14:00 24/10/2024

Thu hẹp khoảng cách số để không ai bị bỏ lại phía sau

Tuấn Dũng

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đang từng bước tiến tới mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đồng thời hình thành các doanh nghiệp công nghệ số. Tuy nhiên, khoảng cách số ở những người yếu thế đang là một thách thức trong tiến trình Chuyển đổi số...

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại diễn đàn Đa phương (MSF) 2024 với chủ đề “Phát triển Con người và Công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số”.
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại diễn đàn Đa phương (MSF) 2024 với chủ đề “Phát triển Con người và Công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số”.

Hiện nay, khoảng cách số (Digital divide) là khái niệm để chỉ tình trạng bất bình đẳng kinh tế và xã hội về khả năng truy cập và sử dụng các công nghệ số của người dân. Và khoảng cách này đối với  nhóm người yếu thế như người khuyết tật, người lao động thu nhập thấp, người cao tuổi cần được đặc biệt quan tâm để họ không bị bỏ lại phía sau.

KHOẢNG CÁCH SỐ MỘT RÀO CẢN SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Báo cáo của Ngân hàng thế giới World Bank trong năm 2023 cho thấy từ năm 2019 đến 2022, có thêm 1,5 tỷ người được tiếp cận với Internet, đưa số lượng người sử dụng được tiếp cận Internet trên toàn thế giới đạt hơn 5,3 tỷ người, chiếm 2/3 tổng dân số thế giới.Mặc dù vậy, báo cáo cũng cho thấy khoảng cách số vẫn là vấn đề dai dẳng với nhiều quốc gia.

Đặc biệt, những nước có thu nhập thấp, khoảng cách số thể hiện rõ nét thông qua những khoảng cách địa lý, tuổi tác, giới tính hay trình độ lao động của các quốc gia. Khoảng cách số ngày càng được nhận diện rõ hơn khi người dân làm việc tại nhà, giáo dục trực tuyến, thương mại điện tử, dùng mạng xã hội hay việc bỏ sóng 2G lên 5G.

Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ học máy (ML), dữ liệu lớn (big data), đám mây (cloud)… cũng đã làm cho nhiều lao động phổ thông mất việc do hạn chế về kiến thức công nghệ, khó tiếp cận các nền tảng công nghệ nói trên.

Điều này cũng đã được ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, nêu ra tại diễn đàn Đa phương (MSF) 2024 với chủ đề “Phát triển Con người và Công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia phối hợp cùng Samsung Việt Nam tổ chức mới đây.

Còn ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, lo lắng  khoảng cách số có thể sẽ tiếp tục gia tăng giữa những người có khả năng và những người kém khả năng hơn. Đặc biệt với nhóm người yếu thế thì khoảng cách số với những người bình thường hoặc những người ở ở các thành phố nó sẽ ngày một lớn hơn.

Không những vậy, với khả năng phát triển vượt bậc của công nghệ ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT dự đoán, 85% các công việc sẽ tồn tại trong xã hội vào năm 2030 hiện chưa được phát minh.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu tại diễn đàn.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu tại diễn đàn.

Và trong tương lai gần, thế hệ hiểu biết và sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ “cướp” việc của thế hệ già, kém công nghệ. AI không thay thế hoàn toàn con người, tuy nhiên, những người biết sử dụng AI sẽ thay thế những người còn lại.

Đó cũng là lý do, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết chúng ta cần phải “thu hẹp khoảng cách số”, hiện vấn đề này đang là một thách thức rất lớn trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển rất mạnh.

Thực tế rất đáng lo ngại khi vẫn còn một bộ phận lớn người dân như người già, người khuyết tật, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa hay những người có hoàn cảnh khó khăn vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc sử dụng công nghệ số.

BỐN GIẢI PHÁP THU HẸP KHOẢNG CÁCH SỐ

Thu hẹp khoảng cách số là một công việc quan trọng và cũng đã được nói đến trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc thu hẹp khoảng cách số chính là động lực để loại bỏ nhũng rào cản ảnh hưởng tới  sự phát triển bền vững. Sự tích lũy và thịnh vượng trong tương lai hầu hết sẽ dựa vào công nghệ và tri thức, thiếu tiếp cận công nghệ dẫn đến đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo.

Cũng do vậy, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nâng cao năng lực số cho mọi người là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội. Trước hết, nghiên cứu, trao đổi để hiểu rõ hơn về nhu cầu và thách thức của nhóm người yếu thế. Từ đó tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất để hỗ trợ người yếu thế tiếp cận kỹ năng số cũng như thiết kế ra môi trường học tập thuận lợi, cung cấp các công cụ cần thiết cho nhóm người này.

Để thu hẹp khoảng cách số ở Việt Nam, chúng ta cần phải thực hiện nhiều giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất, là nhóm giải pháp về thể chế và pháp luật. Điều này tạo hành lang pháp luật an toàn cho các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức mạnh dạn chuyển đổi số.

Thứ hai, phải có giải pháp làm chuyển đổi nhận thức để hình thành lối sống số trong toàn xã hội với sự đóng góp hỗ trợ của các doanh nghiệp và phải làm đồng bộ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và từng người dân.

Thứ ba là nhóm giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng số, tăng chất lượng đường truyền kết nối,  đảm bảo an ninh mạng...

Thứ tư là đưa ra các giải pháp về đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho người dân.

Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho tại Diễn đàn.
Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho tại Diễn đàn.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã tiên phong thực hiện việc thu hẹp khoảng cách số này. Ông Kim Yong Sup, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam cũng cho rằng vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng, bản thân Samsung hiện đang nỗ lực hỗ trợ những đối tượng ít có cơ hội tiếp cận công nghệ mới thông qua nhiều chương trình đào tạo kỹ năng số đa dạng.

Hay Viettel, doanh nghiệp từng đóng góp lớn vào việc phổ cập mạng viễn thông, 3G, 4G, từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi tới miền ngược. Và hiện nay Viettel vẫn không ngừng đóng góp vào việc thu hẹp khoảng cách số, với các giải pháp trong nhiều lĩnh vực như tài chính, thương mại điện tử, logistics…

Ông Phạm Xuân Trường, đại diện cho cộng đồng người khuyết tật nói chung và khiếm thị nói riêng, cũng chia sẻ  mỗi người cần phải có những nỗ lực với sự hỗ trợ của công nghệ sẽ làm cho khoảng cách số thu hẹp lại, bản thân ông cuãng là minh chứng cho vấn đề này.

 

Ra mắt sáng kiến công nghệ bao trùm tại Diễn đàn Đa phương MSF 2024

Điểm nhấn quan trọng của Diễn đàn MSF 2024 là sự ra mắt Sáng kiến Công nghệ bao trùm (InclusiveTech Initiative) do NIC khởi xướng với sự đồng hành của Samsung Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Sáng kiến này thể hiện tinh thần phục vụ xã hội, với phương châm: "Công nghệ không chỉ phục vụ sự tiến bộ của một số ít mà còn mang lại giá trị cho cả cộng đồng". Mục tiêu chính là tạo cầu nối giữa những người sáng tạo công nghệ và các nhóm yếu thế, giúp họ hòa nhập và phát triển, từ đó, thúc đẩy một xã hội công bằng và bền vững thông qua các giải pháp sáng tạo.

Nền tảng chính của sáng kiến là một trang web chuyên dụng, được thiết kế như một không gian hợp tác và chia sẻ tri thức giữa các bên liên quan.