08:45 03/10/2010

“Tăng trưởng để làm gì khi CPI tăng đến 7%?”

Nguyên Thảo

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại về chất lượng tăng trưởng năm 2010 với CPI tăng cao

Chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng gây ra nhiều quan ngại về chất lượng tăng trưởng - Ảnh: Việt Tuấn.
Chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng gây ra nhiều quan ngại về chất lượng tăng trưởng - Ảnh: Việt Tuấn.
Câu hỏi này đã được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kinh tế, xã hội, ngân sách của Chính phủ, chiều 2/10.

Không quá lạc quan về những con số “đạt và vượt” của kế hoạch năm 2010 như GDP tăng 6,7%, thu ngân sách vượt 58.000 tỷ đồng…, nhiều ý kiến đã bày tỏ quan ngại về cả công tác dự báo và điều hành.

Có thể tăng trưởng cao hơn được không, khi chính trị ổn định, kinh tế đã tăng trưởng nhiều năm liền, nhân lực dồi dào, tài nguyên cũng có đủ để phát triển đất nước…, Chủ nhiệm Hiển nêu câu hỏi đã khiến ông “rất băn khoăn” từ lâu nay.

Nhìn từ chất lượng tăng trưởng, ông Hiển cũng đặt nhiều câu hỏi trước chỉ số CPI. Mặc dù, theo Chính phủ dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2010 so với tháng 12/009 tăng khoảng 7%.

“Đây là mức tăng đã được khống chế theo nghị quyết của Quốc hội nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là thành công trong việc khống chế lạm phát không để lạm phát cao trở lại”, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, như phân tích của Ủy ban - Tài chính ngân sách thì tháng 9 CPI đã tăng đột biến lên 1,31% so với tháng 8, đẩy chỉ số CPI 9 tháng là 6,39% gần sát chỉ tiêu Quốc hội cho phép. Trong khi quý 4 chưa thể lường hết được khả năng tăng giá nhanh theo quy luật cung cầu của sản xuất và tiêu dùng.

Ủy ban Kinh tế cũng nhận định diễn biến không ổn định của CPI trong năm đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tác động xấu đến đời sống của nhân dân và khó khăn cho các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách.

Ở nhiều nước lạm phát đến 3% đã phải suy nghĩ rồi, trong khi năm 2010 CPI của Việt Nam vẫn tăng đến 7% và chỉ tiêu dự kiến cho năm sau cũng vẫn 7%. Nhiều năm liền CPI luôn luôn cao thì không thể nói là không “có vấn đề”, ông Hiển nói.

Cùng mối quan ngại về dự kiến CPI năm sau tăng khoảng 7%, nhiều ý kiến tại Ủy ban Kinh tế cho rằng, mấy năm qua, chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam liên tục tăng cao, trong khi lạm phát trên thế giới nhìn chung đều ở mức thấp, cần đặt mục tiêu giảm lạm phát xuống thấp hơn, khoảng 6,5%.

Cũng "mổ xẻ" chất lượng tăng trưởng, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị các báo cáo thẩm tra cần nhấn mạnh hơn đến các vấn đề xã hội . Bởi, tham nhũng, lãng phí có thể gây thoát thoát rất nhiều, không ngăn chặn được tệ nạn này thì sẽ làm giảm ý nghĩa của con số tăng trưởng.

Việc gia tăng khiếu nại với 75% liên quan đến đất đai, theo ông Vượng cũng ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng vì có thể làm chậm tiến độ thực hiện các dự án, tiêu tốn thời gian và tiền bạc…

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị đánh giá xem kinh tế tăng trưởng nhưng đời sống của dân thế nào và tình hình xã hội ra sao. Kinh tế tăng ít nhưng tội phạm tăng nhiều, khiếu kiện cũng tăng, và quan trọng nhất là kéo theo khoảng cách giàu nghèo ngày càng doãng ra, Phó chủ tịch lo ngại.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh về một số chỉ tiêu liên tục không đạt kế hoạch có liên quan đến môi trường , xã hội. Trong khi Quốc hội rất quan ngại về môi trường, về tội phạm và về đạo đức xã hội, chênh lệch giàu nghèo…

Bởi thế, kinh tế tăng nhưng tâm trạng xã hội chưa thật phấn chấn, Phó chủ tịch nói.