Thu hút, ưu đãi: Kéo lao động trở lại làm việc
Sau hơn một tháng kết thúc giãn cách xã hội, để phục hồi và duy trì sản xuất, các doanh nghiệp phía Nam đã chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và xây dựng nhiều chế độ ưu đãi, tạo thuận lợi để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc...
Về phía người lao động, do vừa trải qua giai đoạn giãn cách nên có thể họ không chỉ đơn thuần tìm kiếm công việc có mức lương hay chế độ đãi ngộ hấp dẫn mà sẽ chú ý đến môi trường làm việc và mô hình vận hành của doanh nghiệp.
NHIỀU DOANH NGHIỆP MỎI MẮT CHỜ LAO ĐỘNG
Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai, đến nay đã có 1.657/1.713 doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh hoạt động trở lại, đạt tỉ lệ 97%. Tổng số người lao động trở lại làm việc là hơn 529.000 người, đạt tỉ lệ 86%. Những tháng cuối năm, đơn hàng nhiều, để duy trì và ổn định sản xuất, các doanh nghiệp đang có nhiều cách làm để chăm lo và giữ chân người lao động.
Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), cho biết đến nay, công ty có 24.000 công nhân đã đi làm trở lại, đạt tỉ lệ 90%. Nhằm hỗ trợ công nhân vơi bớt khó khăn do dịch Covid-19, công ty triển khai nhiều chính sách chăm lo thiết thực. Điển hình như trợ cấp cho gần 8.000 công nhân đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi và lao động nữ mang thai; chi trả tiền ngừng việc trong thời gian từ ngày 22/7 đến 30/9/2021 cho 23.000 công nhân…
Sau nhiều tháng tạm ngưng sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay các doanh nghiệp ở Bình Dương cũng đã trở lại hoạt động và tăng cường tuyển dụng lao động cho đơn hàng cuối năm. Nhu cầu tuyển dụng cao nhưng nguồn cung không đáp ứng cầu nên các doanh nghiệp phải tung nhiều “chiêu” để thu hút lực lượng lao động.
Bà Phan Thị Cẩm Tú, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Timberland, chuyên sản xuất ghế sofa xuất khẩu, cho biết: “Chúng tôi đã cho đăng tải thông tin tuyển dụng trên các trang mạng xã hội, dán thông báo tại khu tập trung đông người, thông qua giới thiệu của công nhân trong công ty để “săn tìm” lao động. Doanh nghiệp này cũng cam kết đưa ra nhiều chế độ phúc lợi để giữ chân, cũng như thu hút lao động, song cái khó là lao động tại chỗ ở Bình Dương không nhiều nên việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn.
Còn theo ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty cổ phần gỗ Lâm Việt, đợt dịch vừa qua khiến hơn 500 công nhân rời bỏ công ty về quê tránh dịch. “Sau khi các tỉnh thông thương chuyện đi lại dễ dàng hơn, công ty sẽ tiếp tục liên lạc đưa công nhân trở lại với những phần thưởng riêng để hỗ trợ công nhân bù vào thời gian nghỉ việc do dịch bệnh. Năm nay, dù doanh thu không tốt, nhưng ngoài lương, thưởng tết như hàng năm công ty sẽ có một khoản riêng để giữ chân người lao động”, ông Liêm cho biết.
Đến thời điểm này, tại TP.HCM đã có gần 80% nhà máy, doanh nghiệp tại 17 khu chế xuất, KCN mở cửa hoạt động trở lại. Đặc biệt, hiện đã có khoảng 90% lực lượng người lao động tại những khu này đã đi làm trở lại. Như vậy, hiện các nhà máy ở TP.HCM thiếu hụt khoảng 10% lực lượng người lao động do về quê chưa trở lại nơi làm việc.
Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam, chia sẻ hiện Nissei Electric Việt Nam có ba khu nhà lưu trú khang trang làm nơi ở cho công nhân viên. “Ngoài ra, để động viên tinh thần lực lượng lao động trở lại làm việc, mới đây công ty đã tặng túi quà gồm gạo, dầu ăn, hạt nêm, nước tương… cho toàn bộ công nhân. Cùng với đó, công ty còn tặng mỗi công nhân một máy đo nhiệt độ để theo dõi sức khỏe”, đại diện Nissei Electric Việt Nam cho biết.
