10:25 27/06/2024

Một trong những điểm yếu của lao động Việt Nam là thiếu kỹ năng, bằng cấp

Nhật Dương

Thiếu kỹ năng hay bằng cấp, thậm chí thiếu thông tin về việc làm chính thống khiến không ít lao động phổ thông gặp khó khăn khi tìm việc làm...

Lao động tìm việc tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.
Lao động tìm việc tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Lao động phổ thông chiếm quy mô rất lớn trong lực lượng lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm này cũng gặp khó khăn trong tìm việc, một phần nguyên nhân chính do thị trường tuyển dụng cạnh tranh, và người lao động cũng chưa tiếp cận được các thông tin tuyển dụng chính thống.

RÀO CẢN TRONG TÌM KIẾM VIỆC LÀM

Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự Toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam (đơn vị cung ứng giải pháp nhân sự) cho biết không ít người lao động gặp hạn chế trong việc tiếp cận các thông tin tuyển dụng.

Theo quan sát, nhiều doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng trên các nền tảng số như các website, mạng xã hội, nhưng nội dung và giao diện kém thân thiện với lao động phổ thông.

Với những lao động phổ thông sống ở các địa phương nhỏ, họ cũng ít có cơ hội tiếp xúc với công nghệ, thậm chí không có điện thoại thông minh, hay internet thì gần như không biết đến các cơ hội việc làm trên thị trường phù hợp với họ.

Theo chuyên gia nhân sự, nhờ có thời đại số, chưa bao giờ người lao động lại được tiếp cận với nhiều thông tin việc làm như hiện nay. Song mặt trái của việc này là không chỉ những công việc tốt, mà cả những việc làm lừa đảo, kém uy tín cũng dễ tiếp cận hơn.

“Một bộ phận không nhỏ người lao động cả tin, ham lợi trước mắt mà không tính đến lâu dài sẵn sàng ứng tuyển vào những “việc làm ma”, hứa hẹn thu nhập cực hấp dẫn, sau cùng lại bị lừa mất trắng và mất niềm tin khi đi tìm việc”, bà Nguyễn Thanh Hương nêu thực tế.

Một rào cản nữa là thiếu kỹ năng hay bằng cấp. Đây là một trong những điểm yếu của lao động Việt Nam. Trong khi đó, để đáp ứng yêu cầu sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh, yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngày càng cao.

Theo thống kê từ các tin tuyển dụng của doanh nghiệp, và thông tin lao động đi tìm việc trên các website quý 1/2024 của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), 44% vị trí tuyển dụng yêu cầu trình độ cao đẳng, trung cấp, trong khi chỉ 17,4% người đi tìm việc đạt yêu cầu này. Chỉ 5,5% vị trí được tuyển yêu cầu trình độ sơ cấp, hoặc không yêu cầu kinh nghiệm, nhưng có đến 38,5% người đi tìm việc không có bằng cấp/chứng chỉ.

Cũng theo báo cáo “Tìm kiếm việc làm có ý nghĩa” do ManpowerGroup Việt Nam phối hợp với các đơn vị thực hiện, cho thấy những khó khăn của lao động Việt, bao gồm lao động phổ thông khi chuyển đổi sang một công việc có ý nghĩa hơn là thiếu kỹ năng và kinh nghiệm làm việc (13%), phải cân bằng giữa trách nhiệm cá nhân và mong muốn nghề nghiệp (18%), hay thiếu thông tin và cơ hội tiếp xúc với các lĩnh vực việc làm xanh (12%).

Mặt khác, một bộ phận người lao động chưa sẵn sàng đón nhận những cơ hội việc làm thời vụ/ngắn hạn. Trong khi đó, bản chất của đa phần các công việc lao động phổ thông hiện nay là phụ thuộc vào kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp, hoặc theo đơn hàng.

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VẪN ĐỐI DIỆN VỚI NHỮNG THÁCH THỨC

Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho thấy lực lượng lao động Việt Nam đạt 52,4 triệu người vào quý I/2024. Chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỷ lệ qua đào tạo có tăng qua từng năm, từ 53% (năm 2016) lên 68,3% (quý I năm 2024).

Doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Ảnh: N.Dương.
Doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Ảnh: N.Dương.

Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đến quý I/2024 cũng mới chỉ đạt khoảng 27,8%. Như vậy, số lao động phổ thông, phi chính thức vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Theo báo cáo tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2021, cả nước có 33,6 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 68,5% tổng số lao động có việc làm cả nước. So với nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ này vẫn ở mức cao.

Gần 3/4 lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn (khoảng 77,9%, nơi có nhiều làng nghề truyền thống, các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác, không qua đào tạo, hoặc không có chứng chỉ công nhận trình độ kỹ năng nghề. Có 40,9% lao động phi chính thức làm việc trong 3 nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng và bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy.

Đáng chú ý, hiện cũng có gần 34 triệu lao động, chiếm 2/3 lực lượng lao động cả nước chưa được thu thập, nắm thông tin về tình trạng việc làm.

Kết thúc quý đầu tiên của năm 2024, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường lao động đang chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng tích cực. Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số lượng doanh nghiệp mới thành lập và tái hoạt động trong quý II tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Còn theo dữ liệu của Việc làm tốt (chuyên trang tìm việc và tuyển dụng trực tuyến), số lượng tin đăng tuyển dụng của quý II/2024 tăng trưởng 30% so với quý I của năm.

Nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh nhất ở các lĩnh vực như bán hàng trong ngành bán lẻ, nhân viên kho vận, nhân viên văn phòng với lượng tin đăng tăng hơn 40%, nhân viên kinh doanh và tạp vụ (tăng 30%), công nhân (tăng 24%). Nhu cầu tìm việc ở quý II/2024 ghi nhận tín hiệu khả quan, khi tăng 18% so với quý I/2024.

Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn đối diện với những thách thức. Theo Tổng cục Thống kê, có khoảng 2,3 triệu người lao động Việt Nam, phần lớn có độ tuổi từ 15-34, đang không sử dụng hết tiềm năng của mình (tỷ lệ 4,4%) vào quý I/2024.

Thu nhập của người lao động cũng có những dao động ở các ngành nghề khác nhau. Số liệu của Việc làm tốt ghi nhận khoảng lương trung bình của một số ngành nghề đăng tuyển trong nửa đầu năm 2024 có sự thu hẹp từ 8-13% so với cùng kỳ năm 2023, như nhân viên kinh doanh, công nhân, bảo vệ.

Trong khi đó, khoảng lương trung bình của các tin đăng tuyển ngành bán hàng trong lĩnh vực bán lẻ, và nhân viên phục vụ F&B nới rộng, tăng thêm hơn 15%.