13:26 28/08/2021

Mã số vùng trồng: "Hộ chiếu" xuất ngoại cho nông sản Việt

Chu Khôi

Tính đến thời điểm hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cấp 3.414 mã số vùng trồng cho trái cây, rau, hạt giống xuất khẩu trên toàn quốc. Tổng diện tích vùng trồng đã được cấp mã số là 196.226 ha, chiếm khoảng 17% tổng diện tích trồng cây ăn quả, rau, cây gia vị trên cả nước...

Mã số vùng trồng giúp nông sản rộng đường xuất khẩu.
Mã số vùng trồng giúp nông sản rộng đường xuất khẩu.

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

TRUNG QUỐC LÀ THỊ TRƯỜNG ĐƯỢC CẤP NHIỀU MÃ SỐ NHẤT

Cục Bảo vệ thực vật cho biết đối với trái cây tươi, đã cấp 2.821 mã số vùng trồng cho 12 loại trái cây (bao gồm: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít và chuối) cho 48 tỉnh để xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU.  

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã cấp 11 mã vùng trồng cho hạt giống ớt và cà chua; 193 mã số rau gia vị sản xuất trong nhà lưới xuất khẩu sang EU; và 389 mã số ngọn cây cảnh, cây hoa xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc.

Các sản phẩm này chủ yếu được trồng trong nhà lưới với điều kiện nghiêm ngặt để đảm bảo hạn chế sự xâm nhập và gây hại của sinh vật gây hại, qua đó giảm thiểu số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc thậm chí không sử dụng. Tổng diện tích nhà lưới của các mã số vùng trồng này đạt hơn 61 ha.

 
Hoa Kỳ là thị trường có yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt nhất, tất cả các vùng trồng đều được cán bộ kiểm dịch thực vật của nước này trực tiếp kiểm tra hàng năm và Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) cấp mã riêng (mã IRAD).

Hiện tại, Trung Quốc đang là thị trường được cấp nhiều mã số vùng trồng nhất (1.703 mã) cho 9 loại trái cây và thạch đen. Đứng thứ hai là thị trường Hoa Kỳ với 575 mã vùng trồng cho 6 loại trái cây.

Mã số cơ sở đóng gói cũng là yêu cầu bắt buộc của nhiều nước nhập khẩu. Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 1.826 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Các cơ sở đóng gói này được phân bố ở 37 tỉnh trong toàn quốc. Trong đó, số lượng mã số cơ sở đóng gói cấp cho sản phẩm xuất đi thị trường Trung Quốc chiếm tới 97% (1.776 mã số) cho 9 loại quả tươi xuất khẩu.

Số lượng các loại mã số cơ sở đóng gói đi các thị trường khác là hơn 50 mã số cho 6 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm và vú sữa). Các cơ sở đóng gói này đều được nước nhập khẩu kiểm tra theo định kỳ 1 năm/lần (đối với thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản) hoặc 3 năm/lần (đối với thị trường Úc, New Zealand).

Hầu hết các cơ sở đóng gói này đều nằm trong các khu xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ; có cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo tuân thủ đúng quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều

Ngoài hiệu quả truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, việc triển khai quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói còn giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu; thúc đẩy liên kết sản xuất và chuỗi giá trị.

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ MÃ SỐ VÙNG TRỒNG

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng. Năm 2020, phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói do phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật. Trong số này, Tiền Giang là tỉnh có số mã vi phạm lớn nhất (15 mã số vùng trồng và nhà đóng gói).

“Đây là một “tín hiệu” cho thấy công tác kiểm tra, giám sát và quản lý mã số vùng trồng đối với các nông sản xuất khẩu cần phải được rà soát, chấn chỉnh kịp thời. Nếu không sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người nông dân”, ông Trung cảnh báo.

Theo ông Trung, vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.

Nguyên nhân chính là do tình trạng doanh nghiệp đến vụ thu hoạch mới thu gom nông sản từ các vùng trồng mà chưa ký kết hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ để định hướng tổ chức sản xuất cho phù hợp.

 
"Việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới chỉ triển khai chủ yếu đối với các mặt hàng xuất khẩu. Chưa chú trọng đến việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng cho các sản phẩm trồng trọt phục vụ tiêu thụ nội địa".
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật

Quốc hội khóa 14 đã đưa quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng vào Luật Trồng trọt (Điều 64). Ông Hoàng Trung cho biết nhằm thực hiện tốt việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thực thi nhiều giải pháp.

Trong đó, đẩy mạnh phân cấp và tăng cường năng lực cho địa phương về thiết lập và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Đồng thời sẽ chuẩn hóa lại các cơ sở đóng gói để đáp ứng các yêu cầu trong văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ phối hợp quyết liệt và hiệu quả giữa các cơ quan, lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Cùng với đó, sẽ ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả trong việc quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, áp dụng công nghệ 4.0, công nghệ cao như bẫy đèn, viễn thám, dự tính dự báo, máy bay không người lái, trừ cỏ bằng robot…trong sản xuất nông nghiệp.

Chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất từ vùng trồng - cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý -doanh nghiệp xuất khẩu đến cơ quan quản lý nhà nước và nước xuất khẩu.

Chủ động thiết lập cơ chế thông tin, trao đổi song phương với các nước nhập khẩu để sớm phát hiện các vấn đề phát sinh liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói, trên cơ sở đó đưa ra hướng giải quyết kịp thời, không để ảnh hưởng đến thương mại song phương và gây thiệt hại kinh tế cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu đến năm 2025, số lượng vùng trồng được cấp mã số tăng 3-5 lần so với hiện nay, mở rộng đối tượng cây trồng cấp mã số sang cây lúa, rau màu, khoai lang… cả cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.