Tăng cường kết nối và phát huy vai trò các tổ chức công – tư trong việc đảm bảo an toàn cho lao động nữ di cư
Cần tăng cường hơn nữa phối hợp của của các tổ chức công - tư nhằm hỗ trợ hiệu quả các cơ quan nhà nước trong việc thực thi các công tác về lao động di cư, đặc biệt là đảm bảo an toàn hơn cho lao động di cư...
Lao động di cư là một vấn đề tất yếu trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam, đặc biệt khi quá trình toàn cầu hóa, hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng. Lao động nữ di cư đang góp phần cải thiện đáng kể vấn đề kinh tế cá nhân, kinh tế hộ gia đình, cũng đồng thời nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
Tuy nhiên, hành trình di cư của lao động nữ đi làm việc tại nước ngoài nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và không được kiểm soát, hỗ trợ tốt, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng tới sự an toàn của người lao động, thậm chí phát sinh các vấn đề lớn hơn, ảnh hưởng tới địa phương và quốc gia.
Đây là những vấn đề được đề cập và phân tích tại Tọa đàm Di cư an toàn cho phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài làm việc trong lĩnh vực chăm sóc và giúp việc gia đình do Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và Dân số, Viện Phát Triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng chủ trì tổ chức. Tọa đàm là một hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác với chương trình Định hình di cư theo định hướng phát triển của tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ).
Đại diện các tổ chức, các địa phương có số lượng lao động di cư lớn và các chuyên gia về kinh tế, lao động, di cư, xã hội và phụ nữ tham dự Tọa đàm đã đề cập và bàn thảo các vấn đề cốt lõi, cũng đồng thời nêu ra các vấn đề mới của lao động di cư hiện nay và xu hướng thời gian tới.
Ý kiến các chuyên gia đều cho rằng lao động nữ di cư là một xu hướng tất yếu, là nhu cầu chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, thực tế lao động nữ của Việt Nam di cư làm các công việc chăm sóc và giúp việc gia đình phần lớn còn thiếu nhiều kiến thức và kỹ năng cả về chuyên môn và kỹ năng đảm bảo an toàn cho bản thân tại nơi làm việc.
Hầu hết số lao động nữ di cư làm công tác giúp việc gia đình đều từ các vùng quê nghèo, điều kiện kinh tế hộ gia đình khó khăn, kiến thức nhận biết về thế giới còn thiếu, chưa có kỹ năng lao động tương tác với thiết bị hiện đại. Mục tiêu lớn nhất của việc quyết tâm di cư là thoát nghèo và mang lại điều kiện học tập tốt hơn cho con cái.
Các chuyên gia cũng nhận định các vấn đề từ thực tiễn hiện nay là ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ khiến sinh kế của người dân tại các vùng quê và miền núi càng trở nên khó khăn, nghèo đói, đây là nỗi sợ thường trực của người dân, nhất là người phụ nữ.
Những vấn đề này cũng sẽ là yếu tố tác động tới tỷ lệ gia tăng số người di cư đi nước ngoài làm việc hiện nay và thời gian tới. Do đó, các cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương, cũng như các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế cần quan tâm hơn nữa nhằm thực thi các hoạt động phù hợp và hiệu quả, đảm bảo an toàn hơn cho lực lượng lao động di cư này.
Do tính chất các công việc chăm sóc và giúp việc gia đình đòi hỏi lao động nữ di cư phải làm việc trong các môi trường có tính biệt lập cao. Vì thế, công tác tư vấn hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng cho người lao động cần được đảm bảo đầy đủ hơn trước khi người lao động di cư đi làm việc.
Ngoài ra, cũng cần thiết thiết lập sự kết nối các tổ chức công – tư nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp trợ giúp người lao động trong quá trình làm việc tại nước ngoài, nhất là các vấn đề phát sinh cần can thiệp gấp, tránh những đáng tiếc xảy ra.
Từ các phân tích, đánh giá những vấn đề hiện trạng, các chuyên gia cũng bàn thảo các giải pháp nhằm tăng cường công tác đảm bảo hơn nữa hoạt động lao động di cư của người phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài làm việc.
Về chủ thể lao động, các chuyên gia đều cho rằng đầu tiên phải là người lao động bảo vệ chính mình. Do đó, các đơn vị tiếp xúc đầu tiên với người lao động khi có nguyện vọng di cư cần nhận biết, đánh giá hiện trạng nhận thức, kiến thức để từ đó có hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp và hiệu quả.
Về các quy định chính sách của nhà nước, luật 69 của Quốc hội khóa 14 năm 2020 – Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đã cập nhật đầy đủ và tiến bộ. Tuy nhiên, quá trình thực thi cần tăng cường hiệu quả hơn nữa nhất là hoạt động kiểm tra, giám sát các đơn vị phái cử (doanh nghiệp tuyển dụng và cung cấp dịch vụ đưa lao động đi nước ngoài làm việc).
Về sự hợp tác và trợ giúp của các đối tác quốc tế và các tổ chức phát triển xã hội: Thời gian qua, các đối tác quốc tế lớn như tổ chức lao động quốc tế (ILO), tổ chức di cư quốc tế (IOM), tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã hỗ trợ từ cả cấp chính phủ và triển khai nhiều hoạt động với các địa phương về công tác lao động di cư.
Các chuyên gia cho rằng cần tăng cường hơn nữa phối hợp của của các tổ chức này nhằm hỗ trợ hiệu quả các cơ quan nhà nước trong việc thực thi các công tác về lao động di cư, đặc biệt là đảm bảo an toàn hơn cho lao động di cư.
Ngoài ra, tại Tọa đàm các chuyên gia cũng đặt ra các vấn đề làm thế nào để phát huy kiến thức kỹ năng chuyên môn mà người lao động có được từ quá trình di cư làm việc tại nước ngoài về trở lại làm việc tại quê hương. Vấn đề này cần được các địa phương và các cơ quan quản trung ương quan tâm. Nếu thúc đẩy hiệu quả vấn đề này, giá trị từ lao động di cư sẽ được phát huy tốt hơn nữa.