15:23 16/12/2023

Thu nhập không đủ chi tiêu, 10% lao động nữ di cư phải đi vay nợ

Phúc Minh

Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống và thiếu tích lũy, khiến gần 40% lao động nữ di cư chọn thắt chặt chi tiêu bằng cách cắt giảm các khoản không cần thiết như ăn uống, giải trí; thậm chí khoảng 10% phải vay mượn từ người thân, bạn bè, các tổ chức tín dụng khi gặp khó khăn về tài chính…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là một trong những thông tin được đề cập trong Khảo sát thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con cái của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, do Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện từ tháng 5-7/2023 vừa được công bố.

Khảo sát được thực hiện với 1.000 lao động nữ nhập cư đang nuôi con nhỏ và lao động nữ địa phương, cán bộ công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động tại 30 doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, TP. HCM, Đồng Nai, Bình Phước, An Giang, Công đoàn Dệt may Khu vực phía Nam.

Kết quả khảo sát cho thấy, lao động nữ di cư chủ yếu làm việc trong lĩnh vực dệt may, da giày, chiếm đến 67%; ngoài ra là ở lĩnh vực sản xuất điện, điện tử; xây dựng như giao thông – vận tải. Đa số lao động nữ di cư là công nhân trực tiếp sản xuất (chiếm 80,5%).

Phần lớn lao động nữ di cư được khảo sát có thời gian gắn bó với nơi làm việc khá dài. Gần 40% đã làm việc tại doanh nghiệp dưới 5 năm; 32% làm việc từ 5 năm đến 10 năm; 16% làm việc từ 10-15 năm; 11,9% làm việc từ 15 năm trở lên.

Về thu nhập, có khoảng 50% lao động được trả tiền lương từ 5-7 triệu đồng/tháng (chủ yếu là lao động trực tiếp, lao động phục vụ); 18,8% được trả lương từ 7-9 triệu đồng/tháng (thường nằm ở đối tượng là cán bộ công chức, hành chính), và chỉ 11% được trả lương từ 9 triệu đồng trở lên, đa phần là cán bộ lãnh đạo phòng, quản lý phân xưởng.

Ngoài ra có các khoản thu nhập khác như tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ giữ trẻ, nuôi con nhỏ (dao động từ 600.000 – 1 triệu đồng/tháng).

Về chi tiêu, 17,7% lao động nữ di cư đánh giá không đủ trang trải cuộc sống (tập trung nhiều nhất là công nhân làm việc trực tiếp, chiếm gần 20%); 40% phải tằn tiện, chi tiêu mới đủ trang trải; 38,7% chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày chứ không đủ tích lũy và chỉ 3,7% đủ tích lũy.

Để khắc phục, gần 40% lao động nữ chọn thắt chặt chi tiêu bằng cách cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết, như ăn uống, giải trí…; khoảng 10% lao động lựa chọn cách vay mượn từ người thân, bạn bè, các tổ chức tín dụng khi gặp khó khăn về tài chính.

Cùng với đó, lao động nữ cũng đối mặt với nhiều khó khăn do khoán sản phẩm, định mức lao động; thời gian làm việc căng thẳng, áp lực. Có 26,6% phải làm thêm giờ do thu nhập thấp; 18,3% có môi trường làm việc chưa an toàn (tiếng ồn, nóng, ô nhiễm…); 57,1% có thu nhập bị sụt giảm; 17,9% không có việc làm thường xuyên...

Lao động nữ làm việc trong nhà máy may. Ảnh - N.Dương.
Lao động nữ làm việc trong nhà máy may. Ảnh - N.Dương.

Về những mong muốn của lao động nữ di cư, khảo sát cho thấy, có 55,3% muốn làm việc đến tuổi nghỉ hưu theo quy định; và có đến gần 45% muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Trong đó, lý do chính khi nhận bảo hiểm xã hội một lần phần lớn là muốn có một khoản cho gia đình, số này chiếm gần 70%; vì cuộc sống ở đây bấp bênh, không tin tưởng có thể lưu trú lại nơi này và làm việc chiếm 28,5%; vì nhận một lần có hợi hơn, chiếm 10,4%; lý do khác chỉ chiếm chưa đầy 2%.

Cũng theo kết quả khảo sát đối với người sử dụng lao động, có 66,7% cho biết tại doanh nghiệp có tình trạng người lao động muốn nghỉ việc để rút bảo hiểm xã hội một lần.

Lý do được người sử dụng lao động đưa ra về tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là do suy giảm khả năng lao động (37,5%); do muốn về quê sinh sống (40,6%); do xa con, xa gia đình (34,4%); do không có niềm tin vào tương lai (31,3%); do thu nhập quá thấp không có tích lũy (28,1%); do điều kiện sống quá thấp (6,3%).

Bên cạnh đó, còn có lí do chưa hiểu rõ về chính sách bảo hiểm, công nhân lao động cho rằng tuổi đời còn trẻ nên không thể chờ thời gian được hưởng bảo hiểm xã hội quá lâu; do chuyển đổi công việc...

Trước thực trạng đời sống, việc làm của lao động nữ di cư còn nhiều khó khăn, Ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) kiến nghị chính quyền địa phương nơi người lao động làm việc cần áp dụng các ưu đãi về chính sách của địa phương đến những gia đình công nhân đang ở trọ.

Cùng với đó, cần quan tâm giúp đỡ người lao động trong quá trình tạm trú tại địa phương; có chính sách đảm bảo an ninh trật tự tại các khu nhà trọ; hỗ trợ xây các nhà trẻ cho công nhân lao động gửi con với học phí thấp; xây dựng nhà ở phúc lợi cho công nhân có thu nhập thấp; hạn chế nạn tín dụng đen...

Đồng thời, cũng cần ban hành các chính sách hỗ trợ thêm cho lao động nữ nhập cư (tiền nhà trọ, cho thuê nhà trọ giá rẻ, tiền học phí…). Ngoài ra, địa phương cũng có thể phối hợp với các cơ quan, công đoàn hỗ trợ lao động nữ di cư với nhiều chính sách khác...