Thiệt vì hàng giả, cơ quan quản lý phải bồi thường?
Việc nâng Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành luật đang được lấy ý kiến
Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), hiện cả nước có 30 tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm 29 hội bảo vệ người tiêu dùng ở 29 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Tuy mạng lưới nhiều nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả, đó là do còn nhiều điểm còn bất cập trong pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cùng như các quy định để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình.
Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời năm 1999 và đến nay đã phát huy được những hiệu quả nhất định trong việc bảo vệ quyền lợi người người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thực tế người tiêu dùng muốn đòi quyền lợi của mình khi có vi phạm từ phía nhà sản xuất, cung cấp hàng hoá thì phải trải qua quá nhiều công đoạn, nhiều thủ tục.
Điều này đã khiến cho người tiêu dùng nhiều khi bỏ qua những tranh chấp về quyền lợi của mình khi có vi phạm. Để hạn chế những vướng mắc này, Cục Quản lý cạnh tranh đang lấy ý kiến về việc nâng Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lên thành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm
Theo ý kiến của TS. Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, nhìn vào thực tế hoạt động của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay không có bất kỳ một sự hỗ trợ kinh phí hay bất kỳ một sự đóng góp nào nên có những khó khăn trong quá trình hoạt động.
Hoạt động khiếu nại chưa thu phí nên không có tiền trả lương cho nhân viên tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, không có tiền chi cho quảng bá hoạt động của tổ chức và càng không thu hút được người trẻ tuổi, có năng lực làm việc cho mình. người tiêu dùng cũng chưa thực sự đến với các tổ chức này khi quyền lợi bị xâm phạm do những chế tài pháp lý còn vướng.
TS. Dương Thanh Sơn, Đại học Quốc gia Tp.HCM đưa ra con số: hàng năm Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nhận được khoảng 1.000 đơn khiếu nại của người tiêu dùng, đây là con số này là quá ít so với sự vi phạm trong thực tế. Trong số 1.000 đơn khiếu nại này có đến 80% đơn khiếu nại được giải quyết bằng hòa giải.
Lí do được ông Sơn đưa ra là người tiêu dùng không biết quyền lợi của mình bị vi phạm, do cơ quan quản lý Nhà nước chưa định hướng cho người tiêu dùng bảo vệ mình như thế nào. Một lí do nữa là do các cơ quan chức năng Nhà nước hoạt động không hiệu quả, do đó người tiêu dùng có tâm lý ngại lên tiếng, ngại khiếu kiện để tránh phiền toái.
Việc nhà sản xuất hay cơ quan quản lý Nhà nước phải chịu trách nhiệm khi người tiêu dùng bị thiệt hại đang còn là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Hiển nhiên khi nhà sản xuất gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải có trách nhiệm bồi hoàn nhưng những trường hợp như trên thì phía cơ quan chức năng Nhà nước cho rằng đó là hàng giả, hàng lậu. Trong các chế tài pháp lý bảo về quyền lợi người tiêu dùng chưa có quy định nào về việc người tiêu dùng được bảo vệ khi dùng phải hàng giả, hàng lậu.
Chỉ 21% nhà sản xuất tiếp thu khiếu nại nghiêm túc
Nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập ra các cơ quan chức năng Nhà nước như quản lý thị trường, hải quan... ngoài việc chống hàng lậu gây thất thu thuế cho Nhà nước còn phải đảm nhiệm việc chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường và đây chính là chức năng bảo vệ người tiêu dùng.
Nếu người tiêu dùng bị thiệt hại do sử dụng hàng giả thì cơ quan chức năng Nhà nước phải bồi thường vì chính người dân, người tiêu dùng khi mua hàng hoá là đang đóng góp bằng các khoản thuế để “nuôi” các cơ quan này hoạt động.
Trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan chức năng Nhà nước trong việc này, nếu không người tiêu dùng sẽ trực tiếp đóng phí cho các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng hoạt động để đảm bảo quyền lợi của mình.
Bà Mỹ Loan cho rằng sự phát triển của công nghệ thông tin kéo theo nhiều loại hình kinh doanh mới như: mua hàng qua điện thoại, qua Internet... và những vấn đề mới như thư rác, lừa đảo trên Internet cũng càng trở nên tinh vi hơn nên người tiêu dùng càng ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro.
Thực tế chứng minh những người tiêu dùng là nạn nhân của những hành vi này chủ yếu là những người có thu nhập thấp, trình độ hiểu biết còn hạn chế và sống ở khu vực nông thôn... nên ý thức tự bảo vệ mình cũng kém hơn. Điều đó lý giải cho hiện tượng khá nhiều người tiêu dùng hiện nay không biết đến sự tồn tại của các hội bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có khiếu nại nhưng nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ không giải quyết cũng đành chịu vì chế tài xử phạt chưa nghiêm.
TS. Dương Anh Sơn, Đại học Quốc gia Tp.HCM cho rằng lý do áp dụng các chế tài hành chính đối với hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng không hiệu quả là do mức xử phạt hành chính do pháp luật quy định quá thấp.
Như Nghị định 45 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định; hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã bị biến chất, có tạp chất lạ hoặc nhiễm các chất độc hại có nguy cơ gây hại đối với sức khoẻ con người thì bị phạt tối đa 15 triệu đồng. Mức phạt quá nhẹ này khiến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh sẵn sàng nộp phạt để rồi tiếp tục tái phạm.
Theo điều tra của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, khi người tiêu dùng khiếu nại nhận được sự tiếp thu nghiêm túc của nhà sản xuất chỉ chiếm khoảng 21%, còn 30% không nhận được phản ứng gì, 33% tỏ thái độ khó chịu, 4% nhận được phản ứng khiếm nhã. Chính những điều này đã gây khó khăn cho người tiêu dùng khi muốn bảo vệ quyền lợi của mình.