Thanh khoản ngân hàng báo hiệu "mỏng" dần
Mùa đại hội cổ đông 2021 cho năm tài chính 2020 của các ngân hàng vừa kết thúc. Giữa lao xao lợi nhuận, giá cổ phiếu tăng, rất ít ai nhắc đến chỉ số cấp tín dụng/tổng huy động (LDR), dù đây được coi là tử huyệt từng làm hệ thống lao đao 10 năm trước...
Chỉ số LDR (Loan to Deposit) là tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động. Cùng với chỉ số tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, LDR là một trong hai chỉ số cơ bản nhất thể hiện khả năng thanh khoản, đặc biệt là thanh khoản kỳ hạn của ngân hàng.
13/16 NGÂN HÀNG TĂNG CHỈ SỐ LDR
Phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy vừa tìm hiểu chỉ số LDR tại 16 ngân hàng niêm yết và một ngân hàng 100% vốn nhà nước là Agribank.
Kết quả cho thấy, trong 16 ngân hàng niêm yết, chỉ VietinBank, HDBank có LDR quý 1/2021 giảm so với cuối năm 2020. Thậm chí mức giảm không đáng kể, chỉ 0,8 điểm phần trăm.
Ở chiều ngược lại có tới 14 ngân hàng tăng tỷ lệ LDR. Nổi bật nhất là MSB tăng 6,81 điểm phần trăm, từ mức 90,66% lên 97,475%. Tiếp sau là VPBank với mức tăng 5 điểm phần trăm, từ mức 124,58% lên 129,58%, đây cũng là ngân hàng có tỷ lệ LDR cao nhất theo khảo sát.
Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận tăng ở chỉ số LDR gồm BIDV tăng 1,63 điểm phần trăm; MBBank tăng 2,88 điểm phần trăm; Techcombank tăng 3,06 điểm phần trăm; ACB tăng 3,89 điểm phần trăm; VIB tăng 0,41 điểm phần trăm...
Trong 16 ngân hàng niêm yết chỉ có hai ngân hàng có chỉ số LDR quý 1/2021 giảm so với cuối năm 2020. Ở chiều ngược lại có tới 14 ngân hàng tăng tỷ lệ LDR. Nổi bật nhất là MSB tăng 6,81 điểm phần trăm, từ mức 90,66% lên 97,475%. Tiếp sau là VPBank với mức tăng 5 điểm phần trăm, từ mức 124,58% lên 129,58%, đây cũng là ngân hàng có tỷ lệ LDR cao nhất theo khảo sát.
Đáng chú ý, chỉ số LDR ở hầu hết ngân hàng đều tiệm cận 100% hoặc hơn, rất ít ngân hàng loanh quanh 85% như Agribank, chỉ số LDR ở mức 83%! Đây là kết quả của một quá trình tái cơ cấu 8 năm, kể từ 2013.
Công thức tính LDR gồm có hai cấu phần chính. Trong đó, tử số là tổng dư nợ cho vay (tín dụng) và mẫu số là tổng tiền gửi.
Thông thường, tín dụng được coi là tài sản kém linh hoạt nhất trong số các tài sản sinh lời của ngân hàng. Do đó, nếu tỷ lệ LDR tăng thì tính thanh khoản của ngân hàng giảm đi tương ứng. Hiểu đơn giản, LDR lên cao quá thì khả năng tự bảo vệ khỏi nguy cơ bị rút tiền gửi đột ngột kém.
Trái lại, nếu tỷ lệ LDR thấp thì thanh khoản ngân hàng tốt, có thể thoải mái tăng trưởng, dễ dàng quyết định đầu tư và cho vay, khi nhiều khách hàng rút tiền gửi cùng lúc thì cũng không khó để đáp ứng.
Với tầm quan trọng như trên, tại Thông tư số 22, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu mức LDR tối đa của các ngân hàng thương mại là 85%. Tức là ngân hàng huy động được 100 đồng chỉ được sử dụng cho vay 85 đồng, còn 15 đồng phải để dự trữ, làm “bộ đệm” thanh khoản.
Và 15 đồng dự trữ này thường được ngân hàng mua tài sản có tính thanh khoản cao để dự trữ như trái phiếu chính phủ. Trong trường hợp xấu nhất, các ngân hàng có thể lấy khoản dự trữ bán ra, hoặc cũng có thể chiết khấu với Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở (OMO) để lấy tiền trả các nghĩa vụ nợ.
