Tập trung đào tạo nhân lực cho các ngành nghề trọng điểm
Để tăng cường kỹ năng nghề cho người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành trọng điểm, mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động...
Theo chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong thời gian tới, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tiếp tục tập trung đào tạo nhân lực một số lĩnh vực mới nổi, chíp bán dẫn hydrogen, nhân lực tín chỉ cacbon…
CHÚ TRỌNG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC CHO CÁC NGÀNH MỚI NỔI
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết nửa đầu năm 2024, Bộ tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh năm 2024.
Cùng với đó, tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, thực hiện rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiêp. Tính đến tháng 6/2024, cả nước có hơn là 1.800 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trước đó, năm 2023, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ước đạt 2,295 triệu người (đạt 100% kế hoạch năm), trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp là 530.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 1,765 triệu người.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã và đang thực hiện đổi mới khá mạnh mẽ, đồng bộ, phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục nghề nghiệp trên thế giới.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong nửa cuối năm nay cũng như thời gian tới, Bộ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.
Bên cạnh đó, chú trọng tăng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương.
Tập trung cho công tác tuyển sinh, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; thúc đẩy đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao.
Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung yêu cầu tập trung đào tạo nhân lực một số lĩnh vực mới nổi, kĩ sư, chíp bán dẫn hydrogen, và nhân lực tín chỉ cacbon.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần tập trung nâng cao năng lực phân tích, chủ động dự báo cung cầu việc làm, việc làm mới, việc làm bền vững, việc làm thỏa đáng, cũng như tăng cường đối thoại chính sách, xây dưng quan hệ hài hòa ổn định và phát triển tiến bộ.
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO THEO YÊU CẦU CỦA THỊ TRƯỜNG
Để tăng cường kỹ năng nghề cho người lao động trong bối cảnh cách mạng Công nghiệp 4.0, hiện nay Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đang tích cực chỉ đạo triển khai, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội tiếp cận đối với mọi người dân, phục vụ học tập suốt đời. Đồng thời, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Mặc khác, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng triển khai các hoạt động trọng tâm, đột phá của Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo lộ trình.
Hơn hết là tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành trọng điểm, mũi nhọn đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Ưu tiên cho các lĩnh vực, ngành nghề mới với kỹ năng mới. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, cũng như hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, nghiên cứu, đổi mới việc đánh giá kiến thức, kỹ năng và công nhận chứng chỉ, bằng cấp cho người học, người lao động.
Từ góc độ cơ sở đào tạo, TS. Trần Xuân Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội, cho rằng vấn đề đào tạo nhân lực có chất lượng cao đang là yêu cầu đặt ra đối với tất cả các cơ sở giáo dục, đặc biệt trước "sức ép" ngày càng cao của các doanh nghiệp.
Theo ông Ngọc, để đáp ứng được nhu cầu này, trước hết bản thân các nhà trường cần nâng cao năng lực, đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, để đồng bộ với các công nghệ đang được ứng dụng trong các doanh nghiệp hàng đầu.
Ngoài ra, lực lượng cán bộ giáo viên, đặc biệt là giáo viên chuyên môn cần thường xuyên đi thực tập, làm việc, phối hợp với các doanh nghiệp để cập nhật, nâng cao kiến thức.
Các chương trình đào tạo cũng cần được chỉnh sửa, bổ sung thường xuyên, thiết kế các module đào tạo theo hướng linh hoạt, gọn, nhẹ, dễ điều chỉnh. Một yếu tố quan trọng nữa là cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong đào tạo.
“Đây là chìa khóa để giải quyết hầu như tất cả những vướng mắc nêu trên. Khi phối hợp với các doanh nghiệp, chúng ta sẽ giải được bài toán về đầu tư cơ sở vật chất; về các chuyên gia đào tạo kỹ năng và sự khác biệt giữa nội dung đào tạo với thế giới việc làm”, TS. Trần Xuân Ngọc nhận định.
Với Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội, ông Ngọc cho biết nhờ mô hình đào tạo linh hoạt hiện nay, và có sự phối hợp tốt với các doanh nghiệp, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt mức cao.
Theo thống kê, khoảng 85% sinh viên đã có việc làm trước khi nhận bằng tốt nghiệp. Sau khi nhận bằng, tỷ lệ này đạt gần như 100%. Hiện nay, với các lĩnh vực nhà trường đang đào tạo như điện, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, công nghiệp điện lạnh…, mức lương của sinh viên được doanh nghiệp trả tương đối cao, trung bình từ 7 – 10 triệu đồng.
Một số sinh viên có năng lực làm việc tại doanh nghiệp từ quá trình thực tập, có kỹ năng tốt, được công ty tiếp nhận vào các vị trí quan trọng, mức lương trên 15 triệu đồng.
Module dạy học là một đơn vị chương trình dạy học tương đối độc lập, được cấu trúc đặc biệt nhằm phục vụ cho người học và chứa đựng mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, cũng như hệ thống các công cụ đánh giá kết quả tạo thành một chỉnh thể.
Mỗi module gồm các tiểu module, là các thành phần cấu trúc module được xây dựng tương ứng với các nhiệm vụ học tập mà người học phải thực hiện.
Đào tạo theo phương thức tích lũy module hoặc tín chỉ được hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 09/2017/TT-BLĐTBXH quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy module hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp.