09:00 23/03/2022

Tăng giờ làm thêm: Lợi bất cập hại cho nguồn nhân lực

Thu Hằng

Hai năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, người lao động gần như đã kiệt quệ, trong khi mức tiền lương không cao, các điều kiện về lao động, đời sống cũng bị xáo trộn, vì vậy tăng giờ làm thêm trong bối cảnh hiện nay không phải là giải pháp tốt cho nguồn nhân lực, theo chuyên gia…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính phủ vừa có đề xuất nâng số giờ làm thêm trong một tháng của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ mỗi tháng, và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ/năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc. Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phỏng vấn TS Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề này.

Đề xuất tăng giờ làm thêm trong một tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ mỗi tháng, và số giờ làm thêm của người lao động là không quá 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề, công việc sẽ có những ảnh hưởng gì đến người lao động, thưa bà?

Tôi khá giật mình với mức đề xuất lần này. Thực tế, kinh nghiệm của nhiều nước cũng chỉ đề xuất giờ làm thêm trong một năm thôi, còn trong một tháng nhiều nước nước không quy định. Bởi lẽ, tính chất của thời gian làm thêm phụ thuộc vào quy trình sản xuất, tính chất công nghệ, ví dụ trong nông nghiệp không thể nói đến 6h tối là nghỉ mai gặt tiếp, mà có thể làm đêm làm ngày.

Thêm nữa, phải kiểm soát được thời giờ làm thêm, về mặt chu trình sinh học của con người, thời gian làm thêm kéo dài sẽ gây tổn hại về sức khỏe, kể cả năng suất lao động cũng bị ảnh hưởng, vì thế không nên khuyến khích kéo dài thời giờ làm thêm.  

 
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Các nước cũng có những quy định rất chặt về vấn đề này, ngoài thời gian chính thì thời gian làm thêm phải có các chế độ về an toàn vệ sinh lao động, chẳng hạn như phải được nghỉ ngơi giữa giờ, làm đêm phải được ăn giữa ca, nếu kéo dài thời gian làm việc sau 5h chiều thì phải có bữa chiều, bữa ăn nhẹ…Tóm lại nếu muốn kéo dài thời gian làm việc cần có chính sách về an toàn vệ sinh lao động.

Trường hợp nếu phải kéo dài, cần có thỏa thuận quy định về vấn đề này, ví dụ thêm hai tiếng phải có chế độ ăn nhẹ, 3 tiếng phải ăn bữa tối, có nghỉ ngơi giữa ca, song thực tế các nhà máy ở Việt Nam hiện nay rất ít thực hiện được điều này.

Đặc biệt, về đơn giá thời gian làm thêm để trả công lao động thì Nhà nước đã quy định rồi, đơn giá này phải chặt chẽ, như vậy việc kéo dài thời gian làm thêm phải dựa trên nền tảng là quy định của Nhà nước và các thỏa thuận tại doanh nghiệp.

Về phía người lao động, thực tế nhiều người cũng không phản đối thời gian làm thêm nếu được tổ chức tốt. Tôi biết ở Bình Dương đã có một số đơn vị doanh nghiệp làm tốt việc này, ví dụ như có dịch vụ trông trẻ nên công nhân không phải lo về sớm đón con thì họ rất yên tâm. Như vậy, nhu cầu của người lao động về làm thêm giờ là có, về mặt quyền lợi cũng được hưởng chứ không phải không.

Còn ở góc độ doanh nghiệp, những tác động cụ thể là gì thưa bà?

Về phía doanh nghiệp, việc kéo dài thời giam làm thêm chính là tăng chi phí, bởi lẽ tất cả các chi phí liên quan về an toàn vệ sinh lao động, tiền lương, các giải pháp bảo bộ khác nếu có đều nằm trong chi phí của doanh nghiệp, cho nên nói thật là doanh nghiệp cực chẳng đã mới huy động thời gian làm thêm. Vì lẽ đó, tăng giờ làm thêm đều có tác động lên cả hai phía.

