16:33 22/04/2012

Thêm nhiều quy định với hàng nhập khẩu vào Mỹ

Lê Mây

Các quy định mới của Luật sẽ được Cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm Mỹ ban hành, áp dụng dần từ nay đến đầu năm 2016

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kí sửa đổi bổ sung Luật an toàn thực phẩm (FSMA) ngày 4/1/2011. Các quy định mới của Luật sẽ được Cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm Mỹ ban hành và đưa vào áp dụng dần trong thời gian từ nay đến đầu năm 2016.

Luật mới được thực hiện theo 4 nguyên tắc là: ngăn ngừa, tăng cường kiểm tra, đảm bảo tính an toàn cho thực phẩm và tăng cường quan hệ đối tác.

Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Công ty Registrar Corp (Mỹ) vừa tổ chức hội thảo “Cơ hội xuất khẩu sang Hoa Kỳ và những yêu cầu của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm” tại Tp. HCM, nhằm phổ biến và cung cấp cho các doanh nghiệp những thông tin về quy định mới của Luật an toàn thực phẩm Mỹ.

Theo quy định của Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm Mỹ, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ phải thông báo cho Cục An toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) biết trước khi đưa hàng vào thị trường. Khi đó FDA sẽ ra thông báo là đồng ý hay không việc cho nhập khẩu hàng vào Mỹ, nhằm phân loại tốt hơn hàng hóa, đảm bảo hàng hóa lưu hành trên thị trường an toàn.

Lâu nay, việc ghi thông tin trên nhãn sai là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng hoá bị giữ lại ở cảng cửa khẩu. Các quy định mới cho hàng hóa đòi hỏi chi tiết hơn, hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ trên mỗi sản phẩm phải tuân thủ đầy đủ kể từ cách thức ghi nhãn.

Ngoài một số yêu cầu chung phải đáp ứng đầy đủ như tên loại sản phẩm, trọng lượng, thành phần nguyên liệu, tùy theo từng mặt hàng sản phẩm mà Luật an toàn còn có quy định riêng. Ngôn ngữ ghi trên nhãn sản phẩm phải dùng song ngữ, trong đó tiếng Anh là bắt buộc và phải chú ý khâu dịch thuật cần thật chuẩn xác.

Trước kia, tùy theo yêu cầu của nhà nhập khẩu thì ngoài tiêu chuẩn chung của thị trường, doanh nghiệp sẽ được yêu cầu đảm bảo hàng hóa đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn chứng nhận khác do bên thứ ba cấp, việc đáp ứng tốt sẽ giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm so với hàng hóa cùng loại của nhà cung cấp khác.

Chẳng hạn, đối với tiêu chuẩn HACCP, FDA không yêu cầu bắt buộc nhưng từ tháng 7/2012, các sản phẩm hàng hóa xuất vào Mỹ sẽ phải đáp ứng quy trình sản xuất đạt chuẩn HACCP. Hiện tại đã áp dụng trên hai sản phẩm là hải sản và đồ uống.

Đến đầu năm 2013, Mỹ sẽ đưa vào áp dụng thêm quy định Tiêu chuẩn an toàn sản xuất bắt buộc (CGMP). Tới đây, FDA sẽ tiến tới công nhận kết quả của các đơn vị chứng nhận bên thứ 3.

Luật mới quy định, các nhà cung ứng hàng hóa sẽ phải thông qua người đại diện tại Mỹ để đăng kí với cơ quan FDA. Mọi thông tin liên quan đến nhà cung ứng, FDA sẽ thông báo cho người đại diện tại Mỹ. Vì vậy, doanh nghiệp cần chọn người có uy tín, có mối liên lạc thường xuyên và biết cách làm việc với FDA để làm người đại diện cho mình đăng kí với FDA.

Theo ông David Lennarz, chuyên gia của Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm Hoa Kỳ, với luật mới, người đại diện phải chịu trách nhiệm với FDA về vấn đề chi phí tài chính khi nhà cung ứng (đơn vị họ đại diện) bị thanh, kiểm tra.

Các chi phí liên quan đến việc kiểm tra, đi lại, chuẩn bị hồ sơ, doanh nghiệp bị kiểm tra sẽ chịu trách nhiệm chi trả. Mức phí FDA đưa ra cho chuyên gia được tính theo giờ (224 USD/giờ - trong nước và 325 USD/giờ - ở nước ngoài).

Vì vậy, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định cho hàng hóa là phương án tiết kiệm cho phí và tránh rủi ro. Bởi nếu hàng hóa bị phát hiện không đạt chuẩn ngoài việc bị trả về, doanh nghiệp còn tốn các chi phí lưu kho bãi, chi phí kiểm tra, vận chuyển và tu sửa sản phẩm. Đặc biệt là bị mất uy tín với khách hàng.

Chương trình xác minh nhà cung ứng ở nước ngoài là bắt buộc sẽ bắt đầu thực hiện trong thời gian tới. Ngày 31/12/2012 là thời gian cuối cùng cho cácdoanh nghiệp đăng kí, tái đăng kí với FDA. Theo đó, các nhà nhập khẩu ở Hoa Kỳ sẽ tiến hành cung cấp thông tin các nhà cung ứng ở nước ngoài với cơ quan FDA.

Cứ 2 năm, các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tiến hành tái đăng kí với FDA. Năm nay, việc đăng kí được thực hiện miễn phí.

Trong vấn đề tăng cường quan hệ đối tác, FDA có kế hoạch liên kết với các cơ quan quản lý Chính phủ các nước phối hợp trong công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, và FDA sẽ chấp nhận các kết quả kiểm tra. Theo kế hoạch của FDA, năm 2012 sẽ tiến hành 1.200 chuyến kiểm tra, và số lượng tiến hành kiểm tra năm sau sẽ gấp đôi so với năm trước.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp, các đối tác nhập khẩu tại Mỹ đang rất quan tâm đến các quy định mới của Luật an toàn sửa đổi và đã gọi điện hỏi doanh nghiệp Việt Nam về kế hoạch thực hiện, bởi Luật FSMA hướng đến việc buộc các nhà nhập khẩu có trách nhiệm với chất lượng sản phẩm của nhà cung cấp nước ngoài.