Thanh Hóa tìm giải pháp ngăn sạt lở nghiêm trọng tại sông Chu, sông Mã
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở bờ, bãi sông. Tỉnh này cũng kiên quyết xử lý và công khai xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản cát, sỏi trái phép trên địa bàn quản lý....
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 18702/UBND-CN yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh.
XỬ LÝ NGHIÊM HÀNH VI BAO CHE, TIẾP TAY
Thời gian gần đây, tại một số địa phương tại Thanh Hóa vẫn còn xảy ra hiện tượng khai thác khoáng sản cát, sỏi trái phép, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực; việc quản lý, giám sát, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa kịp thời. Công tác thống kê sản lượng khoáng sản đã khai thác tại tỉnh này còn bất cập, có tình trạng tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác kê khai không trung thực sản lượng khoáng sản thực tế khai thác…
Vấn đề này đã được các cơ quan chức năng phát hiện, chỉ ra, được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và UBND tỉnh Thanh Hóa đã tạm dừng hoạt động khai thác đối với một số mỏ, bãi tập kết cát.
Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan, kiểm tra về yêu cầu đối với bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông, việc lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi, mua - bán tại bến bãi.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa tổng hợp rà soát số liệu về công tác quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông như: công tác quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác; tài nguyên trữ lượng đã cấp/đã khai thác/trữ lượng còn lại; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…
Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa rà soát các Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn khai thác để yêu cầu đóng cửa mỏ và cải tạo phục hồi môi trường theo quy định; trường hợp cố tình chậm trễ thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả thực hiện và tham mưu, đề xuất những nội dung vượt thẩm quyền với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 20/01/2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở bờ, bãi sông; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong báo cáo đánh giá tác động của hoạt động khai thác đến việc bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông; bảo đảm sự lưu thông dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ, xói lòng dẫn, xói lở bờ, bãi sông, suy giảm mực nước sông trong mùa cạn, bảo tồn các hệ sinh thái liên quan, đặc biệt trên các tuyến Sông Mã và Sông Chu.
Sở Xây dựng Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng liên quan kiểm tra việc tổ chức khai thác tại các khu vực mỏ được cấp phép đảm bảo theo thiết kế mỏ đã được thẩm định, phê duyệt và các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tại các văn bản có liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, kiểm tra, rà soát việc đăng ký tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi đảm bảo theo đúng quy định.
Công an tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình, công tác nghiệp vụ để khoanh vùng, phòng ngừa, đấu tranh với các điểm phức tạp về khai thác khoáng sản; đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, trọng tâm là: khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép; hoạt động vận chuyển khoáng sản quá khổ, quá tải, các phương tiện bơm hút cát, sỏi không có đăng ký, đăng kiểm.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, giám sát về thời gian được phép khai thác, việc thực hiện các quy định pháp luật trong báo cáo đánh giá tác động, cam kết bảo vệ môi trường của hoạt động khai thác đến việc bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông; bảo đảm sự lưu thông dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ, xói lòng dẫn, xói lở bờ, bãi sông, suy giảm mực nước sông trong mùa cạn, bảo tồn các hệ sinh thái liên quan. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, theo dõi diễn biến sạt lở bờ, bãi sông, đặc biệt trên các tuyến Sông Mã và Sông Chu và phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan để có biện pháp khắc phục tạm thời (nếu có) đảm bảo theo quy định và báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, tổng hợp, tham mưu, đề xuất giải quyết theo quy định.
BỜ SÔNG CHU, SÔNG MÃ NHIỀU NƠI SẠT LỞ NGHIÊM TRỌNG
Liên quan đến tình trạng sạt lở bờ sông, mới đây phóng viên VnEconomy đã có mặt tại thôn Hải Mậu, xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) - một trong 3 thôn của xã này đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do tình trạng sạt lở bờ sông kéo dài trong suốt nhiều năm nay. Bờ sông Chu với những cung sạt thẳng đứng, có đoạn sâu đến 20m. Mặc dù thời điểm hiện tại nước sông chảy bám đáy nhưng những tảng đất pha cát lớn hàng khối vẫn chậm rãi đổ ụp xuống lòng sông cạn. Sau mỗi vụ lở đất nhỏ, các vết nứt mới ăn sâu về phía làng lại hình thành và chờ sạt… cứ như vậy, mỗi ngày sông Chu lại cuốn đi từng mét đất canh tác của người dân.
Tìm hiểu từ phía người dân, chúng tôi được biết, hiện tượng sạt lở tại đây đã bắt đầu từ năm 2017, tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn khi các mỏ cát trên dọc tuyến sông Chu được tỉnh Thanh Hóa cấp phép và đi vào hoạt động rầm rộ khiến dòng chảy cố định của con sông bị thay đổi. Mỗi khi mùa mưa lũ về các vết sạt cứ kéo rộng và dài hơn. Đến nay, cung sạt đã kéo dài lên đến 1,6km, chạy qua các thôn: Minh Hải, Hải Thành và Hải Mậu. Mỗi năm người dân sinh sống dọc bờ sông bị mất khoảng 15m đất hoa màu, tại một số điểm, sạt lở chỉ còn cách đất thổ cư của người dân khoảng 30 - 40m.
Trao đổi với VnEconomy, ông Đỗ Bá Cường - một người dân trú tại thôn Hải Thành không dấu được sự lo lắng cho biết: "Gia đình ông có 3 sào đất màu ven sông để canh tác. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của cả gia đình có 4 nhân khẩu. Tuy nhiên, chỉ trong vòng khoảng 3 năm trở lại đây, con sông đã lấy đi 50% số diện tích này. Phần diện tích còn lại lại cũng đang lần mòn từng ngày bị cuốn trôi xuống sông. Theo tôi, ngoài nguyên nhân là lũ lụt thì nguyên nhân chính dẫn đến hệ lụy của ngày nay là do hoạt động khai thác cát tại các mỏ gây ra”.
Theo ông Vũ Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Hải thông tin, tình trạng sạt lở tại các thôn Hải Thành, Hải Mậu và Minh Hải ngày càng trở nên nghiêm trọng. Hiện có tới hơn 80 hộ dân, với hàng trăm nhân khẩu tại 3 thôn bị ảnh hưởng và đe dọa trực tiếp. Vào các mùa mưa bão, chính quyền phải luôn cắt cử người theo dõi tình hình mưa lũ và luôn sẵn sàng các phương án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm nếu thấy cấp thiết.
Về phía huyện, trao đổi với VnEconomy, ông Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: "Huyện sẽ thành lập đoàn công tác để tiến hành kiểm tra tình hình thực tế tại hiện trường cũng như yêu cầu các phòng chức năng đánh giá cụ thể hiện trạng, từ đó có thể đưa ra được giải pháp tối ưu nhất cho vùng sạt lở tại Thọ Hải".
Tại bãi ven bờ tả sông Mã thuộc thôn Chòm Mốt, xã Lương Trung, huyện Bá Thước tình trạng sạt lở bò sông cùng xảy ra nghiêm trọng. theo lãnh đạo xã Lương Trung, sông Mã đoạn qua thôn Chòm Mốt hiện có một cung sạt lở dài hơn 100 m, cao hơn 10 m. Tình trạng này bắt đầu từ khoảng 10 năm trước cứ vào mùa mưa mỗi năm, bờ sông bị ăn sâu hơn 60 m. Khoảng 7 ha đất canh tác của hàng chục hộ dân đã mất. Ba hộ sinh sống gần khu vực sạt lở phải di dời đến nơi ở mới.