Bộ luật Lao động quy định, thời gian làm thêm giờ là thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động. Cũng theo Bộ luật Lao động, thời giờ làm việc bình thường hiện là không quá 48 giờ trong một tuần, theo tôi mức này cũng là quá cao, nếu cộng với thời giờ làm thêm tăng lên thì người lao động có thể bị quá tải. Trong khi nhiều nước hiện nay đã áp dụng mức 40 giờ, thậm chí 32 giờ trong một tuần rồi.

Vậy còn việc mở rộng tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm cho mọi ngành nghề, theo bà liệu phạm vi có quá rộng ?

Tôi ủng hộ việc tăng giới hạn làm thêm lên không quá 300 giờ một năm cho tất cả các ngành nghề, thậm chí một số nước trên thế giới còn áp dụng tăng lên 400 giờ trở lên. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, việc thực thi pháp luật lao động, các thỏa ước lao động tập thể về chế độ an toàn vệ sinh lao động, các chính sách bảo vệ người lao động nhìn chung chưa tốt lắm. Vì vậy, tôi cũng lo ngại, việc kéo dài quá thời gian làm thêm không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, mà chính năng suất lao động cũng khó tăng.

Quay trở lại với đề xuất tăng giới hạn làm thêm giờ trong tháng lên không quá 72 giờ tôi nhận thấy là quá cao. Nếu nói rằng, đây là giải pháp tạm thời để phục hồi kinh tế trong bối cảnh Covid-19 tôi nghĩ chưa hẳn phù hợp. Thực tế, dịch Covid-19 cũng phần nào tạo ra cơ hội để tăng năng suất lao động thông qua ứng dụng công nghệ, còn việc lao động có quay trở lại doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào các biện pháp khác chứ không phải là kéo dài thời gian làm thêm.

Có biện pháp đảm bảo sức khỏe cho người lao động khi làm thêm giờ. Ảnh - Mạnh Dũng. 
Có biện pháp đảm bảo sức khỏe cho người lao động khi làm thêm giờ. Ảnh - Mạnh Dũng. 

Trong trường hợp vẫn là giải pháp trước mắt để vượt qua Covid-19 thì tôi cho rằng cần có một thỏa thuận giữa những ngành phải sử dụng nhiều lao động để phân biệt các ngành khác, việc áp dụng làm thêm giờ cũng chỉ nên trong thời gian ngắn. Kể cả trong tương lai, kéo dài thời gian làm việc không phải là giải pháp tốt mà cần hướng đến giảm giờ làm việc trong một tháng đi.

Vấn đề thời gian làm thêm giờ đòi hỏi sự thỏa thuận, có sự tham gia của ba bên, trong đó, Nhà nước tạo ra khuôn khổ pháp luật, doanh nghiệp dựa trên nhu cầu và chi phí có chịu được không, người lao động cũng vậy. Tuy nhiên, rõ ràng người lao động không thể tự quyết định được, họ cũng không có quyền từ chối làm thêm nếu đang ở trong một dây chuyền sản xuất.

Nếu như các điều kiện bảo vệ người lao động tốt thì thực tế như nhiều nước cũng không cần quy định thời gian làm thêm một tháng đâu, coi như quyền tự quyết của doanh nghiệp, nhưng phải đưa vào nội dung thỏa ước lao động tập thể. Nếu thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp không được thì đưa vào thỏa ước lao động tập thể của ngành, bởi có những ngành rất cần, buộc phải có những tuần, những tháng cao điểm làm thêm giờ thì có quyền được huy động, song cần rất nhiều các giải pháp đi kèm về an toàn vệ sinh lao động, tổ chức lao động…

Thực tế, hai năm qua, người lao động cũng đã kiệt quệ, tiền lương không được cao, các điều kiện về lao động, đời sống cũng bị xáo trộn, vì vậy tăng giờ làm thêm trong bối cảnh hiện nay không phải là giải pháp tốt cho nguồn nhân lực. Về lâu dài, tôi cho rằng Bộ luật Lao động cần tính toán điều chỉnh giảm thời gian làm việc chính thức xuống, chứ không phải tăng giờ làm thêm, bởi sẽ đi ngược lại sự phát triển của thế giới.