ĐỀ CAO TÍNH MINH BẠCH
Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ở các nước, chỉ số LDR không được coi trọng vì ngân hàng huy động vào chỉ cho vay một tỷ lệ nhất định; phần còn lại họ tham gia đầu tư trên thị trường vốn, mua bán trái phiếu chính phủ và các giấy tờ có giá khác. Ở các nước, chỉ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) lại quan trọng hơn.
Còn ở Việt Nam, sở dĩ LDR được coi là một trong hai chỉ số đong đo thanh khoản cực kỳ quan trọng là vì nhiều năm liền, cấp tín dụng dễ dãi, tín dụng tăng trưởng quá nóng. Thêm vào đó, cho vay sân sau, cho vay đảo nợ, cho vay nợ xấu, không thu hồi được nợ cũ mà huy động thêm cho vay mới.
Trên thực tế, trước năm 2011, có gần 10 ngân hàng trong diện tái cơ cấu bắt buộc do bị mất thanh khoản, trong đó có thanh khoản kỳ hạn mà đến nay, hậu quả vẫn chưa giải quyết triệt để.
Từ thực tế này, cùng với quá trình triển khai quyết định của Thủ tướng tái cơ cấu toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng qua 2 giai đoạn, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước văn bản hoá chỉ số LDR bằng Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014.
Sở dĩ LDR được coi là một trong hai chỉ số đong đo thanh khoản cực kỳ quan trọng là vì nhiều năm liền ngân hàng cấp tín dụng dễ dãi, tín dụng tăng trưởng quá nóng. Thêm vào đó, cho vay sân sau, cho vay đảo nợ, cho vay nợ xấu, không thu hồi được nợ cũ mà huy động thêm cho vay mới - Ông Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ở Việt Nam
Thông tư 36 quy định, LDR với ngân hàng thương mại nhà nước là 90%, ngân hàng hợp tác xã: 80%, ngân hàng thương mại cổ phần, liên doanh, 100% vốn nước ngoài: 80% và chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 90%.
Còn tại Thông tư 22 nói trên, tại khoản 5, chỉ gói gọn: “Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa 85%”.
Một điểm đáng lưu ý, từ khi được quy định hoá chỉ số LDR tại Thông tư 36 (2014) và Thông tư 22 (2019), Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ công bố chỉ số này của từng ngân hàng. Tương tự, các ngân hàng cũng chưa bao giờ tự mình công bố, chỉ một số rất ít, có vẻ như là nhằm mục đích “xức nước hoa lên thương hiệu” trước, trong các thương vụ bán vốn và/hoặc giải quyết sự cố khủng hoảng truyền thông...
Bởi vậy, giới phân tích và quan sát muốn tính được chỉ số LDR của các ngân hàng, đành phải dựa vào số liệu huy động/cho vay của ngân hàng trên các báo cáo tài chính.
Tuy nhiên, việc tự “cộng trừ nhân chia” như vậy cũng không phản ánh sự chính xác tuyệt đối mà chỉ là “tạm ước tính”. Bởi lẽ, mặc dù công thức tính LDR có hướng dẫn tử số/mẫu số là gì nhưng có một số khoản được loại trừ theo hướng dẫn tại Thông tư 22 như cho vay theo chỉ định của Chính phủ, chống bão lụt, thiên tại dịch bệnh...; trong khi, các tổ chức tín dụng công bố con số cấp tín dụng thì chỉ chung chung, không nói rõ có/không việc loại trừ các khoản cấp tín dụng được phép.
Theo quy định, Thông tư 22 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020 và cũng có đề cập đến các chế tài xử lý tại khoản 2 của điều 9. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tính minh bạch của các ngân hàng đại chúng khi đã niêm yết trên sàn trong việc công bố các chỉ số theo quy định của pháp luật đã không được cơ quan quản lý nào để mắt tới.
Giới phân tích cho rằng, với các ngân hàng niêm yết đã vậy, còn những ngân hàng chưa niêm yết, vẫn còn ở sàn UpCom như VietA Bank, BaoViet Bank, PVCombank, SCB... nếu muốn đi tìm chỉ số LDR thì như mò kim đáy biển.