Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Các đại biểu đều thể hiện sự nhất trí cao việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện Chương trình, yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về gửi tài liệu tại phiên họp…
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 28, chiều 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đánh giá khái quát việc thực hiện chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tính đến tháng 12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức thành công 2 kỳ họp thường lệ và 3 kỳ họp bất thường của Quốc hội; đã tiến hành 16 phiên họp, trong đó có 10 phiên họp thường kỳ, 1 phiên họp chuyên đề pháp luật, 2 phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp thứ 7 và 3 phiên họp khác; xem xét 181 nội dung (bao gồm 168 nội dung xem xét tại phiên họp, 13 nội dung xem xét, cho ý kiến bằng văn bản).
Các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều được xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện tại phiên họp hoặc được gửi xin ý kiến bằng văn bản, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao khi quyết định, tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.
Với những vấn đề lớn, quan trọng, còn ý kiến khác nhau liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét nhiều lần để bảo đảm sự thận trọng, kỹ lưỡng và kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo sát sao, bố trí nhiều cuộc làm việc với tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa” để nghe các cơ quan báo cáo về công tác chuẩn bị thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết, bảo đảm chất lượng trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2023 đã bảo đảm bám sát các nội dung trọng tâm đề ra, đồng thời, có sự linh hoạt và được cập nhật thường xuyên, kịp thời. Những nội dung được Chính phủ, các cơ quan đề nghị bổ sung vào Chương trình đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội xem xét với tinh thần hết sức khẩn trương, bảo đảm chất lượng, tuân thủ quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Chỉ rõ một số bất cập, hạn chế trong triển khai thực hiện Chương trình, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết đến tháng 12/2023, vẫn còn 11 nội dung đã có trong Chương trình công tác năm 2023, nhưng chưa được xem xét, phải chuyển sang năm 2024.
Trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ cụ thể còn một số nội dung chưa bảo đảm thời hạn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phải lùi so với dự kiến (do các cơ quan trình không chuẩn bị kịp tài liệu). Việc ban hành một số văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết nội dung được giao trong luật còn chưa bảo đảm tiến độ đề ra trong Chương trình công tác, chưa bảo đảm có hiệu lực đồng thời với luật.
Đề cập về dự thảo Nghị quyết chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết nguyên tắc xây dựng dự thảo Nghị quyết là tuân thủ đúng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình tự, thủ tục trong xem xét, quyết định, cho ý kiến về các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời bảo đảm tính toàn diện, khoa học, hợp lý trong việc bố trí các nội dung thuộc Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng trong việc xem xét, quyết định, cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nguyên tắc, cách thức xây dựng dự kiến Chương trình đồng thời cho rằng dự kiến Chương trình đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, trách nhiệm. Các nội dung được bố trí trong từng phiên họp đều thuộc thẩm quyền xem xét, cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đều là các nội dung cụ thể hóa từ các văn bản quan trọng, có tính chất định hướng trong thời gian tới, thực hiện theo các quy định của các luật, nghị quyết có liên quan…
Các đại biểu đều thể hiện sự nhất trí cao việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện Chương trình, yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về gửi tài liệu tại phiên họp.
Trong đó cần chú trọng về công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đạt chất lượng, đúng tiến độ, đảm bảo thời gian để Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra và các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có điều kiện nghiên cứu tài liệu kỹ lưỡng, góp phần nâng cao chất lượng phiên họp, kỳ họp…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc điều chỉnh Chương trình công tác năm 2023 là đương nhiên do dự kiến và thực tiễn khác nhau. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội tán thành ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần đánh giá việc điều chỉnh Chương trình quá nhiều. Các cơ quan hữu quan cần rút kinh nghiệm trong việc phối hợp, cần đốc thúc lẫn nhau để không xảy ra chậm trễ trong công tác này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban của Quốc hội cần rút kinh nghiệm, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ “tuy hai mà một” cần gần gũi, đốc thúc, nhắc nhở trong việc phối hợp. Đề nghị Chương trình công tác của Uỷ ban thường vụ quốc hội năm 2024 cần siết lại vấn đề này, truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan để xảy ra chậm trễ thì cần kiên quyết xử lý.
Chủ tịch Quốc hội thống nhất cần rà soát lại để xem xét nội dung nào chắc chắn thì đưa vào chương trình, nội dung nào không đảm bảo thì không đưa vào. Do đó, đề nghị cần tăng cường kỷ luật kỷ cương và các Ủy ban của Quốc hội phải bám sát các nội dung này. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Ủy ban Kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong thời gian qua dù rất nhiều công việc nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công việc. Đồng thời, đề nghị các Ủy ban cần rút kinh nghiệm và tích cực phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan của Chính phủ.
Quan tâm đến phiên họp tháng 1/2024, với công tác chuẩn bị như hiện tại, Chủ tịch Quốc hội cho rằng sẽ khó khăn cho công tác chuẩn bị Kỳ họp bất thường. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tinh thần phiên họp tháng 1/2024 là chỉ ưu tiên các nội dung liên quan đến kỳ họp bất thường, còn các nội dung khác lùi lại sang tháng 2/2024 như Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần ưu tiên tập trung vào các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu các nội dung này không kịp, không đảm bảo thì lùi lại đến Kỳ họp gần nhất.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội để chuẩn bị kỹ các nội dung, nếu chưa thống nhất thì tiếp tục họp để cho ý kiến. Đồng thời lưu ý nhanh chóng tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung cho kỳ họp bất thường vào tháng 1/2024.