Với chủ đề “Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững”, Diễn đàn đã lắng nghe các bài phát biểu từ lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương, chính sách, các chiến lược quốc gia, các đề án đối với phát triển các mô hình kinh tế mới gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, và các đột phá chiến lược của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia kinh tế quốc tế và Việt Nam đã đề cập nhiều thông tin quan trọng về xu hướng chuyển dịch, phát triển các mô hình kinh tế mới trên thế giới và tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá cao các diễn đàn do VnEconomy tổ chức, đặc biệt Diễn đàn Kinh tế mới 2023 là diễn đàn sáng tạo và bao phủ nhiều nội dung có liên quan đến các vấn đề từ ngắn hạn, đến trung và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, cho biết sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế xã hội nói chung, và trong tăng trưởng kinh tế nói riêng. Giai đoạn hiện nay, tư duy phát triển các mô hình kinh tế mới đã trở thành một trụ cột quan trọng trong chính quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam
Ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế trưởng, UNDP, tham dự diễn đàn cũng nêu quan điểm, việc phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong những mục tiêu lớn, với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đòi hỏi Việt Nam phải chuyển dịch nhiều ngành kinh tế. Chính phủ cần tạo ra các ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp và hộ gia đình khuyến khích đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng bền vững (và không khuyến khích đầu tư ngắn hạn, lãng phí).
Ở phiên thảo luận, đại diện các doanh nghiệp như FPT, Grab Việt Nam, Momo, Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, HSBC và Deloitte Việt Nam đã giới thiệu nhiều giải pháp phát triển mới nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững...
Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ Tập đoàn FPT, cho rằng sau 2 năm Covid -19, làn sóng chuyển đổi công nghệ đã thực sự bùng nổ tại Việt Nam. Tập đoàn FPT ngoài việc cung cấp các giải pháp công nghệ cho những đối tác, khách hàng thì đồng thời cũng luôn "nâng cấp" hệ thống công nghệ để giải quyết công việc nội bộ của Tập đoàn một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất...
Với các tham luận, ý kiến đóng góp được chuẩn bị kỹ lưỡng, mang nhiều ý nghĩa thực tiến, Diễn đàn Kinh tế mới 2023 đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm doanh nghiệp, cũng như hàng chục cơ quan thông tấn báo chí...
Tiến sĩ Chử Văn Lâm chia sẻ" Chúng tôi kỳ vọng Diễn đàn này không chỉ là sự kiện thường niên, một năm tổ chức một lần, mà sẽ thiết lập trở thành kênh thông tin trao đổi có tính liên tục và định kỳ nhằm tạo ra dòng thông tin đa chiều, mang lại giá trị tham khảo cao cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cơ quan hoạch định, quản lý và thực thi chính sách".
Tiếp ngay sau Diễn đàn sẽ là lễ Khai mạc Chương trình 20 năm Thương hiệu Mạnh Việt Nam (2003 – 2023), công bố và vinh danh Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2022-2023.
Năm 2023, Chương trình vinh danh doanh nghiệp theo các hạng mục: TOP 10 Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2022-2023; TOP 10 Thương hiệu Mạnh - Kinh doanh Xuất sắc 2022-2023; TOP 10 Thương hiệu Mạnh - Tăng trưởng Ấn tượng 2022-2023; TOP 10 Thương hiệu Mạnh - Tiên phong Đổi mới sáng tạo 2022-2023; TOP 10 Thương hiệu Mạnh - Tăng trưởng xanh 2022-2023; TOP Thương hiệu Mạnh - Phát triển bền vững 2022-2023.
Theo TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, 20 năm qua chương trình Thương hiệu mạnh Việt Nam do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức đã bình xét, công bố và vinh danh hàng ngàn doanh nghiệp. Đây đều là những doanh nghiệp rất xứng đáng, bởi họ đã nỗ lực cống hiến nhiều năm, không chỉ mang lại công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động mà còn góp phần thay đổi, nâng tầm nhiều địa phương. Có thể khẳng định, có càng nhiều doanh nghiệp mạnh, thương hiệu mạnh thì kinh tế sẽ càng phát triển, đời sống người dân no ấm, đầy đủ hơn.