Đảm bảo an toàn cho lao động nữ di cư ra nước ngoài làm việc
Ước tính lao động nữ chiếm khoảng 30 - 40% trong tổng số người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài trong năm 2023...
Ước tính có khoảng 650.000 người đang làm việc ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, thị trường lớn nhất là Nhật Bản với khoảng 300.000 người; tiếp sau là Đài Loan (Trung Quốc), khoảng 260.000 người; Hàn Quốc khoảng 50.000 người. Số lao động còn lại ở các thị trường châu Âu, Trung Đông, Malaysia.
Đây là thông tin tại Tọa đàm Di cư an toàn cho phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài làm việc trong lĩnh vực chăm sóc và giúp việc gia đình do Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số do Viện Phát Triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng chủ trì tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội.
HÀNH TRÌNH NHIỀU THÁCH THỨC
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Nii Anddy, Giám đốc Chương trình Định hình tái định cư - định hướng phát triển của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), cho biết chỉ tính riêng năm 2023, đã có 160.000 người Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, trong đó, phụ nữ chiếm từ 30 - 40% trong số này và một phần đáng kể trong số những phụ nữ này làm việc trong lĩnh vực chăm sóc và giúp việc gia đình.
"Di cư để làm việc đã trở thành một phương tiện sinh kế thiết yếu và là cửa ngõ dẫn đến cơ hội tốt hơn cho nhiều lao động, bao gồm cả lao động nữ của Việt Nam," ông Anddy nhấn mạnh. "Đặc biệt là những người phụ nữ này đang nỗ lực trở thành trụ cột kinh tế của gia đình."
TS. Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, cũng nhận định rằng Việt Nam đang là thị trường đưa người lao động đi nước ngoài làm việc lớn nhất trong khu vực, tạo ra cơ hội lớn cho phụ nữ thay đổi cuộc sống, thu nhập. Tham gia thị trường lao động nước ngoài, bên cạnh cải thiện thu nhập, người phụ nữ còn được mở mang tầm nhìn, giao tiếp và gia tăng cơ hội trong cuộc sống.
Tuy nhiên, theo ông Anddy, mặc dù di cư mang lại cơ hội để tăng cường tính độc lập về kinh tế của phụ nữ nhưng hành trình này cũng đầy thách thức. Cụ thể, họ có thể đối diện với những rủi ro tiềm ẩn bao gồm bóc lột, lạm dụng và tiếp cận không đầy đủ các chính sách, pháp luật cũng như dịch vụ hỗ trợ.
"Di cư từ lâu đã là con đường cho các cơ hội kinh tế tốt hơn, nhưng nó cũng phải là con đường an toàn và đảm bảo phẩm giá cho các cá nhân, đặc biệt là phụ nữ," ông Anddy nhấn mạnh.
NHỮNG HỖ TRỢ ĐỂ ĐẢM BẢO AN TOÀN
"GIZ mong muốn được đồng hành trong các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy di cư an toàn và công bằng, đặc biệt là đối với phụ nữ - những người dễ bị tổn thương hơn trong bối cảnh này."
Tọa đàm là một hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác với chương trình Định hình di cư theo định hướng phát triển của Tổ chức GIZ. "Chúng tôi kỳ vọng toạ đàm là dịp để các bên liên quan, các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các đối tác quốc tế, chuyên gia chia sẻ kiến thức, xác định các cơ hội cải thiện và thảo luận về các khuyến nghị có thể thực hiện nhằm tăng cường hệ thống hỗ trợ trước, trong và sau khi di cư cho lao động nữ," ông Anddy bày tỏ.
Để hỗ trợ lao động nữ đi làm việc tại nước ngoài được hiệu quả hơn, bà Nguyễn Ngọc Thanh, Chuyên gia nghiên cứu lao động và chính sách, cho rằng cần tập trung vào 4 giải pháp.
Thứ nhất, bổ sung về chính sách của nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các chính sách được bổ sung nhằm bảo đảm cơ chế hỗ trợ của nhà nước trong cả quá trình trước, trong và sau khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về.
Thứ hai, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên cơ sở kế thừa quy định của luật hiện hành, phù hợp thực tiễn trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Luật số 69/2020/QH14 đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm, gồm có: Lôi kéo, dụ dỗ; phân biệt đối xử; xúc phạm danh dự...
Thứ ba, mở rộng đối tượng áp dụng của Luật và bổ sung quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
Thứ tư, nâng cao điều kiện hoạt động dịch vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cuối cùng, theo các chuyên gia, bản thân những người phụ nữ ra nước ngoài làm việc, nhất là ở các lĩnh vực như chăm sóc, giúp việc gia đình cũng cần chủ động trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức, để tránh được những rủi ro có thể xảy đến cũng như gia tăng cơ hội cải thiện công việc, thu nhập khi trở về Việt Nam.