bình Dương xem xét có thể di dời, sơ tán một số người dân từ "vùng đỏ" sang "vùng xanh" để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực như kinh nghiệm đã được thực hiện tại một số tỉnh phía bắc, sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú… cho việc này.

Bình Dương kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chi phí, vật tư y tế và phân bổ vaccine - Ảnh 1Thủ tướng họp  trực tuyến tới 91 xã, phường trên toàn tỉnh Bình Dương sau chuyến thị sát một số điểm nóng trên địa bàn tỉnh. Ảnh VGP.

“Thậm chí như kinh nghiệm của Bắc Giang là có thể di dời doanh trại quân đội, bộ đội có thể hành quân đi chỗ khác để nhường chỗ cho người dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói. 

Thủ tướng đánh giá tốt khi Bình Dương đã chuyển biến được 4 huyện đảm bảo tiêu chí “vùng xanh”. Hiện nay công tác chống dịch tập trung và 3 đô thị phía nam là Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, trong đó đặc biệt là tại 15 phường đang được “khóa chặt, đông cứng”. 

 
Bình Dương phải phấn đấu cố gắng kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất có thể, chậm nhất tới 15/9 phải kiểm soát được tình hình theo quy định của Bộ Y tế. 

Thủ tướng đề nghị Bình Dương phải chuẩn bị tốt các trạm xá lưu động, các trung tâm an sinh xã hội và lấy các xã, phường để làm “pháo đài” chống dịch. Trong đó, cần có các kênh tiếp nhận và xử lý thông tin yêu cầu hỗ trợ của người dân một cách kịp thời. 

Đồng thời nhấn mạnh Bình Dương đã quyết tâm rồi phải có quyết tâm cao hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết rồi phải đoàn kết hơn nữa, đã phối hợp chặt chẽ rồi phải chặt chẽ hơn nữa, đã có kết quả rồi phải đạt kết quả cao hơn nữa.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bình Dương phấn đấu cố gắng kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất có thể, chậm nhất tới 15/9 phải kiểm soát được tình hình theo quy định của Bộ Y tế, nhanh chóng đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép. Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất an toàn, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi  cam kết với Thủ tướng và đoàn công tác, tỉnh sẽ nỗ lực cao nhất để đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới vào ngày 15/9 và trong quý IV sẽ ổn định và phát triển trở lại.

XIN HỖ TRỢ KINH PHÍ, THIẾT BỊ, VẬT TƯ Y TẾ VÀ VACCINE

Báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, cho biết toàn tỉnh hiện có 86.050 ca F0 và 47.800 người đã khỏi bệnh. Tỉnh đang triển khai đợt xét nghiệm cho 1,5 triệu người, qua đó phát hiện hơn 41.000 F0 trong cộng đồng và 323 ca trong 130 công ty.

Thủ tướng đã tới kiểm tra tình hình ứng trực của trạm y tế lưu động phường Bình Chuẩn, một "vùng đỏ" dịch Covid-19 tại thành phố Thuận An (Ảnh VGP).
Thủ tướng đã tới kiểm tra tình hình ứng trực của trạm y tế lưu động phường Bình Chuẩn, một "vùng đỏ" dịch Covid-19 tại thành phố Thuận An (Ảnh VGP).

Hiện tỉnh đang chuẩn bị kịch bản cho 150.000 ca F0. Với số ca F0 cực lớn thì Bình Dương thiếu rất nhiều thứ, từ nhân lực, thiết bị, vaccine và cả kinh phí.

 
Để kiểm soát được dịch bệnh, Bình Dương kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ cho tỉnh 7.652 tỷ đồng, hỗ trợ trang thiết bị y tế, nhân lực và phân bổ thêm vaccine.

UBND tỉnh Bình Dương ước tính cần tới 12.242 tỷ đồng chi phí chống dịch cho kịch bản có 150.000 ca F0. Đây là một số tiền rất lớn, trong đó Bình Dương mới cân đối được gần một nửa nên kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ cho tỉnh 7.652 tỷ đồng.

UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị trường hợp cấp bách thì cho phép địa phương được điều chỉnh giảm dự toán chi đầu tư phát triển và nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng để bổ sung kinh phí kịp thời cho phòng chống dịch.

Thời gian tới, nhiều đoàn chi viện cho Bình Dương kết thúc đợt hỗ trợ trong khi số ca Covid-19 đang tăng nên tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn. Bình Dương cần 100 trạm y tế lưu động (mỗi trạm cần 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng) để ứng cứu cho người dân nhưng đang thiếu nhân lực nên đề nghị Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các tỉnh, thành bạn chi viện.

Bình Dương hiện đã tiêm vaccine cho hơn 806.000 người trên tổng số  2,5 triệu dân. UBND tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị Chính phủ phân bổ thêm vaccine để đủ tiêm cho khoảng 2 triệu người ở các khu vực "vùng đỏ" và hỗ trợ thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và các trang thiết bị y tế khác.

Về đề xuất hỗ trợ thêm nhân lực của địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế sẽ hỗ trợ thêm nhưng địa phương cũng phải tiết kiệm nhân lực, điều phối, sử dụng có hiệu quả nhất.

Về nguồn vaccine, Bộ Y tế tiếp tục ưu tiên vaccine và thuốc điều trị cho Bình Dương. Về công tác tiêm vaccine Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tập trung tiêm ngay và tiêm nhanh cho các vùng đỏ, cho người trên 50 tuổi. Phải tiêm nhanh nhất, bảo đảm an toàn nhất cho người dân.

 

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Thủ tướng và đoàn công tác đã tới thị sát các cơ sở điều trị Covid-19 tại thành phố Thuận An theo phương châm đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn; kiểm tra công tác đáp ứng các nhu cầu thiết yếu nhất cho cuộc sống nhân dân ngay tại xã, phường theo tinh thần "không để ai thiếu ăn, thiếu mặc".

Thủ tướng đến kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh và chống dịch tại Công ty TNHH Saigon Stec (Ảnh:VGP).
Thủ tướng đến kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh và chống dịch tại Công ty TNHH Saigon Stec (Ảnh:VGP).

Thủ tướng cũng tới thăm Công ty TNHH Saigon Stec tại thành phố Thủ Dầu Một, doanh nghiệp chuyên cung cấp module máy ảnh cho máy tính bảng, điện thoại và là Công ty đang thực hiện có hiệu quả mô hình “3 tại chỗ”.

Cũng trong buổi sáng này, theo chỉ đạo của Thủ tướng, 3 đoàn công tác khác của Trung ương đã làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tập trung kiểm tra, giám sát, thúc đẩy, động viên các cơ sở, xã, phường, nhà máy trong phòng chống dịch.

Triển khai Công điện 1099 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Dương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với yêu cầu: Người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở yên đó” tại 11 phường của thành phố Thuận An, thị xã Tân Uyên (từ 22/8) và 4 phường của thành phố Dĩ An (từ 23/8); 4 huyện thuộc “vùng xanh” thực hiện Chỉ thị 16, các khu vực khác thực hiện Chỉ thị 16+.

Bình Dương thực hiện phân loại các địa phương vùng xanh, vàng, đỏ trên bản đồ Covid-19. Theo đó, các địa phương “vùng đỏ” phải tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, cách ly sớm, thu hẹp phạm vi có dịch, dập dịch nhanh nhất có thể. Các địa phương “vùng vàng” (thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng) phải chủ động, quyết liệt, khẩn trương làm sạch các ca F0, giảm thiểu thấp nhất F1, F2 để nhanh chóng chuyển thành vùng xanh. Những nơi đang là “vùng xanh” (các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên) phải quyết tâm giữ vững và bảo vệ bằng được để sớm ổn định tình hình, đồng thời làm cứ địa, vùng đệm vững chắc cho các địa phương khác.