Thanh khoản vượt 1 tỷ USD: Giao dịch T+2 kéo dòng tiền quay lại chứng khoán?
Khi áp dụng giao dịch T+2, đơn vị quản lý ngành chứng khoán kỳ vọng thanh khoản sẽ tốt hơn và đúng như vậy, dòng tiền đã sớm được kích hoạt trở lại trong phiên giao dịch hôm nay - ngày đầu tiên của hàng T+2 về tài khoản sẵn sàng bán.
Cứ tưởng một lượng hàng khổng lồ T+3 của ngày 24/8 và T+2 của ngày 25/8 - ngày đầu tiên chính thức áp dụng quy chế giao dịch mới, đổ bộ vào thị trường cùng với tín hiệu tiêu cực từ bên kia bán cầu Mỹ, hay cả áp lực hiệu chỉnh trước dịp Tết Trung thu sẽ khiến thị trường không "ngóc đầu" nổi sau pha bay màu gần 30 điểm vào buổi sáng nhưng thật bất ngờ VN-Index đã hồi cực tốt.
Chốt phiên, chỉ số chỉ rơi rớt đâu đó 11 -12 điểm, dù độ rộng thị trường vẫn đang nghiêng về số mã giảm với ít nhất 748 mã rực lửa trên cả ba sàn HSX, HNX và UpCOM.
Tất cả là nhờ dòng tiền. Thanh khoản ba sàn hôm nay đạt 24.500 tỷ đồng, chính thức vượt ngưỡng 1 tỷ USD, riêng HSX chiếm gần 19.000 tỷ đồng, tăng 35% so với giá trị giao dịch bình quân một tháng vừa qua đâu đó 14.000 tỷ đồng/phiên. Những tháng liền kề trước đó như tháng 7, tháng 6, tháng 5, tháng 4 thanh khoản cũng chỉ tương đương 14.000 - 15.000 tỷ đồng.
Như vậy, đúng với dự đoán của nhà quản lý, việc rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch giúp thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh.
Dù rằng cần một thời gian nữa để xác nhận chính xác xu hướng song với dòng tiền tích cực ngay từ phiên đầu tiên của ngày nhận hàng T+2, thị trường có thêm một tín hiệu tốt nữa, bên cạnh nhiều xung lực sẵn có.
Thứ nhất, theo số liệu tổng hợp Fiinpro, đến cuối Q2/2022, lượng tiền các nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán vẫn ở mức khá cao trên 70 ngàn tỷ đồng, chỉ giảm 14% so với cuối quý 1 và đang cao gấp 3,8 lần nếu so với mức thanh khoản trung bình 19 ngàn tỷ ở thời điểm hiện tại. Tức là dòng tiền hiện vẫn đang chờ đợi cơ hội giải ngân trên thị trường cổ phiếu.
Thứ hai, giá trị margin toàn thị trường ước tính ở mức 154 ngàn tỷ đồng, đã giảm 24% so với đỉnh Q1/2022. Song song với việc gia tăng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán, tỷ lệ margin trên vốn chủ sở hữu chỉ đang ở mức 80% giảm đáng kể so với con số 128% trong quý 1.
Thứ ba, nhà đầu tư cá nhân vẫn không ngừng mở mới tài khoản. Trong tháng 7, số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư mở mới là 199.562 tài khoản, giảm 57% so với số tài khoản mở mới của tháng 6. Dù vậy, cần phải lưu ý tháng 7 là tháng ngâu, xu hướng nhà đầu tư hạn chế mở mới tài khoản trong tháng "cô hồn" đã diễn ra thường xuyên trong nhiều năm trở lại đây.
Tính đến cuối tháng 7, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 6,3 triệu tài khoản. Giả sử mỗi nhà đầu tư cá nhân mở một tài khoản thì với dân số hiện tại, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân có tài khoản chứng khoán đạt 6,3%.
Thứ tư, một trong những kỳ vọng giúp thanh khoản thị trường cải thiện đó chính là gói hỗ trợ lãi suất 2% mà Chính phủ ban hành thời gian gần đây.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành nghị định hỗ trợ lãi suất 2% có tổng mức hỗ trợ tối đa 40,000 tỷ (tương ứng khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm dư nợ hỗ trợ lãi suất, bằng 9.6% tổng dư nợ tín dụng hệ thống ngân hàng tính đến cuối năm 2021) đối với các khoản vay được giải ngân trong khoảng thời gian từ 01/01/2022 đến 31/12/2023 của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một trong các ngành theo quy định.
Việc giải ngân gói 2% đã gặp khó ngay sau khi Nghị định thông qua do một số Ngân hàng hết room tín dụng nhưng cuộc họp gần đây nhất của Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room sẽ giúp thanh khoản thị trường tiền tệ sớm cải thiện. Dù quy mô gói kích thích kinh tế 40.000 tỷ chỉ tương đương 0,6% so với vốn hoá toàn thị trường; thấp bằng 1/4 lần so với gói kích thích trị giá 17.000 tỷ của năm 2009 song cũng phần nào đem lại hiệu ứng tích cực cho thị trường.
Quan trọng hơn cả, gói hỗ trợ lãi suất lần này kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích để các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình hồi phục, góp phần vào tăng trưởng kinh tế để hoàn thành mục tiêu 6% - 6.5% của Chính phủ. Thị trường chứng khoán kỳ vọng tăng trưởng dựa trên kết quả kinh doanh và năng lực nội tại doanh nghiệp, từ đó tiếp tục thu hút dòng tiền chảy vào cổ phiếu.
Thực tế cho thấy, trước đó, hồi tháng 09/2012, khi Uỷ ban Chứng khoán áp dụng thay đổi T+4 sang T+3, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân hàng tuần trong 12 tháng tiếp theo đã tăng 12% so với khoản thời gian trước đó, cũng trong bối cũng thị trường vừa giảm mạnh trong năm 2011 và kéo dài sang 2012.
Ngoài ra, về hiệu quả cho một “trader” sử dụng đòn bẩy thì việc rút ngắn 1 ngày giao dịch cũng tương ứng lãi suất phải trả sẽ giảm tương ứng so với giao dịch T+3, số tiền lãi vay được tiết kiệm từ đó cũng thúc đẩy tâm lý tích cực cho nhà đầu tư.