Thêm 85 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, thanh khoản có bớt căng?
Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng dù Ngân hàng Nhà nước đang bơm ròng. Có vẻ như thanh khoản đang chờ những cơn mưa lớn hơn để giải tỏa "nắng nóng diện rộng"...
Ghi nhận phiên giao dịch ngày hôm qua (26/7), một lượng tiền lớn đã được Ngân hàng Nhà nước đẩy ra thị trường. Thế nhưng, lãi suất liên ngân hàng vẫn tiếp tục tăng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chào thầu trên kênh cầm cố (OMO) 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày. Nguồn vốn hỗ trợ này được khớp gần hết với 14.999,99 tỷ đồng trúng thầu; trái lại, có 213,46 tỷ đồng đáo hạn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước không chào mua tín phiếu trong khi có 1.999,9 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, trong phiên giao dịch hôm qua, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 16.786,43 tỷ VND ra thị trường qua kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 31.911,55 tỷ VND và tín phiếu ở mức 117.154,1 tỷ đồng.
Với việc số dư tín phiếu hạ từ mức 170.000 tỷ đồng về 117.154,1 tỷ đồng, trong khi khối lượng tiền hỗ trợ thanh khoản tăng từ con số 0 lên mức 31.911,55 tỷ đồng cho thấy, thanh khoản hệ thống có phần căng trong ngắn hạn.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, thanh khoản hệ thống còn thể hiện trạng thái thiếu hụt tạm thời qua 2 yếu tố khác.
Thứ nhất, thay vì ấn định lãi suất hỗ trợ vốn trên kênh cầm cố là 2,5%/năm, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang phương thức đấu thầu. Ngay lập tức, lãi suất OMO nhảy vọt lên 3,8%/năm. Và như đã nêu, dù lãi suất tăng đáng kể nhưng số vốn hỗ trợ 15.000 tỷ đồng vẫn được hấp thụ gần hết.
Đáng chú ý, mức 2,5%/năm được Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm trong đợt giảm đồng loạt các lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19. Theo đó, từ tháng 9/2020 đến trước phiên giao dịch hôm qua, mức lãi suất này vẫn được cố định cứng ở 2,5%/năm.
Thứ hai, tiền được Ngân hàng Nhà nước bơm ròng trở lại thị trường với khối lượng lớn nhưng lãi suất chào giao dịch VND giữa các thành viên với nhau liên tục tăng. Chốt phiên hôm qua lãi suất VND liên ngân hàng cho kỳ hạn qua đêm dừng ở 4,29%/năm. Thậm chí, ghi nhận trong phiên hôm nay (27/7), mức lãi suất trên tăng thêm 0,18 điểm phần trăm để lên mức 4,47%/năm.
Thông thường, kênh cầm cố là việc Ngân hàng Nhà nước cho vay tiền dưới hình thức chiết khấu giấy tờ có giá (bơm thanh khoản). Còn phát hành tín phiếu được hiểu là Ngân hàng Nhà nước phát hành giấy tờ có giá để thu tiền về (hút thanh khoản).
Trong nhiều năm trở lại đây, nhà điều hành tiền tệ tại Việt Nam sử dụng rất linh hoạt hai công cụ trên, nếu thanh khoản thừa thì hút, trái lại thiếu thì bơm. Nhưng tại thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang vừa cho vay trên kênh cầm cố, vừa có tín phiếu lưu hành để hút tiền.
Theo một chuyên gia kinh tế, diễn biến trên có thể hiểu rằng, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang thừa và đột ngột chuyển sang thiếu. Trong khi lượng tín phiếu trước đó chưa kịp đáo hạn thì Ngân hàng Nhà nước phải cho vay thông qua kênh cầm cố.
Tuy nhiên, thay vì cho vay với mức lãi suất cố định thì nhà điều hành tiền tệ đã có một quyết định lịch sử là lần đầu tiên sử dụng phương thức đấu thầu trên kênh cầm cố. Hiểu đơn giản, Ngân hàng Nhà nước đang muốn để thị trường quyết định mức lãi suất.
“Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thể hiện tính linh hoạt trong chính sách điều hành tiền tệ của mình bằng những phát kiến mới. Tôi kỳ vọng bước tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước hạn chế được sự truyền dẫn của những biến động từ thị trường liên ngân hàng sang thị trường 1. Điểm hỗ trợ là, trong tuần đầu tháng 8 tới, có khoảng 85.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, điều này phần nào giúp thanh khoản hệ thống lấy lại trạng thái cân bằng”, vị chuyên gia trên nói.