17:21 16/12/2022

Thu ngân sách nhà nước 2022 của các tỉnh Bắc Trung Bộ: Tỉnh bứt phá, tỉnh giảm mạnh

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Theo thông tin về tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 vừa công bố, Thanh Hóa dẫn đầu với gần 49.000 tỷ đồng, vượt 65% dự toán, tiếp đến là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình và Quảng Trị.

Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Cụ thể, dẫn đầu trong danh sách các tỉnh Bắc Trung Bộ về tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022, Thanh Hóa tiếp tục xác lập kỷ lục mới.

Năm 2021, tổng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 36.500 tỉ đồng, vượt 37% so với dự toán năm và tăng 16% so với cùng kỳ. Đó là một kỷ lục đối với tỉnh này. Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa nhiều chỉ tiêu kinh tế tiếp tục tăng cao, đạt và vượt xa kế hoạch.

THANH HÓA - NGHỆ AN BỨT PHÁ

Năm 2022, Thanh Hóa tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch.

Các ngành dịch vụ phục hồi nhanh. Tổng lượng khách du lịch năm 2022 ước đạt trên 11 triệu lượt khách, bằng 110,1% kế hoạch và gấp 3,2 lần năm 2021 (trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 245 nghìn lượt khách, gấp 11,5 lần); tổng thu du lịch ước đạt hơn 20.000 tỉ đồng, bằng 111,8% kế hoạch, gấp 4 lần năm 2021.

Thanh Hóa thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay với tổng thu ước đạt gần 49.000 tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ.

Trong đó, Thanh Hóa thu nội địa ước đạt 30.150 tỉ đồng, vượt 62% dự toán và tăng 6% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 18.670 tỷ đồng, vượt 70% dự toán và tăng 55% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoạt động đầu tư đạt kết quả tích cực trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức; tổng huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 138.919 tỷ đồng. Trong năm, đã thu hút được 60 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 4.900 tỷ đồng và 71,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án, với số vốn tăng 32,7 triệu USD.

Một góc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Một góc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Tiếp đến, theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, năm 2022 tổng thu ngân sách nhà nước đạt 20.300 tỷ đồng, vượt 35,6% so với dự toán điều chỉnh. Đây là năm đầu tiên, thu ngân sách nhà nước của tỉnh này vượt mốc 20.000 tỷ đồng, đứng thứ 17/63 địa phương trong cả nước.

Năm 2022, Nghệ An thu hút đầu tư đạt kết quả rất tích cực. Tính đến ngày 30/11/2022, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt gần 42.000 tỷ đồng, tăng 49,16% so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 30/11/2022 là gần 940 triệu USD.

HÀ TĨNH - THỪA THIÊN HUẾ - QUẢNG BÌNH KHỞI SẮC

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tăng trưởng kinh tế của tỉnh này năm 2022 ước đạt gần 4%. Quy mô nền kinh tế năm 2022 ước đạt gần 93.000 tỷ đồng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt gần 53.000 tỷ đồng, tăng 26%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 74%; doanh thu vận tải, kho bãi ước đạt 5.458 tỷ đồng, tăng 26%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD, đạt 90% kế hoạch, giảm 10% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3,4 tỷ USD, đạt kế hoạch đề ra, tăng 3% so với cùng kỳ… Hoạt động du lịch phục hồi tích cực sau gần 2 năm “đóng băng”; lượng khách đến Hà Tĩnh ước đạt gần 1,8 triệu lượt.

Một góc thành phố Hà Tĩnh
Một góc thành phố Hà Tĩnh

Năm 2022, Hà Tĩnh thu ngân sách ước đạt 16.900 tỷ đồng, đạt 103,68% dự toán, tương đương so với năm 2021. Trong đó, thu nội địa ước đạt 8.100 tỷ đồng, đạt 103,8% dự toán; thu xuất nhập khẩu ước đạt 8.800 tỷ đồng, đạt 103,5% dự toán. Chi ngân sách ước đạt 20.035 tỷ đồng, đạt hơn 98% dự toán…

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 40.124 tỷ đồng, bằng 93% kế hoạch, tăng 41% so với năm 2021. Giải ngân đầu tư công ước đạt hơn 8.500 tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch. Chấp thuận chủ trương đầu tư 18 dự án, trong đó 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng, 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 278 triệu USD.

Năm 2023, tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt hơn 8%; GRDP bình quân đầu người đạt 74 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt hơn 97,5 triệu đồng/ha; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 45.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 19.000 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa 8.000 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu 11.000 tỷ đồng.

Báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh này năm 2022 ước đạt 8,56%, vượt kế hoạch đề ra là 6,5 - 7,5%; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt trên 66.300 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đến năm 2022 ước đạt 57 triệu đồng, tương đương 2.429 USD, tăng 10,9% so cùng kỳ, vượt 79 USD so với kế hoạch.

Thành phố Huế
Thành phố Huế

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 28.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.230 triệu USD, đạt 109% kế hoạch; tổng thu từ du lịch ước khoảng 4.500 tỷ đồng... Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước ước đạt 12.701 tỉ đồng, vượt 85,1% dự toán, tăng 12% so cùng kỳ.

Ước cả năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% tổng kế hoạch vốn, trong đó giải ngân hết 100% vốn cân đối ngân sách địa phương và khoảng 96% vốn ngân sách Trung ương được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.

Năm 2023, Thừa Thiên Huế phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 9-10%; GRDP bình quân đầu người từ 2.670 – 2.760 USD; năng suất lao động xã hội tăng 9-10%; cơ cấu kinh tế dịch vụ: 46 - 47%; công nghiệp - xây dựng: 34 - 35%; nông nghiệp: 10 - 10,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm: 8 - 8,5%;  vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10%; phấn đấu thực hiện thu ngân sách trên địa bàn đạt 13.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 12% trở lên…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình, trong năm 2022 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,96% so với năm 2021.

Cụ thể, GRDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,61%, đóng góp 6,55% vào mức tăng trưởng chung. GRDP khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,58%, đóng góp 42,55% vào mức tăng trưởng chung, trong đó: Công nghiệp tăng 16,27%, đóng góp 24,90%; xây dựng tăng 9,53%, đóng góp 17,65%, riêng khu vực công nghiệp tăng 16,27% cao nhất từ năm 2010 đến nay.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2022 đạt hơn 8.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 54,8 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 21.000 lao động … tất cả đều vượt kế hoạch đề ra.

QUẢNG TRỊ GIẢM MẠNH

Năm cuối cùng trong danh sách, năm 2022, tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Trị ước đạt hơn 4.500 tỷ đồng, thấp hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2021.

Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị

Tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Trị ước tăng 7,17% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra là 6,5 % -7%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 4.520,5 tỷ đồng, vượt 9% dự toán địa phương.

Một điểm đáng lưu ý, trong năm 2022, không chỉ sản lượng khai thác thủy sản giảm, mà năng suất và sản lượng hầu hết các cây trồng đều giảm so với năm trước.

Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm còn chậm, nhiều công trình, dự án đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng hầu hết đang triển khai các thủ tục đầu tư, chậm thi công, có dự án dừng triển khai…

Được biết, năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng COVID - 19, nhưng tỉnh Quảng Trị đã thu ngân sách đạt kỷ lục của tỉnh với hơn 5.500 tỷ đồng, tăng 51,3% so với năm 2020. Yếu tố đột biến dẫn đến việc thu ngân sách đạt kỷ lục của tỉnh Quảng Trị năm 2021 là nhờ thu tiền sử dụng đất, thuế nhập khẩu các thiết bị điện gió.