17:30 22/05/2024

Lao động nữ còn chiếm phần lớn trong các ngành thâm dụng lao động

Thu Hằng

Lao động nữ vẫn chiếm phần lớn trong các ngành nghề thâm dụng lao động, ở các vị trí giản đơn, vì thế có nhiều nguy cơ mất việc do không đáp ứng được yêu cầu đổi mới về khoa học, công nghệ. Mức thu nhập bình quân của họ cũng thấp hơn so với nhóm lao động nam...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội báo cáo về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

CHỈ SỐ XẾP HẠNG VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TĂNG 11 BẬC

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cho biết đến cuối năm 2023 có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt 1 phần so với mục tiêu đề ra đến năm 2030, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.

Đến nay, tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50,9% (đạt mục tiêu 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030). Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2020 là 28,2%, đạt mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 14/30 cơ quan, đạt 46,67%. Có 47/63 chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt 74,6%. Chỉ tiêu này đạt một phần so với mục tiêu.

Về tỷ lệ nữ thạc sĩ, tiến sĩ, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số công chức, viên chức có trình độ thạc sĩ đạt 47%; tỷ lệ nữ tiến sĩ trên tổng số tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở giáo dục là 39%.

Đáng chú ý, tỷ lệ người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản là trên 70%. Số người gây bạo lực gia đình bị chịu các hình thức xử lý là trên 75%.

Năm 2023 số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ bằng 1,78 lần so với nam giới, tiệm cận với mục tiêu đề ra đến 2025 là 1,7 lần.

Cũng trong năm 2023, theo báo cáo của địa phương, có khoảng 93,3% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới, tiệm cận với mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Ảnh: Quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Ảnh: Quochoi.vn.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lĩnh vực bình đẳng giới ngày càng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Quốc hội chú trọng việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua.

Chính phủ đã tích cực, chủ động chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án về bình đẳng giới. Các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chiến lược, chương trình phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị. Với những nỗ lực đó, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.

QUAN TÂM BỐ TRÍ KINH PHÍ CHO HOẠT ĐỘNG VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

Trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, cho biết mặc dù đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, song công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Trong đó, tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị chưa tương xứng với trình độ, năng lực của phụ nữ hiện nay, và chưa đạt được chỉ tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu 1 của Chiến lược đến năm 2025 không đạt.

Đặc biệt, lao động nữ còn chiếm phần lớn trong các ngành nghề thâm dụng lao động, trình độ chuyên môn thấp, nhiều nguy cơ mất việc do không đáp ứng được yêu cầu đổi mới về khoa học, công nghệ, hoặc làm việc trong khu vực phi chính thức, thu nhập bình quân thấp hơn so với lao động nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa giảm, chỉ tiêu này cũng khó đạt vào năm 2025. “Điều này sẽ dẫn tới những hậu quả về xã hội và nhân khẩu học, là một trong những nguyên nhân gây bất bình đẳng giới”, bà Nguyễn Thúy Anh nhìn nhận.

Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp.

Các chính sách, quy định của các dự án luật khi trình Quốc hội chủ yếu trung tính về giới, chưa tính đến sự khác biệt giới để đề xuất các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Một số quy định của Luật Bình đẳng giới còn thiếu sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, vấn đề bình đẳng giới hiện đang đứng trước rất nhiều thách thức. Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi.

Phụ nữ Việt Nam chiếm 57,82% dân số cao tuổi và có tỷ lệ cao hơn so với nam giới là người cao tuổi ở tất cả các nhóm tuổi, nhóm tuổi càng cao thì tỷ lệ phụ nữ càng lớn. Phụ nữ cao tuổi có nguy cơ bị phân biệt đối xử nhiều hơn nam giới, khi tỷ lệ không có lương hưu, độc lập về tài chính khi về già của phụ nữ là cao hơn nam giới.

Thách thức nữa là khoảng cách giới về việc làm trong thời đại công nghệ số và mức thu nhập. Cách mạng công nghiệp 4.0 bên cạnh những thuận lợi thì người lao động đối diện với nhiều thách thức về việc làm, đặc biệt là lao động nữ.

Trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tỷ lệ qua đào tạo nghề, tiếp cận với công nghệ và kỹ thuật của lao động nữ thấp hơn đáng kể so với nam giới, thì cơ hội việc làm đối với họ ngày càng trở nên khó khăn hơn…

Với những thực tế được đề cập, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ triển khai có hiệu quả các đề án, chính sách, giải pháp để giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh; thích ứng với già hóa dân số, công nghệ số, thu nhập, việc làm, biến đổi khí hậu và giảm khoảng cách giới.

Đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động, nội dung về bình đẳng giới, lập ngân sách có trách nhiệm giới trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nâng cao chất lượng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; ban hành các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới để xóa bỏ mọi phân biệt đối xử về giới, tiến tới bình đẳng giới thực chất…