Thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt thông qua mã số vùng trồng
Việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được xem là “tấm vé thông thành” giúp nông sản Việt Nam vững vàng xuất khẩu theo đường chính ngạch sang nhiều thị trường trên thế giới, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước…
Nhiều năm qua, hoạt động cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu. Qua đó giúp thay đổi tập quán canh tác, thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường, hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn.
BẢO VỆ “HỘ CHIẾU” CHO NÔNG SẢN XUẤT KHẨU
Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu trái cây lớn của Việt Nam, hoạt động xuất khẩu trái cây chính ngạch qua Trung Quốc nhờ các nghị định thư được ký đã giúp loại trái cây này hút hàng, tăng giá, mang lại thu nhập tốt cho nhiều nông dân. Theo đó, việc bảo vệ mã số vùng trồng, đóng gói hay đầu tư vào chất lượng trở thành yêu cầu bắt buộc.
Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi rất nhiều thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU sụt giảm, thị trường Trung Quốc lại đang tăng trưởng rất tốt. Hiện nay, để xuất khẩu vào Trung Quốc, nông sản phải được dán chứng nhận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đây được xem là "thị thực" đối với trái cây khi xuất khẩu.
Theo thống kê, trên toàn quốc có gần 6.500 vùng trồng tại 53/63 tỉnh, thành phố và 1.600 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu. Đồng thời, có 25 sản phẩm được cấp mã số xuất khẩu như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, khoai lang, sầu riêng… tập trung ở các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE, Malaysia...
Việc thiết lập vùng trồng để cấp mã số sẽ bao gồm xác định diện tích, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất trong vùng trồng, kiểm soát các sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của các nước, có nhật ký canh tác, thực hành nông nghiệp tốt, tối thiểu là theo quy trình VietGAP.
Tuy nhiên, song song với kết quả đạt được cũng xuất hiện tình trạng mã số vùng trồng bị gian lận hoặc bị thu hồi đang tăng cao. Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hơn 710 mã số vùng trồng đã bị thu hồi. Mã số vùng trồng trên cả nước bị thu hồi tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Thuận,…trong đó phần lớn là nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu là do không đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật của nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân lớn nữa khiến nhiều mã số vùng trồng bị thu hồi là do nhiều địa phương chỉ chú ý đến các mã số cấp mới mà chưa quan tâm tới việc duy trì, giám sát các mã số đã cấp. Điều này dẫn đến các vùng trồng cũ không được giám sát nghiêm ngặt, không ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác, thường xuyên thiếu nhiều thông tin hay thông tin không thống nhất trong hồ sơ hoặc thực tế kiểm tra.
Nhiều mã vùng trồng cũng chưa áp dụng đúng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại, đặc biệt là giám sát sinh vật gây hại theo tiêu chuẩn ISPM số 6, chưa có biện pháp quản lý, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Nhằm thúc đẩy nông sản Việt có thêm những “tấm vé thông hành” quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.
Chỉ thị nêu rõ, các hiệp hội ngành hàng cần tăng cường tuyên truyền cho hội viên quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đặc biệt là kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Đồng thời, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và cơ quan đầu mối tại địa phương hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên tích cực tham gia phát triển mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói tại địa phương phục vụ xuất khẩu.
XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG ĐẠT NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, sầu riêng là trái cây xuất khẩu tăng trưởng cao nhất trong nhóm ngành hàng rau quả trong quý 1/2023, với giá trị đạt 153 triệu USD, tăng 8,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp tục đà tăng trưởng, trong 5 tháng đầu năm 2023, khối lượng sầu riêng quả tươi xuất khẩu đạt trên 65.000 tấn, tăng 41% so với cả năm 2022. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng tươi lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 97%.
Một trong những dấu hiệu tích cực đối với sầu riêng Việt Nam là vừa qua Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thông báo kết quả xét duyệt hồ sơ khắc phục của các mã số vùng trồng, cơ sở sầu riêng không đạt ở lần kiểm tra trực tuyến tháng 1/2023.
Theo đó, Việt Nam có thêm 47/51 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu và được GACC cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, 4 hồ sơ vùng trồng chưa đạt yêu cầu là do chưa đầy đủ thông tin, hình ảnh không rõ nét nên phía GACC không đánh giá được sự cải thiện, cải tiến. Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu sang thị trường này.
Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang làm việc với GACC để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến đợt tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã gửi hồ sơ cho phía Trung Quốc. Sau khi thống nhất được lịch trình và nội dung kiểm tra, Cục sẽ thông báo cho các địa phương để chủ động chuẩn bị, phối hợp triển khai kế hoạch của phía GACC.
Việc có thêm nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt là tin vui đối với các nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc trong các tháng còn lại của năm 2023 khi nhu cầu tiêu thụ từ thị trường này rất lớn.
Tuy nhiên, nếu so sánh với Thái Lan đã có đến hàng chục nghìn mã vùng trồng và cơ sở đóng gói để xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, rõ ràng đây là điều mà ngành sầu riêng Việt Nam cần phải nỗ lực hơn để cạnh tranh với các nước trong khu vực.