11:23 03/05/2007

Thị trường hàng không: “Thế độc quyền sẽ bị phá vỡ”

Qantas là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên tham gia vào thị trường hàng không Việt Nam

"Với việc Qantas tham gia vào Pacific Airlines, thị trường hàng không sẽ có bước phát triển".
"Với việc Qantas tham gia vào Pacific Airlines, thị trường hàng không sẽ có bước phát triển".
Qantas là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên tham gia vào thị trường hàng không Việt Nam.

Xung quanh sự kiện này, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh nhận định, thế độc quyền lâu nay của Vietnam Airlines và Pacific Airlines sẽ bị phá vỡ.

Khi có thêm đối tác nước ngoài tham gia quản trị Pacific Airlines, thị trường sẽ có những thay đổi gì?

Đúng là từ trước đến nay, Nhà nước vẫn giữ thế độc quyền ở thị trường hàng không, bởi lẽ tất cả các hãng hàng không đều là 100% vốn Nhà nước. Trước kia, Pacific Airlines dù là công ty cổ phần, nhưng đều là vốn góp của các doanh nghiệp nhà nước.

Với việc Qantas tham gia vào Pacific Airlines, thị trường hàng không sẽ có bước phát triển. Điều này phù hợp với chính sách của Việt Nam được thể hiện khá rõ trong Luật Hàng không dân dụng 2006 là khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận chuyển hàng không.

Trước đây, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến dành cho Pacific Airlines 3 năm để tái cơ cấu, sau đó mới cho phép thành lập các hãng hàng không khác. Vậy nay khi Qantas đã tham gia cơ cấu lại Pacific Airlines, thì cơ hội thành lập các hãng hàng không mới thế nào?

Việc thực hiện chính sách, quy hoạch phát triển hàng không như thế nào, các điều kiện ràng buộc khi nhà đầu tư chiến lược bỏ vốn vào Pacific Airlines là thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, tinh thần của Luật Hàng không dân dụng 2006 là khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vận chuyển hàng không, và đã quy định cụ thể điều kiện để thành lập hãng hàng không. Do vậy, cơ hội để thành lập các hãng hàng không mới là có, dựa trên quy hoạch phát triển hàng không của Nhà nước.

Cục Hàng không đã nhận được hồ sơ xin thành lập hãng hàng không nào, thưa ông?

Trước đây, chúng tôi đã nhận được một dự án của ông Đoàn Văn Quảng, xin thành lập Hãng hàng không Saigon Air. Nhưng thực sự ông Quảng không phải nhà đầu tư, mà chỉ vận động để thành lập. Chúng tôi đã trả lời là việc thành lập hãng hàng không phải chờ dựa vào nghị định về kinh doanh vận chuyển hàng không mà Chính phủ sắp ban hành.

Ông có thể cho biết một số điều kiện cơ bản để thành lập hãng hàng không trong dự thảo nghị định về kinh doanh vận chuyển hàng không?

Điều kiện này đã quy định trong luật. Còn nghị định sẽ hướng dẫn kỹ hơn, ví dụ phải có vốn lớn để bảo đảm khai thác được. Quan trọng hơn là một hãng hàng không phải bảo đảm được an toàn và an ninh, có tổ chức bộ máy, có nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp bảo đảm khai thác tàu bay, kinh doanh vận chuyển hàng không.

Có cơ hội cho các nhà đầu tư thành lập hãng hàng không, nhưng thực sự cũng không phải dễ dàng như phát triển trong các lĩnh vực kinh doanh khác. Ví dụ như để khai thác được tàu bay, không chỉ có vốn, có điều kiện cơ sở vật chất, mà cần phải có con người.

Trong khi đó, ở Việt Nam, nguồn nhân lực đủ trình độ cho phát triển hàng không còn nhiều khó khăn. Ngay Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines hiện cũng vẫn phải đi thuê phi công, thuê thợ kỹ thuật của nước ngoài…

Ông nhận định gì về khả năng lớn xảy ra vẫn là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ vào tham gia thị trường hàng không của Việt Nam?

Chúng ta có chính sách rất cởi mở với nước ngoài, và thị trường rất tiềm năng. Đây cũng chính là lý do Qantas chọn một hãng hàng không ở Việt Nam để đầu tư, khai thác thị trường châu Á.