08:45 11/07/2007

Thế giới đối mặt nhiều vấn đề dân số

Trung Việt

Dân số thế giới hiện ở mức hơn 6,5 tỉ người và dự kiến đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên đến 9 tỉ

Châu Âu sẽ phải dành ngân quỹ lớn hơn để đài thọ cho hưu bổng, bảo vệ sức khỏe, và chăm sóc người già.
Châu Âu sẽ phải dành ngân quỹ lớn hơn để đài thọ cho hưu bổng, bảo vệ sức khỏe, và chăm sóc người già.
Nhiều nước giàu sẽ gặp khó khăn về lao động và phúc lợi xã hội khi dân số ngày càng già nua, tại các nước nghèo, đà tăng trưởng dân số đã làm tăng nạn nghèo đói. Đó là những vấn đề cần được xem xét, nhân Ngày dân số thế giới 11/7 năm nay.

Theo thông tín viên Jill Moss của đài VOA, thế giới hiện có hơn 6,5 tỉ người. Dự kiến đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên đến 9 tỉ.

Áp lực dân số già

Theo các chuyên gia, phần lớn đà tăng trưởng dân số xảy ra tại các nước đang phát triển như châu Mỹ Latinh, Nam Á và châu Phi. Dân số châu Phi theo dự kiến sẽ tăng gấp đôi, lên đến 2 tỉ người. Vùng Nam Á sẽ có thêm 1 tỉ người nữa trong vòng 50 năm tới. Đà tăng trưởng dân số đã làm cho những vấn đề như nạn nghèo, đói và thiếu thốn dịch vụ chăm sóc sức khỏe càng thêm nghiêm trọng.

Mức tăng trưởng dân số lại giảm xuống tại nhiều nước công nghiệp hóa. Các nước này sẽ gặp khó khăn khi dân số ngày càng già nua. Nước Nga là nơi dân số giảm sút một cách nghiêm trọng nhất. Dân số Nga hiện nay là 143 triệu người. Theo dự kiến, con số này sẽ giảm 22% trong vòng 45 năm tới. Nếu điều này xảy ra, nước Nga có thể bị mất hơn 40% lực lượng lao động tích cực và sẽ gặp khó khăn về kinh tế.

Dân số châu Âu cũng đang già đi nhanh hơn, trong khi số người đi làm lại giảm xuống, khiến các nước châu Âu sẽ phải dành ngân quỹ lớn hơn để đài thọ cho hưu bổng, bảo vệ sức khỏe, và chăm sóc người già.

Trong các nước phát triển, Hoa Kỳ là một trường hợp ngoại lệ, bởi vì dân số nước này tăng khoảng 1% một năm.

Uỷ ban kinh tế-xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) cho biết: các quốc gia châu Á- Thái Bình Dương sẽ là nơi cư trú của 2/3 dân số già của thế giới trong vòng 50 năm nữa. Đến năm 2050, châu Á-Thái Bình Dương sẽ có 1,2 tỷ người trên 60 tuổi, chiếm 63% của thế giới. Việc dân số già tăng nhanh chóng sẽ gây áp lực lên nền kinh tế do những tác động đối với thị trường lao động, hệ thống hưu trí và chăm sóc y tế.

Báo cáo mới đây của Uỷ ban điều tra dân số Mỹ cũng cho biết, tăng trưởng dân số thế giới đã đạt đỉnh vào khoảng 1 thập kỷ trước, và hiện có xu hướng xuống dốc. Năm 2002 chỉ có 74 triệu người tăng thêm so với con số 87 triệu trong hai năm 1989-1990. Trong năm 1990, trung bình mỗi phụ nữ có 3,3 con trong suốt cuộc đời. Nhưng vào năm 2002, con số này hạ xuống còn 2,6 trẻ/bà mẹ - chỉ cao hơn chút đỉnh mức tăng cần thiết để đảm đảo sự thay thế dân số.

Năm 2050, số người ở độ tuổi bằng và trên 65 sẽ lớn gấp ba lần con số hiện nay. Ngược lại, số trẻ em có xu hướng ổn định trong vòng 5 thập kỷ nữa.

Đô thị hoá và các “siêu thành phố”

Đến năm 2030, hơn 60% dân số thế giới sẽ sinh sống tại các thành thị. Các chuyên gia nói rằng trong vòng 10 năm tới, sẽ có 25 “siêu thành phố”, tức là các thành phố có dân số đông hơn 10 triệu người.

Các chuyên gia về môi sinh lo ngại về những áp lực xã hội, và các điều kiện sinh sống tệ hại tại các siêu thành phố. Vấn đề này đang rất nghiêm trọng ở Tp. Bombay, khi khoảng một nửa trong dân số 15 triệu người ở đây sống trong các khu nhà lụp sụp, thiếu nước sạch và hệ thống xử lý chất thải, trong khi mỗi ngày lại có khoảng 200 gia đình dọn đến thành phố này.

Theo dự đoán của Quỹ dân số Liên hợp quốc, vào năm 2008, với 3,3 tỷ người (gấp 4 lần so với năm 1950), lần đầu tiên trong lịch sử dân thành thị sẽ đông hơn dân nông thôn. Con số này sẽ tiếp tục phát triển nhanh, và tới năm 2030 số người thành thị sẽ lên tới 4,9 tỷ tương đương cứ 10 người thì có sáu người là dân thành thị trong tổng số 8 tỷ người trên hành tinh.

Vào năm 2030, số lượng dân thành thị tại châu Phi và châu Á có thể sẽ tăng lên gấp đôi. Phần đông những cư dân thành thị trong tương lai sẽ thuộc thành phần thu nhập thấp. Để đối phó với tình trạng trên, các nước đang phát triển phải cải thiện những dịch vụ xã hội và tăng cường giáo dục về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho người dân.

Một số giới chức tỏ ra quan ngại về số di dân gia tăng tại các thành phố lớn của Hoa Kỳ và châu Âu. Họ lo rằng hệ thống trường học và bệnh viện sẽ không đáp ứng nhu cầu của sự gia tăng dân số.