12:11 30/07/2009

Thứ trưởng khẳng định kinh doanh xăng dầu “vẫn lỗ”

Từ Nguyên

Trong vòng khoảng một năm trở lại đây, về cơ bản doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn lỗ và Nhà nước vẫn phải bù

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú.
Trong vòng khoảng một năm trở lại đây, về cơ bản doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn lỗ và Nhà nước vẫn phải bù.

Khẳng định trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đưa ra, khi trao đổi với báo giới xung quanh những phản hồi của dư luận về tính minh bạch trong giá thành và các chi phí đầu vào của hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua.

Ông Tú nói:

- Về cơ bản, hoạt động kinh doanh xăng dầu, ngoài mục tiêu lợi nhuận ra còn bao hàm cả mục tiêu về chính trị, xã hội. Điều đó lý giải vì sao, dù chúng ta đang từng bước chuyển kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường, nhưng vẫn phải đảm bảo sự quản  lý của Nhà nước.

Cũng chính vì thế, ngoài việc đảm bảo cung ứng xăng dầu thường xuyên liên tục, mọi nơi, mọi lúc, mọi thời điểm, đồng thời còn phải đảm bảo giá xăng dầu của ta luôn đúng với tình hình biến động của thế giới, đảm bảo lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Còn việc lỗ lãi trong kinh doanh xăng dầu mà dư luận đang quan tâm, tôi xin khẳng định, trong vòng khoảng một năm trở lại đây, kể cả khi giá tăng lẫn khi giá giảm, về cơ bản doanh nghiệp vẫn lỗ và Nhà nước vẫn phải bù.

Nếu ai có thể phản bác được thông tin này, tôi sẵn sàng nhường ghế Thứ trưởng cho người đó và từ chức ngay.

Ngoài ra, cũng cần nói thêm, hiện nay, hoạt động kinh doanh xăng dầu về cơ bản đã mang tính thị trường, trong đó mọi yếu tố liên quan đến giá thành, chi phí đầu vào đều được công khai. Hơn nữa, với sự tham gia của nhiều đối tượng, nhiều thành phần kinh tế thì tính cạnh tranh và minh bạch lại càng được nâng cao.

Nhưng khi một doanh nghiệp nhà nước như Petrolimex vẫn đang chiếm hơn 60% thị phần thì liệu tính thị trường có được đảm bảo, thưa ông?

Chúng ta thường quên mất một điều rất quan trọng, đó là Petrolimex bên cạnh kinh doanh còn thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị do Chính phủ giao. Pertrolimex không có toàn quyền quyết định công việc kinh doanh của mình tách rời khỏi sự điều hành của Nhà nước.

Bên cạnh đó, khi có quyết định giảm giá thì Petrolimex phải là doanh nghiệp giảm giá đầu tiên, còn khi tăng thì lại phải chờ cơ quan nhà nước cân nhắc kỹ và chưa chắc đã được tăng. Do đó quyền chi phối cũng không có ý nghĩa gì khi mà doanh nghiệp này vẫn chịu sự quản lý của Nhà nước.

Theo ông, bao lâu nữa thì hoạt động kinh doanh xăng dầu mới có thể vận hành theo cơ chế thị trường thực sự?

Chúng ta đang từng bước xây dựng cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước nhưng với chủ trương phải làm sao để dần giảm bớt sự can thiệp của nhà nước, tăng cường tính chủ động của doanh nghiệp trong chuyện kinh doanh của mình.

Có một điểm đáng chú ý trong dự thảo nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu sắp trình Chính phủ là sẽ mở rộng đối tượng được phép kinh doanh xăng dầu. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu đủ điều kiện đều được phép kinh doanh xăng dầu.

Còn giảm sự can thiệp của Nhà nước đến mức nào thì chúng ta đang chờ ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, kinh doanh, quản lý và quần chúng nhân dân.

Trong 3 phương án điều hành giá xăng dầu của Bộ Tài chính vừa đề xuất thì Bộ Công Thương nghiêng về phương án nào, thưa ông?

Bộ Tài chính đưa ra 3 phương án điều hành giá vừa qua là với tư cách là cơ quan quản lý giá. Chọn phương án nào là quyết định cuối cùng của Ban soạn thảo và Chính phủ. Chúng tôi  không nghiêng về phương án nào.

Được biết, trong nghị định mới, việc áp dụng quỹ bình ổn xăng dầu vẫn sẽ được tiếp tục áp dụng. Nhưng, liệu có bất công không khi nguồn thu của quỹ này lại bắt người tiêu dùng phải đóng?

Tôi thử hỏi lại, với tư cách là doanh nghiệp, liệu có bất công không khi tôi phải bỏ tiền túi của tôi ra để bình ổn cho bạn? Nguyên tắc cuộc đời rất đơn giản - ai là người được hưởng thì người đó phải chịu. Tại sao bạn là người được hưởng giá thấp nhưng bạn lại muốn tôi chịu?