Tăng cường quản lý và giám sát mã số vùng trồng, đóng gói nông sản xuất khẩu
Đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp để phục vụ xuất khẩu theo yêu cầu của các thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng là 40,8%, cơ sở đóng gói là 17%, những tỷ lệ này quá thấp so với yêu cầu thực tế…
Ngày 24/8/2023, tại Thành phố Lạng Sơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói”, nhằm tập trung đánh giá toàn diện thực trạng công tác quản lý mã số vùng trồng từ công tác cấp phát mã số, kiểm tra giám sát sau cấp, duy trì điều kiện của các vùng trồng và cơ sở đóng gói, từ đó chỉ ra những tồn tại và hạn chế cần khắc phục.
ĐÃ CÓ GẦN 7000 MÃ SỐ VÙNG TRỒNG
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Việt Nam đã tham gia hoặc đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do. Đây chính là điều kiện thuận lợi để giúp nông lâm thủy sản của Việt Nam tiếp cận được hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã tăng từ 27,4 tỷ USD năm 2013 lên 53,2 tỷ USD năm 2022, tăng trưởng trung bình 9,4%/năm.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho hay đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp, tập trung phần lớn vào các sản phẩm: xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng. Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
"Tham gia vào các FTA, đòi hỏi người dân và doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao đối với chất lượng, quy cách đóng gói các sản phẩm nông lâm thủy sản. Do đó, việc kiểm soát chất lượng ngay tại gốc đóng vai trò hết sức quan trọng”.
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng là 40,8%; cơ sở đóng gói là 17%. Con số này quá thấp so với yêu cầu thực tế cần phải giám sát hàng năm.
Thời gian gần đây, Cục Bảo vệ thực vật liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật (bao gồm các sản phẩm chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn… xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc) và có dư lượng hóa chất vượt quá quy định (sầu riêng, chôm chôm, ớt xuất khẩu sang Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay ớt đông lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc).
Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng sử dụng mã số chưa đúng; các tranh chấp về quyền sở hữu mã số vẫn còn diễn ra ở một vài nơi.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực thực hiện công tác cấp, quản lý và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp mã số; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái vi phạm nhiều lần.
Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp thông tin về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và truy xuất thuận tiện.
Đối với nông dân trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, theo dõi, giám sát và xử lý các loại sâu bệnh. Cơ sở đóng gói cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc, đầu tư trang thiết bị để thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tổ chức liên kết chuỗi sản xuất thực chất từ vùng trồng – cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật - doanh nghiệp xuất khẩu.
RÀ SOÁT VÙNG TRỒNG, TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT MÃ SỐ
Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đang duy trì thông quan hàng hóa tại 6 cửa khẩu (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng, Na Hình). Mặt hàng nông sản, trái cây chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt 3,1 tỷ USD, gồm xuất khẩu đạt 940 triệu USD, nhập khẩu đạt 2,160 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu nông sản đạt 1,7 triệu tấn, với tổng trị giá khoảng 705 triệu USD.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh thực hiện 2,95 tỷ USD, tăng 70,3% so với cùng kỳ năm trước, gồm xuất khẩu 1,62 tỷ USD; tăng 274,1% (nông sản xuất khẩu ước đạt 1,2 tỷ USD); nhập khẩu 1,325 tỷ USD, tăng 2,2%.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đề nghị các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu nông sản trên cả nước cần tăng cường công tác thông tin, phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan về tình hình thị trường, hoạt động xuất khẩu nông sản để chủ động, kịp thời điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời, cần đảm bảo hàng hóa khi xuất khẩu đáp ứng đầy đủ các quy định, yêu cầu của thị trường xuất khẩu về xuất xứ, chất lượng, bao bì đóng gói... để thông quan nhanh chóng, thuận lợi.
“Doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ việc lựa chọn, ủy thác hàng hóa, phương tiện cho các đại lý hải quan, tổ chức, cá nhân làm dịch vụ xuất, nhập khẩu đảm bảo đầy đủ điều kiện theo quy định pháp luật để góp phần tổ chức thực hiện tốt hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa”, ông Quỳnh khuyến nghị.
"Cần rà soát các vùng trồng đã cấp mã số. Không cấp mã số cho các vùng trồng nằm trong diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ (trừ trường hợp cây dược liệu dưới tán rừng theo quy định của pháp luật) … hoặc những vùng có nguy cơ sạt lở”.
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật phải tiếp tục đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu và để được các nước nhập khẩu cấp thêm các mã số mới cho hàng nông sản Việt Nam.
Cục Bảo vệ thực vật cần chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ địa phương về các quy định của nước nhập khẩu. Cùng với đó, phải phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
“Cần chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng. Phát hiện, xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không tuân thủ”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.
Đối với các địa phương, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện giám sát thường xuyên việc sơ chế, chọn lọc hàng hóa để đảm bảo không nhiễm sinh vật gây hại tại các nhà đóng gói đã được cấp mã số. Tăng cường giám sát mã số sau khi được cấp, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với các hàng hóa xuất khẩu.