Thiếu chỗ chơi đêm, Đà Nẵng không đủ sức giữ chân các “thượng đế”
Theo các chuyên gia, Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung, muốn phát triển kinh tế đêm cần có chủ trương, chiến lược, chính sách tổng thể để bứt phá
Nếu không "cởi trói" cho kinh tế đêm, Đà Nẵng chẳng những mất nguồn doanh thu khổng lồ, mà còn gặp khó trong quá trình hiện thực hóa giấc mơ vươn tới thành phố du lịch hàng đầu châu Á
Sự trái ngược đến khó hiểu
Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Đạt, cũng như "kinh tế ngầm", "kinh tế ban đêm" ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu chính thức nào để xác định quy mô, sự tác động đến nền kinh tế chung của nó. Song, các nền kinh tế đêm khổng lồ trên thế giới đã chứng minh: 70% chi tiêu của khách du lịch là vào ban đêm. Tuy nhiên, ở nước ta, kinh tế về đêm ở Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc… trước nay chỉ được biết đến qua một số chợ đêm, chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24, những tuyến phố nhậu đêm như Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (Tp.HCM)…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng giám đốc APT Travel chia sẻ thêm, tất cả sản phẩm du lịch của chúng ta hiện chủ yếu chỉ tập trung từ 7h sáng đến 17h chiều. Tuy nhiên, khoảng thời gian thu được nhiều tiền nhất là từ 18h tối đến 2h sáng thì đến nay vẫn gần như bỏ trống. Ngay cả thành phố Đà Nẵng, nơi được xem là "thành phố đáng sống nhất Việt Nam", "thủ phủ du lịch miền Trung", các dịch vụ du lịch đêm cũng rất nghèo nàn. Bấy lâu nay, các doanh nghiệp lữ hành vẫn cứ "đỏ mắt" tìm chỗ chơi đêm cho khách, thậm chí phải đưa khách về Hội An chơi và ngủ đêm.
Như chia sẻ của ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Tiên Phong (Tiên Phong Travel): "Thật khó để tìm được một chỗ chơi đêm khiến du khách ưng ý tại Đà Nẵng. Chính vì thế, dù đang tổ chức tour Đà Nẵng 4 ngày 3 đêm nhưng Tiên Phong Travel phải thiết kế cho khách ngủ 1 đêm tại Đà Nẵng, 2 đêm ngủ tại Hội An để các thượng đế không cảm thấy nhàm chán".
Cũng theo Giám đốc Tiên Phong Travel, Đà Nẵng ban ngày có rất nhiều điểm vui chơi, giải trí hấp dẫn như: Bà Nà Hill, Sun World Danang Wonders, đỉnh Bàn Cờ, bãi biển Mỹ Khê, danh thắng Ngũ Hành Sơn, làng đá Non nước… nhưng ban đêm thì hoàn toàn trái ngược. "Một sự trái ngược đến khó hiểu, bởi du khách thật khó để tìm được một nơi vui chơi, giải trí thực sự ưng ý, để có được cảm giác quên lối về", ông Khánh nhấn mạnh.
Điểm qua những điểm vui chơi, giải trí đêm ở Đà thành, ông Khánh nói: "Đêm Đà Nẵng chỉ có ăn nhậu, cuối tuần có trình diễn ở Cầu Rồng cũng chỉ 15 đến 30 phút là hết. Có một vài chợ đêm nhưng hàng hóa lèo tèo, chất lượng không đảm bảo nên chưa thể hấp dẫn du khách. Thế nên dù là khách đoàn hay khách lẻ thì ban đêm họ vẫn thích di chuyển đến Hội An để trải nghiệm". Bởi thế, các doanh nghiệp lữ hành cũng không có cách nào kéo khách nghỉ lâu ở Đà Nẵng.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Newstar Group Lương Duy Ngân cũng bày tỏ quan ngại: Chợ đêm Helio, Sơn Trà, Lê Duẩn... cứ na ná nhau, không có gì khác biệt, thiếu đặc trưng vùng miền, hàng hóa cũng không được tuyển chọn kỹ lưỡng. Chợ đêm Helio có vẻ "sang chảnh" hơn và tích hợp nhiều dịch vụ nhất cũng thiếu bản sắc, lại đóng cửa từ 22h30, nên không đủ sức giữ chân các "thượng đế".
Không làm kinh tế đêm, tiền sẽ "chạy ra ngoài"
Theo các chuyên gia, Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung, muốn phát triển kinh tế đêm cần có chủ trương, chiến lược, chính sách tổng thể để bứt phá, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về đêm không chỉ của du khách mà còn của người dân.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Hanoi Redtour phân tích: "Kinh tế ban đêm" là xu hướng chung của các nước phát triển. Đó là thời gian để họ trao đổi, gặp gỡ và vui chơi giải trí sau giờ làm việc, vì thế các dịch vụ kinh doanh vào ban đêm phát triển rất mạnh mẽ. Tại Việt Nam, rất nhiều khách du lịch đến Đà Nẵng than phiền rằng cuộc sống về đêm ở đây khá buồn tẻ. Đáng tiếc là Đà Nẵng chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch tương xứng trong khoảng thời gian này.
Tuy nhiên, nói tới kinh tế đêm, không phải tất cả các dịch vụ chỉ phục vụ du khách. Chẳng hạn, năm 2018, Đà Nẵng đón 7,7 triệu lượt du khách (trong đó có khoảng 2,8 triệu lượt khách quốc tế). Trung bình mỗi khách ở 2 đêm, như vậy là có hơn 15 triệu lượt khách. Nhưng Đà Nẵng có khoảng 1,1 triệu dân, cứ tính mỗi đêm có 1/10 số người có nhu cầu vui chơi, giải trí đêm thì 1 năm đã có khoảng 40 triệu lượt khách. Rõ dàng đây là con số khổng lồ. Các nhà đầu tư cũng sẽ nhìn ra cơ hội này.
Do đó, để phát triển kinh tế ban đêm ở Đà Nẵng không khó, khi thủ phủ này đang là điểm đến của rất nhiều "sếu đầu đàn" trong ngành du lịch như Sun Group, Vingroup… Điều quan trọng là chính quyền thành phố cần có chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp để tạo môi trường kích thích các nhà đầu tư rót vốn.
Bên cạnh các quán bar, vũ trường hiện có, cần có thêm các show biểu diễn nghệ thuật truyền thống và hiện đại hấp dẫn, chuỗi ẩm thực đặc sắc. Phương án tối ưu là quy hoạch một khu riêng biệt, cách xa khu dân cư, được đầu tư bài bản để phục vụ các hoạt động kinh doanh dịch vụ về đêm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Đài cho rằng: Kinh tế ban đêm không gói gọn trong chợ đêm hay phố đi bộ, vũ trường, quán nhậu, karaoke... mà còn hàng loạt dịch vụ khác như dịch vụ vận tải, thương mại, thậm chí là giao dịch tài chính xuyên quốc gia do đặc thù múi giờ khác nhau. Chẳng hạn, rất nhiều chuyến bay đến thành phố vào buổi tối. Hay có nhiều lao động, người đi làm buổi tối. Do đó, ngoài nhu cầu mua sắm, ăn uống, cần có nhiều loại hình thương mại, dịch vụ khác đi theo.
Cùng với đó, Đà Nẵng cũng xem xét cho phép các loại hình dịch vụ casino, trường đua ngựa... hoạt động để thu hút chi tiêu lớn. Khi có tiền, khách muốn chơi mà ta không đáp ứng được, trong khi các nước láng giềng và thế giới vẫn làm, thì tiền sẽ "chạy ra ngoài".