08:03 09/12/2023

Tài chính bền vững cho đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

Chương Phượng

BIOFIN là sáng kiến toàn cầu của UNDP nhằm phát triển và thực hiện cách tiếp cận mới về tài chính đa dạng sinh học. Tại Việt Nam, dự án BIOFIN đang thử nghiệm các giải pháp tài chính sáng tạo cho bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường cơ chế tài chính cho đồng quản lý nguồn lợi thủy sản tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau và huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận); Hòn Yên (Phú Yên)...

Ngư dân Bình Thuận đồng quản lý nguồn lợi và khai thác hải sản.
Ngư dân Bình Thuận đồng quản lý nguồn lợi và khai thác hải sản.

Phát biểu tại hội thảo “Tài chính bền vững cho tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản” diễn ra hôm 7/12 vừa qua, lãnh đạo Cục Thủy sản cho biết Luật Thủy sản 2017 ra đời, trong đó quy định “Đồng quản lý là phương thức quản lý, trong đó Nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm với tổ chức cộng đồng tham gia quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.

THÚC ĐẨY MÔ HÌNH ĐỒNG QUẢN LÝ

Trong Luật Thủy sản cũng khẳng định: “Tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản là tổ chức do các thành viên tự nguyện tham gia, cùng nhau quản lý, chia sẻ lợi ích, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực địa lý xác định, có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và giao quyền tham gia đồng quản lý”.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Từ năm 2018, UNDP thông qua Chương trình tài trợ nhỏ (UNDP/GEF-SGP) đã hỗ trợ thành lập hơn 10 mô hình đồng quản lý, trong đó phải kể đến các mô hình tại huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. UNDP đã hỗ trợ thành lập theo Luật Thủy sản ba tổ chức cộng đồng tại 3 xã Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam.

Cho đến nay, sau 5 năm hoạt động, các tổ chức cộng đồng đã xây dựng được Quy chế hoạt động, cơ chế phối hợp, thành lập Quỹ cộng đồng, vận hành Quỹ quay vòng vốn và vẫn đang duy trì được các hoạt động đồng quản lý bao gồm hội họp, phân công nhiệm vụ giữa các thành viên, tổ chức tuần tra trên biển, phát triển các hoạt động sinh kế như nuôi sò lông, rong biển…

Ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận, cho rằng ngư dân phải được đóng vai trò chủ thể trong đồng quản lý. Trên thực tế, trong giai đoạn 2022-2023, cộng đồng ở Hàm Thuận Nam đã huy động thành công khoảng 1,6 tỷ đồng từ các tổ chức tư nhân tại địa phương và UBND xã cho việc bảo vệ và phục hồi tài nguyên biển như thả phao và thả rạn san hô nhân tạo. Các hỗ trợ trong thời gian qua đều nhằm mục tiêu tăng cường năng lực tổ chức cho các tổ chức cộng đồng, đặc biệt là trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính cho các hoạt động.

TIẾP CẬN MỚI VỀ TÀI CHÍNH CHO BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN

Theo Hội nghề cá tỉnh Phú Yên, tại quần đảo danh thắng san hô Hòn Yến, Dự án Tài chính đa dạng sinh học (BIOFIN) cũng đang hỗ trợ xây dựng cơ chế thu phí mới từ các hoạt động du lịch sinh thái – cộng đồng để trích lập 15% doanh thu du lịch cho các hoạt động đồng quản lý bảo tồn san hô của Tổ hợp tác dịch vụ và sinh thái Hòn Yến.

BIOFIN là sáng kiến toàn cầu của UNDP nhằm phát triển và thực hiện cách tiếp cận mới về tài chính đa dạng sinh học. Tại Việt Nam, dự án BIOFIN đang tích cực hướng tới các giải pháp tài chính sáng tạo cho bảo tồn đa dạng sinh học, tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Bình Thuận; tăng cường cơ chế tài chính cho đồng quản lý tại Hàm Thuận Nam, Bình Thuận và phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng tại Hòn Yên, Phú Yên...  

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các cộng đồng ngư dân và chính quyền địa phương tại các tỉnh Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh. Đồng thời nêu ra những thách thức và cơ hội về tài chính để duy trì và phát triển các mô hình đồng quản lý, cũng như những vấn đề về cơ chế chính sách liên quan, nhằm mục tiêu cải thiện hoạt động của các mô hình này.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định những thành công trong việc duy trì tính bền vững của các mô hình đồng quản lý và phát triển sinh kế cho người dân địa phương là bằng chứng sống động cho thấy việc trao quyền đồng quản lý cho cộng đồng là rất đúng đắn. Sự tham gia chủ động của cộng đồng, với hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chuyên môn và chính quyền, huy động nguồn lực từ khu vực công và tư nhân là động lực thúc đẩy những thay đổi tích cực trong việc duy trì và bảo vệ chất lượng của các hệ sinh thái biển.

Vì vậy, trong khuôn khổ sáng kiến Tài chính đa dạng sinh học (BIOFIN), UNDP mong muốn rà soát việc triển khai các mô hình đồng quản lý tại Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, để giúp đưa ra khuyến nghị về một cơ chế tài chính lâu dài cho đồng quản lý. BIOFIN đã và đang thúc đẩy các cơ chế hợp tác công – tư, tăng cường năng lực hoạt động và lập kế hoạch của cộng đồng, động viên sự tham gia và đóng góp của người dân và các tổ chức địa phương để duy trì các nguồn tài chính cho các hoạt động đồng quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học tại đây.

Trong thời gian tới, UNDP sẽ tiếp tục có các hỗ trợ tập trung vào việc tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng ven biển thông qua việc phục hồi các hệ sinh thái ven biển, các mô hình sinh kế du lịch sinh thái, dựa vào thiên nhiên để chuyển đổi nền kinh tế và ngành du lịch địa phương của Việt Nam theo hướng bền vững hơn cả về mặt sinh thái và xã hội).