19:00 05/06/2024

Thu hút khách quốc tế: Giải pháp để Việt Nam đuổi kịp và vượt Thái Lan

Như Nguyệt

Để nâng cao các thứ hạng này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất giải pháp cần nâng cao sức cạnh tranh về giá, đảm bảo an toàn an ninh...

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đăng đàn trả lời chất vấn chiều 5/6.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đăng đàn trả lời chất vấn chiều 5/6.

Chiều 5/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đăng đàn trả lời chất vấn về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ) đặt vấn đề, năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 18 triệu du khách quốc tế và dự kiến doanh thu khoảng 20 tỷ USD, chiếm 5% GDP. Trong khi đó, cũng trong năm nay thì Thái Lan đặt mục tiêu là 40 triệu du khách quốc tế và nguồn thu của họ là 98 tỷ USD, chiếm khoảng 12 % GDP. 

Cũng theo đánh giá xếp loại của Diễn đàn kinh tế thế giới, có 2 yếu tố tác động rất lớn đến thu hút du khách quốc tế. Thứ nhất là tài nguyên văn hóa và thứ hai là tài nguyên tự nhiên thì Việt Nam xếp thứ 24 và 25/119 nước và đều cao hơn Thái Lan.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết những vướng mắc, hạn chế nào và cần những giải pháp đột phá gì để Việt Nam có thể đuổi kịp và vượt Thái Lan trong việc thu hút du khách quốc tế trong vòng 5 năm tới?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết liên quan đến kết quả đánh giá xếp loại của Diễn đàn kinh tế thế giới được công bố năm 2024, đây là đánh giá có giá trị để xem xét điều chỉnh. Tuy nhiên, việc thu thập các số liệu đó vào năm 2022, nước ta mới thoát khỏi đại dịch nên số liệu tại thời điểm đó chưa thể như bây giờ. Theo đó, nước ta được xếp hạng là 3,96 điểm, xếp hạng thứ 59/119 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong khối ASEAN và xếp sau Thái Lan. 

Vì vậy, để nâng cao các thứ hạng này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất giải pháp cần nâng cao sức cạnh tranh về giá, đảm bảo an toàn an ninh, còn các chỉ số thấp như hạ tầng du lịch, duy trì vệ sinh, bền vững về môi trường, mức độ ưu tiên cho du lịch, mức độ mở cửa, tác động kinh tế - xã hội đến du lịch… thì Bộ cũng đã đề xuất với Chính phủ để chỉ đạo việc tập trung cải thiện.

Do đó để làm được việc này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị chính quyền địa phương cần tập trung, đồng thời mong muốn quan tâm thêm đến các chỉ số này để tạo sự đồng bộ, cải thiện các chỉ tiêu để lượng khách du lịch tăng lên. Cách làm cần thận trọng, chắc chắn và hiệu quả.

GIẢI PHÁP XÚC TIẾN, QUẢNG BÁ DU LỊCH THÔNG QUA ĐIỆN ẢNH

Theo đại biểu Lê Đào An Xuân, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, điện ảnh là một phương thức rất hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước nói chung và xúc tiến du lịch nói riêng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trong thời gian tới, Bộ có giải pháp gì để hỗ trợ ngành điện ảnh Việt Nam cũng như giải pháp gì để những phim do Nhà nước đặt hàng đến được với khán giả tạo nên một cái kênh xúc tiến, quảng bá du lịch hiệu quả?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sau khi Luật Điện ảnh có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành các Nghị định và triển khai thi hành Luật, nền điện ảnh đã có dấu hiệu khởi sắc. Nền điện ảnh đang được triển khai theo đúng lộ trình, nhất là tập trung vào việc thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam để tổ chức xây dựng các bộ phim. Cùng với đó cũng đề nghị các nhà làm phim kết hợp để quảng bá về đất nước, con người Việt Nam. 

Vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng bộ phim về du lịch đã tạo hiệu ứng lan toả, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về vùng đất, vẻ đẹp con người Việt Nam. Năm 2023, Bộ đã tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch qua điện ảnh cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp ký kết sản xuất phim về vấn đề này.

Phiên họp Quốc hội chiều 6/5. Ảnh: Quochoi.vn
Phiên họp Quốc hội chiều 6/5. Ảnh: Quochoi.vn

Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục phát huy lợi thế, vẻ đẹp tự nhiên của đất nước, đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách trong Luật Điện ảnh. Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất điều chỉnh Nghị định của Chính phủ để có thể công bố bán vé phim do Nhà nước đặt hàng.

NÊN HAY KHÔNG NÊN TIẾP TỤC MỞ RỘNG DIỆN ÁP DỤNG MIỄN THỊ THỰC?

Một số đại biểu cũng đề cập đến việc, ngành du lịch đã rất nỗ lực trong việc thu hút khách du lịch như miễn thị thực, cấp thị thực điện tử song do còn nhiều yếu tố mà lượng khách du lịch chưa tăng.

Đại biểu Nguyễn Thị  Hà, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, chất vấn về việc có nên tiếp tục mở rộng diện áp dụng miễn thị thực hay không? Nếu áp dụng diện mở rộng thì sẽ hướng tới khu vực nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết về chính sách visa, nhiều quốc gia khác sử dụng điều này như là một lợi thế trong cạnh tranh về du lịch. Việt Nam cũng nhận thức được điều này, chúng ta đã sửa đổi một số luật có liên quan, tạo điều kiện mở cửa, thúc đẩy phát triển du lịch.

Tham khảo mô hình một số quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo Chính phủ có giải pháp đánh giá tổng thể về mặt chính sách visa trong thời gian qua trên tất cả các phương diện, kinh tế, xã hội, đối ngoại, quốc phòng và an ninh. Đồng thời đề xuất các giải pháp ưu tiên theo hướng song phương, bạn miễn visa cho ta, ta miễn visa cho bạn. 

 

Trả lời chất vấn của đại biểu việc đường đua công thức 1 bị bỏ không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết đường đua F1 do UBND TP Hà Nội là chủ đầu tư và triển khai, sau đó do nhiều lý do khách quan và chủ quan không triển khai. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tư cách là cơ quan phối hợp, đã phối hợp bàn giao mặt bằng, đất đai để triển khai. Việc đường đua có trở lại hoạt động hay không, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ có câu trả lời chính thức.