Đại diện một số doanh nghiệp khác cũng chia sẻ với lộ trình mở rộng sản xuất, họ cần tuyển thêm nhiều công nhân. Tuy nhiên, việc tuyển dụng mới không đơn giản, vì lực lượng người lao động về quê rất lớn. Để người lao động quay trở lại, các doanh nghiệp đang triển khai nhiều phương án như tổ chức xe đưa đón tận nơi, hỗ trợ tìm nơi ở, hỗ trợ tiền phòng trọ…
AN TÂM VÀ AN TOÀN LÀ ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU
Nhằm hỗ trợ phục hồi thị trường lao động, mới đây Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có hướng dẫn bằng văn bản vấn đề hỗ trợ người lao động quay lại doanh nghiệp làm việc tại các địa phương phía Nam (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An).
Theo đó, đoàn viên công đoàn và người lao động đã về quê, có nhu cầu quay lại doanh nghiệp làm việc (bao gồm cả người lao động đang tạm hoãn hợp đồng hoặc đang nghỉ việc không hưởng lương do Covid-19 theo thoả thuận với doanh nghiệp) sẽ được nhận hỗ trợ. Điều kiện để doanh nghiệp được nhận hỗ trợ là doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn; có số lượng lao động từ 5.000 người trở lên; sẵn sàng đón, hỗ trợ tiền lương, nơi ở, các nhu cầu thiết yếu khác cho đoàn viên và người lao động.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ bằng tiền để công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp tổ chức phương tiện (ô tô, tàu hoả, máy bay) đón đoàn viên, người lao động quay lại làm việc. Mức hỗ trợ 50% tổng số kinh phí (chỉ cho phương tiện vận chuyển) tổ chức đón đoàn viên, người lao động quay lại làm việc. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 1/11 đến hết ngày 31/12/2021.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc bao phủ tiêm vaccine, để giải bài toán đứt gãy nguồn lao động, các doanh nghiệp cần chuẩn bị các phương án trợ giúp thiết thực trong 1 - 2 tháng đầu khi người lao động trở lại làm việc như nhà ở, an sinh xã hội để họ yên tâm sản xuất. ThS. Nguyễn Thị Minh Thư, giảng viên ngành Quản trị nguồn nhân lực và ngành Khởi nghiệp (Đại học RMIT) gợi ý rằng để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh, doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ đưa đón nhân viên, hoặc hợp tác với bên cung ứng để bán thực phẩm và hàng thiết yếu ngay tại doanh nghiệp…
Bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nhấn mạnh, để thu hút người lao động đã về quê an tâm quay trở lại làm việc ở các thành phố lớn, đòi hỏi phải có sự chung tay giúp sức của doanh nghiệp và chính quyền cả nơi đi và nơi đến. Việc kết nối thông tin về cung - cầu lao động giữa doanh nghiệp, người lao động và các địa phương là quan trọng.
Cần phải thông tin rõ ràng cho người lao động về cơ hội việc làm, các chính sách đãi ngộ và thủ tục cũng như quy trình, hỗ trợ để giúp người lao động di chuyển từ quê nhà đến địa phương mà họ dự kiến sẽ làm việc và sẵn sàng để bắt đầu công việc. “Chúng ta nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kết nối này. Chỉ khi người lao động cảm thấy được an toàn và an tâm cả về y tế và tác động về kinh tế, họ mới quay trở lại”, bà Hà nhấn mạnh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ tháng 7 đến ngày 15/9 có khoảng 1,3 triệu người rời bỏ các đô thị lớn để tránh dịch, trong đó hơn 74% là người trong độ tuổi lao động. Sau ngày 30/9, hơn 400 nghìn lao động tiếp tục trở về quê. Vì thế, việc bù đắp số lượng lớn lao động để ổn định sản xuất không thể giải quyết được trong “một sớm một chiều”.