11:02 21/04/2015

Lãi suất, nợ xấu... dưới góc nhìn Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân

Nguyễn Lê

Chính sách tiền tệ thêm một lần được đề cập tại không ít tham luận của Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015

Phiên thảo luận sáng 21/4 tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, tổ chức ở thành phố Vinh, Nghệ An.<br>
Phiên thảo luận sáng 21/4 tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, tổ chức ở thành phố Vinh, Nghệ An.<br>
Luôn nóng tại các diễn đàn do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức, chính sách tiền tệ thêm một lần được đề cập tại không ít tham luận của Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, khai mạc sáng nay (21/4) tại thành phố Vinh, Nghệ An.

Khả năng giảm lãi suất đang mở


Dưới góc nhìn của Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Hà Huy Tuấn thì ở năm 2014 “có thể nói việc điều hành lãi suất đã tương đối thành công”.

Lãi suất được điều hành một cách linh hoạt không những tạo điều kiện kéo mặt bằng lãi suất về bằng giai đoạn 2005 – 2006, đẩy mạnh sản xuất mà còn được sử dụng linh hoạt để duy trì tỷ giá và ổn định thị trường nội tệ, ông Tuấn phân tích.

Theo ông, trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát tốt và có thể ở mức 5% vào cuối năm, giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm, việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản cũng như lãi suất và tỷ giá trong năm 2015 cần được xem xét điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu lạm phát. 

TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia nhận định, mức lạm phát thấp năm 2014 và quý 1/2015 đang mở ra khả năng tiếp tục giảm thêm lãi suất điều hành để hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, ông Ân cũng cho rằng các cơ hội đầu tư khác đang mở ra như bất động sản, vàng… khó khăn thanh khoản của một bộ phận tổ chức tín dụng thuộc diện yếu kém phải cơ cấu lại, biến động tỷ giá của USD… sẽ buộc Ngân hàng Nhà nước phải rất thận trọng trong việc giảm lãi suất.

Ông dự báo, mức giảm lãi suất có thể chỉ khoảng 0,5-1% trong 2015. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ cố giữ cam kết chỉ điều chỉnh tỷ giá không quá 2% cho năm 2015, nghĩa là trần tỷ giá đến cuối 2015 sẽ dưới 22.000 VND/USD.

VAMC "tiềm ẩn nhiều rủi ro"


Cũng bình luận về thị trường tài chính - tiền tệ, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận, ngoài những điểm nhấn về sự ổn định thị trường, khó khăn nói chung vẫn nằm ở khâu tái cơ cấu hệ thống các tô chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của tổ chức VAMC tại Việt Nam có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình xử lý nợ xấu, ông Thiên dẫn nhận định của chuyên gia Ngô Trí Long.
 
Cụ thể hơn, TS. Trần Đình Thiên phân tích, cơ chế hoạt động của một tổ chức như VAMC ở các quốc gia khác thực chất là Nhà nước bỏ tiền ra mua nợ, ôm khoản nợ đó một thời gian, sau đó khi kinh tế phục hồi, thị trường tài chính, bất động sản ấm lên sẽ bán ra thị trường.

Nhưng, ông Thiên lập luận, VAMC của Việt Nam không như vậy. VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, được mang giao dịch với Ngân hành Nhà nước để vay tiền. Bán nợ, cầm giấy, ngân hàng vẫn phải tiếp tục đòi nợ và mỗi năm, trích dự phòng rủi ro bằng 20% tổng giá trị tờ giấy cầm ấy. Hiện VAMC đang gặp khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo thông qua đấu giá.

“Như vậy, hoạt động của thị trường tài chính - tiền tệ nói chung có sự ổn định hơn trong năm 2014 so với hai năm trước đó. Nhưng đó dường như chỉ là biểu hiện bề ngoài, còn ẩn sâu trong tổ chức quản trị, giám sát trên toàn hệ thống vẫn tồn tại nhiều điểm yếu, rõ ràng nhất là xu hướng gia tăng nợ xấu, xử lý nợ xấu mang tính cơ học, phi thị trường”, ông đánh giá.

Cũng liên quan đến nợ xấu, chuyên gia Lê Đình Ân nhìn nhận, việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng có tín hiệu tích cực hơn, khi một mặt Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức 80.000 tỷ trái phiếu đặc biệt cho VAMC kỳ hạn 5 năm, để mua lại nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Đồng thời cơ quan này cũng đã trình Chính phủ phê duyệt những bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VAMC để tạo điều kiện xử lý thuận lợi hơn khối nợ xấu mua được, nhằm đạt mục tiêu đưa nợ xấu xuống dưới 3% trong 2015.