Thanh khoản hệ thống vẫn gặp khó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm tiền hỗ trợ
Các ngân hàng đang vay “nóng” tiền của Ngân hàng Nhà nước khoảng 15.645 tỷ đồng trên kênh cầm cố của thị trường mở (OMO)...
Trong tuần giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên Đán, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục gặp áp lực và kênh OMO được sử dụng nhằm hỗ trợ hệ thống.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước bơm 14.390 tỷ đồng vào hệ thống thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Trái lại, tổng lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần đạt 8.837 tỷ đồng.
Như vậy, nhà điều hành đã phải bơm ròng 5.553 tỷ đồng, đưa lượng tín phiếu đang lưu hành thông qua kênh OMO là 15.125 tỷ đồng.
Tới phiên đầu tuần này (14/2), Ngân hàng Nhà nước chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 520 tỷ đồng trúng thầu. Trong ngày không có khối lượng đáo hạn. Do đó, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố lại được tăng lên mức 15.645 tỷ đồng.
Mặc dù tổng lượng tín phiếu đang lưu hành không quá lớn so với các thời điểm căng thẳng trong quá khứ, diễn biến trên thị trường liên ngân hàng trong thời gian qua tương đối khác biệt trong nhiều năm trở lại đây, khi thanh khoản vẫn còn gặp nhiều khó khăn sau Tết.
Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, có 2 lý do chính cho diễn biến trên.
Thứ nhất, tín dụng tăng mạnh trong vòng 2 tháng trở lại đây (trung bình 3 điểm phần trăm/tháng. Riêng 3 ngày cuối tháng 1/2022, tín dụng đã tăng gần 1 điểm phần trăm, phản ánh tín hiệu tích cực khi nhu cầu tín dụng tăng mạnh trong giai đoạn hồi phục (đến ngày 29/1/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 2,74%)
Thứ hai, hoạt động cấp thanh khoản thông qua nghiệp vụ mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước trầm lắng.
Hiện tại, cũng thể hiện áp lực thanh khoản, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh. Chốt ngày 14/2, các mức lãi suất dừng ở mức: qua đêm 2,92%; 1 tuần 2,80%; 2 tuần 2,62 và 1 tháng 2,66%.
Để củng cố, cũng như cân bằng lại dòng tiền, biểu lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng đã được điều chỉnh theo hướng đi lên ở một số ngân hàng dành cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Trên thực tế, chênh lệch huy động – tín dụng giảm mạnh khiến áp lực huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng mạnh.
Có một điểm đáng chú ý, trong khi lãi suất liên ngân hàng liên tục biến động những quãng lớn thì lãi suất trái phiếu Chính phủ lại không có quá nhiều biến động.
Trong tuần trước, lợi tức trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng nhẹ nhưng chủ yếu do tương đồng với diễn biến thị trường trái phiếu toàn cầu.
Chốt tuần ở mức như sau: 1 năm (0,56%, tăng 0,08 điểm phần trăm); 3 năm (0,78%; tăng 0,07 điểm phần trăm); 5 năm (0,93%, tăng 0,04 điểm phần trăm); 10 năm (2,15%, tăng 0,06 điểm phần trăm); 15 năm (2,49%; tăng 0,1 điểm phần trăm); 20 năm (2,83%, tăng 0,04 điểm phần trăm); 30 năm (3,01%, tăng 0,04 điểm phần trăm).
Lãi suất duy trì đi thấp, nhưng giá trị giao dịch trung bình ngày lại tăng nhẹ 3,4% lên 12,4 nghìn tỷ đồng/ngày. Điều này thể hiện tiền trong thị trường tài chính dư thừa vẫn còn nhiều, đủ hấp dẫn thì dòng tiền sẽ dịch chuyển.